Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trung thực từ những bài thủ công

Tạp Chí Giáo Dục

3 năm thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", những hiện tượng gian lận trong thi cử nói riêng, trong học tập nói chung đã giảm.
Có được kết quả này, quan trọng nhất có lẽ là việc không tạo cơ hội cho học sinh và cha mẹ học sinh buộc phải gian dối nhằm tìm sự công bằng cho bản thân và cho con em mình. Cuộc vận động "Hai không" là một bằng chứng cho nhận định này. Và tài liệu hướng dẫn dạy môn Thủ công, Kỹ thuật tiểu học vừa được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 10-9 cũng sẽ đạt được mục tiêu: trung thực trong học tập và thực chất trong đánh giá, bằng cách đó.
Những kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trước khi có "Hai không", tình trạng gian lận, nhất là gian lận tập thể không hiếm. Tại một số hội đồng thi, người ta ngang nhiên trèo tường, ném bài vào cho thí sinh nhờ sự làm ngơ của các lực lượng an ninh bảo vệ vòng ngoài và sự góp sức của giám thị vòng trong. Khi ngành giáo dục siết chặt kỷ luật phòng thi, kỷ cương tốt hơn, người đi thi thấy rằng, đã có thể có một sân chơi công bằng. Bởi thế số thí sinh vi phạm quy chế trong kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm 64% so với năm 2008 và 88,5% so với năm 2007.
Thiếu trung thực không chỉ xảy ra ở các kỳ thi lớn mà cả những bài kiểm tra nhỏ của học sinh nhỏ. Thực tế này không phải lỗi tại trẻ mà là do người lớn. Nhà trường bắt học sinh nam phải học thêu thì các em phải nhờ mẹ, nhờ chị. Học sinh thành phố mà bắt học trồng rau, nuôi gà thì chỉ khiến các em không thích học và trả bài bằng cách thiếu trung thực. Các cô giáo lại quá chú trọng vào đánh giá sản phẩm mà chưa chú ý đến quá trình học tập của học sinh nên mới có chuyện mẹ ra chợ mua vỉ ruồi về nộp cho cô giáo…
Tất cả những bất hợp lý và hạn chế tưởng là nhỏ đó đã dẫn đến một hậu quả vô cùng lớn: thầy, cô và cha mẹ chấp nhận sự gian dối, khiến ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã thấy việc thiếu trung thực là chuyện bình thường.
Giờ thì tình hình đã có thể thay đổi, bằng những cuộc vận động lớn như “Hai không” bằng những hướng dẫn nhỏ như việc dạy học môn Thủ công, Kỹ thuật với sự điều chỉnh về nội dung cho phù hợp với đối tượng và điều kiện cụ thể của vùng miền.
Minh Đức (Hà Nội mới)

Bình luận (0)