Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo viên đạt giải võ trường toản năm 2011: Tất cả vì học trò

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Trương Vy Việt Huyền trong tiết dạy một lớp yếu. Đây là tiết dạy cô đăng ký tham gia GV dạy giỏi hưởng ứng Ngày 20-11

“Tôi tin học trò lắm! Tôi tin mình sẽ khiến các em học môn hóa tốt hơn và tin những lời nói của mình sẽ khiến các em thay đổi. Và tôi đã thực sự làm được điều đó”.
Đó là những lời bộc bạch chân thành của cô giáo Trương Vy Việt Huyền, giáo viên (GV) Trường THPT Thủ Đức. Là GV dạy giỏi lâu năm, cô có nhiều cơ hội để chuyển công tác về những trường “top” trên cho gần nhà. Nhưng với trách nhiệm của một người thầy, cô Huyền đã nguyện gắn bó với ngôi trường ở vùng ven, nơi có những đứa học trò còn khờ dại để chỉ bảo chúng nên người.
Đổi mới để lôi kéo học sinh
Hóa học không phải là một môn học dễ “nuốt”, nhất là với những học sinh (HS) yếu các môn khoa học cơ bản. Ấy vậy mà giờ học môn hóa của cô Huyền lại được nhiều HS đón đợi bởi ngoài phần kiến thức cơ bản, khô khan trong sách giáo khoa, các em sẽ được thỏa mãn trí tò mò khi được cô “bật mí” những điều tưởng chừng như bí ẩn như cảnh mây mù trong phim Tôn Ngộ Không, ánh sáng lập lòe xanh đỏ của “con” ma trơi hay lý giải những sự việc rất đơn giản như tại sao khi mở nắp chai nước ngọt có ga lại có nhiều bọt khí bay ra? Tại sao răng bị sâu?…
Để có những tiết học lý thú, sinh động như thế, cô Huyền đã mày mò, tích lũy kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp để tìm ra điểm thu hút HS đối với môn hóa. Là GV có kinh nghiệm lâu năm, cô hiểu rõ vai trò của môn học này trong việc hình thành và phát triển năng lực, thị hiếu của HS. Nếu không có sự đổi mới kịp thời, hợp lý sẽ khiến HS tiếp thu bài một cách thụ động và dần xa rời môn học này. Tuy nhiên, đổi mới phương pháp dạy học không phải là một điều dễ làm bởi nội dung bài học đã chiếm một lượng lớn thời gian trong mỗi tiết học, nếu không cẩn thận sẽ không phát huy được tính hiệu quả của nó. Từ những suy nghĩ đó, cô đã nảy ra sáng kiến “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn hóa học 11 thông qua hoạt động giải thích các hiện tượng thực tiễn liên quan đến nội dung bài học”. Đó là giải thích các hiện tượng liên quan tới đời sống hằng ngày qua các phương trình phản ứng hóa học cụ thể trong nội dung bài học mà chỉ mất rất ít thời gian. Khi cho HS học bài Photpho, cô giới thiệu cho các em về hiện tượng ma trơi được hình thành do Photphua hidrua PH3 cháy sáng trong không khí, tương đương với phương trình: 2PH3 + 4O2 = P2O5 + 3H2O. Trong bài Phân hóa học, cô giải thích cho HS ý nghĩa của câu ca dao “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng trống phất cờ mà lên” là sự kết hợp giữa nước, Nitơ và Oxy khi trời mưa (có kèm theo sấm chớp) tạo thành một loại đạm rất tốt cho cây trồng… Có khi, cô Huyền còn dùng những hiện tượng đó để đặt vấn đề, khơi gợi trí tò mò của HS ngay từ khi bắt đầu bài học.
Niềm tin nơi học trò
Không chỉ hấp dẫn bởi những kiến thức được truyền đạt, học trò còn quý cô Huyền bởi tình thương mà cô dành cho chúng. Nếu như nhiều GV coi HS cá biệt là nỗi ám ảnh thì cô Huyền lại có niềm tin là mình sẽ có cách giúp các em tiến bộ. Với những HS yếu, cô luôn tìm cách kích thích sự tò mò của chúng đối với môn học của mình, sau đó tìm cách lấy lại kiến thức căn bản qua những giờ học. Khi các em có sự tiến bộ, cô vừa động viên, vừa khơi gợi cái tôi để các em cố gắng hơn nữa. Theo cô Huyền, HS cá biệt hay không là do cách cảm nhận, cách dạy dỗ của mỗi GV, và cũng vì thế mà năm học nào cô cũng xin đảm nhận một lớp học yếu và tìm cách giúp HS tiến bộ.
Không chỉ sáng tạo, tận tình trong cách dạy, cô Huyền còn là người được học trò tin tưởng, gần gũi và chia sẻ nhiều điều về gia đình, học tập. Cũng bởi sự gần gũi ấy mà nhiều lần cô đã kịp thời ngăn cản những hành vi dại dột của những đứa trẻ ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Gần đây nhất, vì cho rằng một GV bộ môn không đối xử công bằng với mình, một em HS đã gọi điện thoại đòi “xử đẹp” GV này. Khi nghe được điều này, cô đã chủ động gọi điện cho HS đó, hỏi đầu đuôi sự việc và chỉ ra cho em những hậu quả sẽ xảy ra nếu em vẫn tiếp tục ngang bướng thực hiện. Và quả thực, dù chưa một lần được học cô Huyền nhưng khi nghe nhưng lời khuyên ân cần của cô, em HS này đã cảm động và nghe theo. Một lần khác, lớp do cô chủ nhiệm có sáu em bị mất điện thoại và kim từ điển. Cô khoanh vùng và phát hiện ra đối tượng là một HS nữ. Lần đó, cô không làm lớn chuyện, không chỉ đích danh “kẻ có tội” mà chỉ nói với HS rằng chị biết người lấy cắp là ai và cho người đó hai tuần để trả lại đồ cho bạn. Trong thời gian hai tuần đó, tất cả HS không được lảng vảng ở gần khu vực lớp học trong giờ ra chơi để tạo cơ hội cho em HS đó trả lại đồ đã lấy. Quả nhiên, năm em HS lần lượt nhận lại được điện thoại và kim từ điển của mình. Duy chỉ có một em không được trả lại bằng hiện vật mà bằng tiền vì người lấy đã lỡ bán mất điện thoại trước đó. Và chuyện này được giữ bí mật tuyệt đối vì chỉ có cô và em HS kia biết. Sau đó, em này học rất ngoan và có nhiều tiến bộ.
Chỉ còn hai năm nữa là cô Huyền về hưu. Và từ nay cho tới thời gian đó, cô tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, hi sinh nhiều hơn nữa. Vì những đứa HS của mình…
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Không chỉ sáng tạo, tận tình trong cách dạy, cô Huyền còn được học trò tin tưởng, gần gũi và chia sẻ nhiều điều về gia đình, học tập.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)