Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Con đi trường học, phụ huynh “kiệt sức”

Tạp Chí Giáo Dục

Có mặt trong những ngày các tân sinh viên đến trường đại học (ĐH) làm thủ tục nhập học, chúng tôi chứng kiến nhiều phụ huynh với gương mặt rạng rỡ vui mừng và hạnh phúc vì thành tích của con. Nhưng cạnh đó, không ít cảnh tượng trong ngày vui của con mà gương mặt phụ huynh đăm chiêu lo lắng, dáng đi của họ như còng xuống… bởi gánh nặng của bao nhiêu chi phí phát sinh.

Chú Nguyễn Xuân Hòa và cô con gái trong ngày nhập học Trường ĐH Nông Lâm

Con đi học phụ huynh… “kiệt sức”
Ngày 15-9, chúng tôi gặp bác Diệp Văn Hai đứng tựa vào gốc cây chờ con (SV Diệp Huỳnh Gia Huy học ngành công nghệ thông tin – PV) làm thủ tục nhập học ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Trên lưng mang chiếc ba lô nặng trĩu ướt đẫm mồ hôi, bác Hai cho biết: “Hai cha con đón xe đi từ Sóc Trăng lên thành phố, đến bến xe miền Tây lúc 3 giờ sáng, trời còn tối lại không rành đường đi nên xin mấy bác tài xe buýt cho ngủ nhờ, chờ đến sáng mới hỏi đường xuống trường. Thấy con vào trong làm thủ tục một mình, nóng lòng tôi muốn vào cùng con xem nộp hồ sơ thế nào nhưng các anh bảo vệ không cho phụ huynh vào. Đứng chờ lâu quá nên lại ra ngoài đứng cho mát”. Ngày nhận được giấy báo nhập học của đứa con trai út, bác Hai vừa mừng vừa lo. Mừng vì thằng con út không phụ lòng cha mẹ cố gắng học hành thi đậu ĐH, sau này có nghề nghiệp không phải khổ như các anh nó. Còn nỗi lo là sắp tới, biết “chạy” đâu ra tiền hàng tháng gửi cho con để con yên tâm học hành. Mới ở thành phố hai ngày mà tiền ăn ở, xe ôm… bằng chi phí cả tháng trời của cả nhà ở quê. Nhìn lại túi tiền sắp hết mà bác Hai không khỏi buồn lòng. Bác Hai bộc bạch: “Gia đình xoay đủ mọi cách, vét hết tiền trong nhà, rồi bán thêm 2 con heo con được hơn 3 triệu đồng, hai cha con lên thành phố trước một ngày, nghĩ số tiền mang theo đủ cho con chi tiêu trong một tháng nhưng giờ hết sạch. Giờ về nhà phải đi vay mượn tiền gửi lên nữa. Con mới nhập học mà cha mẹ kiệt sức rồi”.
Trước đó, ngày 9-9, chúng tôi cũng gặp chú Nguyễn Xuân Hòa (Quảng Ngãi) dẫn cô con gái Nguyễn Thị Xuân Duyên đến Trường ĐH Nông Lâm làm thủ tục nhập học. Từ Quảng Ngãi đi tàu vào TP.HCM, chú Hòa dự tính khi con nhập học xong là về ngay trong buổi nhưng vì con gái không được ở ký túc xá nên chú phải ở lại vài ngày để tính đường ổn định chỗ ở cho con. Những ngày ở lại thành phố, chú Hòa nhẩm tính, riêng việc ăn ở cũng làm… vơi đi rất nhiều túi tiền mang theo, chưa nói đến chuyện hai cha con phải đi xe ôm ngược xuôi tìm nhà trọ. Do những khoản chi phí phát sinh không nằm trong dự kiến nên mới chỉ đóng tiền học phí cho con thôi thì khoản tiền chú mang theo đã cạn dần. “Tiền trong nhà không được bao nhiêu, vay mượn họ hàng thêm nữa mới được gần 4 triệu đồng đưa con đi học. Sau khi đóng các khoản tiền đầu năm hết hơn 2 triệu đồng, định để lại một ít cho con trong tháng đầu nhưng giờ thì hết rồi. Ở nhà thì bao nhiêu việc đang chờ, lại mất thêm mấy ngày công. Mai mốt lấy đâu ra tiền gửi cho con ăn học”- chú Hòa than thở.  
 “Bấm bụng” chờ qua tháng đầu
Thực tế khi tân sinh viên nhập học thì rất nhiều thứ phải mua sắm để trang bị cho cuộc sống xa gia đình. Bao nhiêu khoản phát sinh khi lần đầu tiên sống tự lập khiến nhiều tân sinh viên bị “hụt hơi” ngay từ những ngày đầu nhập trường.
Mới hơn 1 tuần vào học Trường ĐH Nông Lâm mà Phan Thành Tín (Đắc Nông) vẫn chưa hiểu mình xài cách nào mà “bay” sạch số tiền… hơn 3 triệu đồng mang theo. “Tiền trường 1,3 triệu đồng, tiền nhà trọ 700 ngàn đồng, tiền mua sắm lặt vặt, ăn uống… thế là sạch. Mà em đã sắm được gì nhiều đâu, có cái thau, khăn tắm. Có thể do mình chưa quen nên tiền đi lại, ăn uống… chưa tính toán kỹ” – Tín nói. Trong túi chỉ còn đúng 300 ngàn đồng mà Tín không dám gọi điện về cho bố mẹ. “Biết là lên thành phố đi học sẽ tốn kém rất nhiều nhưng bố mẹ không thể hình dung được tiền triệu lại tiêu hết vèo trong hai tuần. Em sợ bố mẹ ở nhà nghĩ em tiêu hoang rồi lại xót” – Tín tâm sự. Trước mắt, Tín cố gắng “cầm cự” cho hết tháng đầu rồi mới tính đến chuyện đi làm thêm. “Tiền học phí, tiền trọ, tiền đi lại đã ngốn gần hết số tiền mà gia đình cho em. Bây giờ còn nhiều thứ phải sắm như nồi, xoong, chén đũa… đó là chưa kể tiền mua sách. Do lần đầu ở trọ nên đụng vào đâu cũng thấy thiếu. Không biết phải làm thế nào. Bây giờ em chỉ mong qua nhanh mùa nhập học để cuộc sống ổn định rồi còn tính chuyện đi làm thêm” – Thanh Tuấn – tân sinh viên Trường CĐ Công thương cho biết. Tính chuyện làm thêm là “giải pháp” của nhiều tân sinh viên có gia đình khó khăn ở tỉnh lên thành phố nhập học.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Bình luận (0)