Lãnh đạo Sở GD-ĐT và quận 1 thăm mô hình của Trường Tiểu học Chương Dương
|
“Tự hào con rồng cháu tiên – Vươn tới đỉnh cao khoa học” là chủ đề ngày hội do Phòng GD-ĐT Q.1 (TP.HCM) tổ chức vừa qua tại Hội trường Thống Nhất với sự tham dự của hàng ngàn học sinh tiểu học trên địa bàn quận.
Chơi mà học
Chị Nguyễn Thu Thảo, phụ huynh của em Trần Nguyễn Minh Đức (Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng), hồ hởi nói: “Hôm rồi, cháu Đức vừa về tới nhà đã reo lên: Má ơi, con được đi tham dự ngày hội tại Hội trường Thống Nhất với các bạn trong lớp vào thứ tư tuần tới đó má. Má đi cùng con nhé. Vui và sẽ có nhiều bất ngờ cho má coi”. Nghe con nói tôi vui lắm vì rất ít khi thấy cháu bộc lộ niềm vui như vậy. Hôm nay đến với ngày hội, tôi thật sự bất ngờ vì không gian tổ chức cho các cháu thật sự lý tưởng, các hoạt động trong ngày hội rất thiết thực và gần gũi với những kiến thức mà các cháu đã được học ở trường. Điều căn bản là các cháu có một sân chơi lành mạnh để thể hiện được hết khả năng của bản thân”. Cùng niềm vui và phấn khởi, chị Hoàng Ngọc Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Khai Minh, chia sẻ: “Bất ngờ, đó là tâm lý chung của tôi và nhiều vị phụ huynh khác. Như tại cuộc thi Rung chuông vàng “Em yêu khoa học” có những câu hỏi do Ban tổ chức đặt ra cho 95 thí sinh (từ lớp 1 tới lớp 5), tôi thấy rất khó: Cái gì chuyển động tạo thành gió? Sự biến đổi từ chất này thành chất khác gọi là gì? nhưng không ngờ chỉ trong 10 giây các cháu đã có đáp án chính xác. Hoặc có những câu hỏi đơn giản: Vật liệu nào khi đem trộn với cát, sỏi, nước tạo thành bê tông?… cũng được các cháu học sinh lớp 1 trả lời đúng 100%. Có cháu đưa ra đáp án sai, phải rời khỏi chiếu thi nhưng vẫn nở nụ cười thật tươi, sà vào lòng mẹ tiếc nuối: “Con cứ nghĩ cây giống con người nên trả lời là: Ôxy…”. Qua ngày hội này, phụ huynh chúng tôi cũng rút ra được nhiều bài học bổ ích trong việc giáo dục con em mình, đó là: Không áp đặt một khuôn mẫu nhất định nào, phải tạo cho các em thật thoải mái khi ở trường cũng như ở nhà”.
Đây là ngày hội giao lưu giữa học sinh tiểu học của các trường trên địa bàn quận 1, thông qua hình thức vui chơi để định hướng giáo dục, ươm mầm ý tưởng sáng tạo khoa học và rèn luyện thể chất cho học sinh. Qua đó, tuyên dương những học sinh chăm ngoan, học giỏi, rèn luyện tốt.
Khoa học trong mắt học sinh
Các em học sinh đã thuyết trình một cách chững chạc, tự tin giới thiệu những công trình khoa học của đơn vị mình trước Ban giám khảo. Vật liệu là những đồ phế liệu như: Vỏ hộp sữa, giấy vụn, tre – nứa – lá… Những “công trình” của các em đã thực sự thu hút và thuyết phục được nhiều vị giám khảo khó tính vì các tính năng rất khoa học. Em Dư Khải Tuấn (học sinh lớp 4/5, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ) cho biết: “Thế giới xung quanh có biết bao hiện tượng khoa học với bao điều kì thú mà mỗi người đều muốn khám phá. Gió làm cây lay động, gió làm chong chóng quay. Thế có bao giờ các bạn thắc mắc: Tại sao có gió không? Thú vị lắm đấy, các bạn ạ! Thông qua kiến thức mà thầy cô đã truyền dạy, chúng em đã tạo ra được một sản phẩm để giải thích sự xuất hiện của gió, đó chính là hộp đối lưu đấy. Hộp đối lưu được làm từ một hộp bằng gỗ có dạng khối chữ nhật với chiều dài 30cm, chiều rộng 20cm và chiều cao 15cm. Để tăng thêm tính thẩm mỹ, chúng em đã bọc ngoài bằng một lớp giấy màu. Hộp đối lưu là dụng cụ thí nghiệm đã giúp chúng em giải thích rõ hiện tượng của gió, một hiện tượng tự nhiên nhưng đã được chứng minh bằng khoa học. Không những thế, nhờ vậy chúng em còn giải thích được hiện tượng rất thường gặp: “Tại sao ban ngày gió từ biển thổi vào đất liền và ban đêm gió từ đất liền thổi ra biển?”. Mong rằng sản phẩm khoa học này sẽ mang đến cho mọi người nhiều điều thú vị”.
“Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng không ngừng thông báo về tình trạng nóng dần lên của trái đất, ngày càng nghiêm trọng. Khí thải từ các nhà máy, phương tiện giao thông và nhiều nguồn khác từ cuộc sống con người đã “nung nóng” trái đất và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sự sinh tồn của loài người. Trước những thảm họa và thách thức của biến đổi khí hậu đối với nhân loại, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với vấn đề này và thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế hậu quả của nó. Vì vậy, chúng em đã mạnh dạn lên ý tưởng “Năng lượng sạch” và thiết kế mô hình Nhà sử dụng nguồn năng lượng sạch: Năng lượng mặt trời và năng lượng gió để tạo ra nguồn năng lượng điện sạch sử dụng trong đời sống hằng ngày với mục đích vừa tiết kiệm điện năng vừa góp phần chung tay bảo vệ môi trường” – em Ngọc Duy (học sinh lớp 5/2 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh) giải thích. Còn em Hà Ngọc Xuân Mai (học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân) cho biết: “Với mong muốn góp phần làm cho cuộc sống được tốt đẹp hơn, chúng em giới thiệu mô hình khoa học sử dụng turbine gió trục thẳng (còn được gọi là Savonius) với tên gọi “Nông trại thân thiện”. Chúng em muốn gửi gắm một thông điệp: “Bảo vệ môi trường, vì một hành tinh xanh mãi mãi”. Mô hình “Nông trại thân thiện” được hoạt động hoàn toàn dựa vào sức gió để phục vụ những sinh hoạt và sản xuất của nông trại, tránh gây ô nhiễm môi trường”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
“Ngày hội nhằm xây dựng mối giao lưu đoàn kết thân ái giữa học sinh các trường; giáo dục các em tình yêu quê hương, nguồn cội, lòng tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc và sự sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học, phát huy vai trò của những công dân thế kỉ 21, những người chủ tương lai của đất nước”, ông Đinh Thiện Căn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.1, cho biết. |
Bình luận (0)