Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

SV dạy trẻ tự kỷ: Vừa dạy vừa…né

Tạp Chí Giáo Dục

Làm thêm không còn xa lạ đối với sinh viên. Nhưng có một thứ công việc dành chủ yếu cho SV ngành Giáo dục đặc biệt bởi đòi hỏi cả về chuyên môn, sức khỏe, sự kiên trì và lòng dũng cảm: chăm sóc trẻ mắc hội chứng tự kỷ.

Một buổi sinh hoạt của trẻ em tự kỷ tại Trung tâm Sao Mai – Ảnh: Xuân Phú

Cận cảnh

Thu Mai cầm miếng bìa chữ nhật màu đỏ đưa ra trước mặt cậu bé chừng năm tuổi, nhẹ nhàng hỏi: “Màu gì đây con?”.
Câu hỏi được lặp lại tới lần thứ ba mà cậu bé vẫn nhìn ra cửa sổ, tay nắm chặt cây bút chì không ngừng xoáy những vòng tròn vào cuốn vở trên bàn. Cậu không chú ý cả vào cây bút lẫn cô giáo. Mười phút sau, cậu mới lơ đãng quay lại, bất ngờ đập bàn hét toáng lên: “Á á á…!”.

Bệnh tự kỷ (Autism) – còn gọi là các chứng rối loạn phổ tự kỷ hoặc các chứng rối loạn sự phát triển toàn thân dẫn đến rối loạn về nhận thức và hành vi thần kinh.

Ảnh hưởng của lối sống công nghiệp cùng với sự phát triển của internet dường như làm cho bệnh tự kỷ có xu hướng phát triển.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc căn bệnh này.

Không hề mất bình tĩnh, cô giáo để cậu ngồi im một lát, tiếp tục mang ra một quả bóng bàn: “Con nhìn này, quả bóng màu vàng”.

Lần này thì khá hơn, cậu bé gật đầu: “Màu vàng” và đưa tay cầm quả bóng, lăn qua lăn lại có vẻ thích thú.
Cứ như vậy, suốt hai tiếng đồng hồ cậu bé mới nhận biết được đặc điểm của vài vật dụng đơn giản như: quyển sách, quả bóng, cái mũ…
Kết thúc buổi học, Thu Mai  (SV năm II, ĐH Sư phạm HN) chia sẻ: “Em đi làm thêm gần một năm rồi. Mới đầu cũng vất vả lắm, có khi sau buổi dạy về nhà thấy mình như bị stress vì căng thẳng quá. Giờ quen dần cũng thấy vui”.
Thấy tôi ngạc nhiên vì từ vui, cô bạn cười: “Vì đây là công việc khá đặc biệt. Em không dạy trẻ như bình thường mà phải tác động, can thiệp bằng các biện pháp tâm lý để giúp trẻ tự kỷ phục hồi khả năng và có thể phát triển được bình thường. Tôi hỏi: “Có hay gặp tai nạn nghề nghiệp không?” Phương cười: “Làm nghề này không ai tránh được đâu”.
Thùy Ninh (SV CĐSPTW I) qua người quen giới thiệu đã đến làm gia sư đặc biệt tại gia đình anh Huy ở quận Cầu Giấy. Con trai anh Huy tên Tuấn đã ba tuổi nhưng rất chậm nói, chỉ thích dùng những đồ vật sắc nhọn như dao, kéo, đinh ghim khoét vào tường hay cào vào bất cứ thứ gì trong tầm tay.
Vợ chồng anh Huy đều làm công việc kinh doanh nên việc chăm sóc con cái đành phó mặc cho người giúp việc. Tuấn  có một em gái hơn một tuổi mới lẫm chẫm biết đi. Mỗi lần thấy bé Tuấn lên cơn, bà giúp việc lại bế em bé chạy đi nơi khác, đóng chặt cửa để mặc cậu trong căn phòng.
Khi phát hiện ra bệnh của con, anh Huy đã đưa bé đến Trung tâm Hy Vọng (đường Trần Quang Diệu) để điều trị. Ngoài giờ đến Trung tâm, bé Tuấn được học tại nhà với gia sư chuyên biệt.
Thùy Ninh chỉ cho tôi xem những vết xước chi chít trên cánh tay, cổ tay thậm chí cả trên má: “Những vết xước này là do lúc bé Tuấn bất thần đâm những vật nhọn vào mà em không kịp tránh. Mặc dù đã kiểm tra kỹ để thu cất những vật nguy hiểm nhưng có lúc bé vẫn lôi đâu đó ra được.
Dạy bé nhận biết mọi thứ đã khó, lại liên tục phải tìm cách né nên cũng khá căng thẳng. Nhưng lại không được phép quát mắng hay gây sức ép với bé. Bởi những em bé mắc chứng tự kỷ thường chỉ làm theo ý muốn của mình, chúng không có ý thức về sự nguy hiểm gây ra cho người khác”.
Thùy Ninh đã đi làm thêm từ cuối năm thứ I, học sinh đầu tiên là bé Trà lên bốn tuổi ở quận Hoàng Mai. Thùy Ninh kể: “ Bé Trà mắc chứng không thích giao tiếp với mọi người, chậm nói và hay có hành động tự cào cấu vào thân thể mình. Người nhà đến gần ngăn là bé lăn đùng ra khóc lóc quẫy đạp rất dữ dội. Bé rất sợ tiếp xúc với người lạ, em phải mất cả tuần đầu làm quen, chỉ lặp đi lặp lại những câu chào hỏi, rồi dần dà tiếp cận bé…”.
Khi đã tạo được sự gần gũi và tin tưởng, Thùy Ninh mới bắt đầu dạy bé nhận biết từ những vật đơn giản đến những thứ được diễn dạt bằng lời. Sau một năm, bé Trà đã khá lên rất nhiều và có thể đi học lớp mẫu giáo lớn để chuẩn bị vào lớp một.
Buồn, vui và…lo lắng
Mức thù lao cho mỗi buổi dạy trẻ tự kỷ từ 80.000 đến 100.000 đồng. Một tuần đi làm bốn buổi, nếu tiết kiệm cũng đủ chi tiêu cho cả tháng sinh hoạt trong điều kiện của sinh viên xa nhà.
Tuy nhiên, công việc nào cũng có những khó khăn, thử thách. “Có những lúc thấy buồn nản kinh khủng, đó là khi mất rất nhiều công sức dạy dỗ mà học sinh không tiến bộ được là bao. Phụ huynh không hiểu lại nghĩ rằng năng lực chuyên môn của mình kém hoặc cố tình kéo dài thời gian để thu học phí”. – Hoài Thu, SV ĐH Sư phạm Hà Nội, giãi bày.
“Thật ra khi mình đã đi làm thì thương các bé vô cùng. Cứ nghĩ đến những đứa trẻ cùng tuổi được đến trường học hành, vui chơi với các bạn, còn học sinh của mình bị cô lập trong thế giới khép kín, thiệt thòi lắm chứ.
Hơn nữa, nếu không can thiệp kịp thời và đúng cách, những em bé đó lớn lên sẽ không hoà nhập được với cộng đồng, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và có thể còn gây ra những hậu quả khó lường khi chúng không tự ý thức được hành động tốt hay xấu.”
Niềm vui của sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt cũng rất đặc biệt. “Với một đứa trẻ bình thường thì việc tập đi, tập nói, tập nhận biết mọi thứ không có gì khó khăn. Nhưng trẻ tự kỷ rất ít chú ý đến những tác động bên ngoài, để dạy bé học được một câu nói, nhận biết một đồ vật có khi mất cả tiếng đồng hồ. Nếu ngày hôm sau bé nhắc lại đúng được một câu mình dạy đã mừng hơn trúng số”, Hoài Thu tâm sự.
Khi theo học Giáo dục đặc biệt, được coi là  ngành hot hiện nay, nhưng thực tế, không phải sinh viên nào ra trường cũng được đi làm đúng nguyện vọng mặc dù các bạn được học hành bài bản.
Nhiều cử nhân cầm tấm bằng của mình đi xin việc, vẫn thường nhận những cái lắc đầu của cán bộ tuyển dụng: “Học cái ngành mới toanh thế này thì biết xếp việc vào đâu?”. 
 Phong Lan (TPO)

Bình luận (0)