Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Vật vã” nghỉ lễ

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối cùng thì đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5 (kéo dài 4 ngày từ 29-4 đến 2-5) cũng kết thúc. Kỳ nghỉ dài nên hầu hết người dân đều chọn đi du lịch, về quê. Theo đó các tuyến đường cửa ngõ TP.HCM ngày đi và ngày về đều kẹt xe; mọi người bị nhồi nhét trên các chuyến xe; giá cả tại các điểm du lịch, vui chơi tăng gấp 3-4 lần… Có thể nói nhiều người đã phải rước cái bực vào mình trong kỳ nghỉ lễ này.

Hành khách trên chuyến xe Quốc Thống (từ TP.HCM về huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) ngồi vạ vật giữa lối đi vào tối 28-4. Ảnh: M.Châu

Chen chúc từng centimet

Tại TP.HCM, những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ là tối thứ sáu (ngày 28-4), sáng thứ bảy (ngày 29-4) và ngày cuối (ngày 2-5) đã xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở các tuyến đường quanh Sân bay Tân Sơn Nhất, Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây…

Nhiều người chết vì tai nạn giao thông

Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, cho thấy, trong 4 ngày nghỉ lễ, ngày nào cũng xảy ra vài chục vụ tai nạn giao thông (TNGT) với hàng chục người chết.

Chẳng hạn như ngày 30-4 toàn quốc xảy ra 28 vụ TNGT, làm chết 15 người, bị thương 26 người. Tất cả các tai nạn này đều xảy ra trên đường bộ. Đơn cử vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra ở Hà Tĩnh giữa xe khách và xe container đã khiến 4 người bị thương nặng. 

Ngày 1-5, toàn quốc xảy ra 39 vụ TNGT làm 24 người chết và 40 người bị thương. Số người chết vì TNGT cao hơn cả hai ngày nghỉ lễ trước cộng lại. Trong đó, có 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp giữa hai xe máy khiến 4 người tử vong, 1 người bị thương. Cũng trong ngày 1-5, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 7.804 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền 4 tỷ 544 triệu đồng, tạm giữ 38 xe ô tô, 1.431 xe mô tô, tước 653 giấy phép lái xe các loại…

Hà Xuyên

Chiều 28-4, hàng ngàn ô tô, xe máy nối đuôi nhau kéo dài hàng cây số ở các cửa ngõ ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Tránh kẹt xe, nhiều phương tiện quay đầu lại tạo nên cảnh tượng hỗn loạn. Nhiều người để kịp chuyến bay đã “thần tốc” xuống ô tô và vác va ly chạy bộ. Tuy nhiên, cũng có không ít người kém may mắn không kịp giờ bay đành phải trở về trong trạng thái mệt phờ sau nhiều tiếng chen lấn.

Anh Thái Xuân Tình, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7 than thở: “Vợ chồng mình đặt vé đi Gia Lai chơi, tính chiều 1-5 sẽ về. Mình đã dự kiến trước là kẹt xe nên đi sớm hơn khoảng 1 tiếng nhưng vẫn không đến kịp để làm thủ tục. Vậy là vợ chồng cùng đứa con mất… toi gần 5 triệu đồng tiền vé”.

Cùng với kẹt xe trên nhiều đoạn đường thì rất nhiều chuyến xe đi Đà Lạt, Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng chen chúc, người người giành nhau từng centimet để có một chỗ ngồi…

Tối 28-4, có mặt trên chiếc xe Quốc Thống (từ TP.HCM về huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi đếm có hàng trăm người. Nhiều người đặt vé nằm suốt cả tháng nhưng buộc phải ngồi luồng vì không còn chỗ. Phụ xe luôn miệng xin mọi người thông cảm với lý do nhiều người đi khám bệnh về đột xuất nhưng thực tế trước đó vài ngày dù biết đã hết chỗ, chủ xe vẫn nhận khi có người gọi điện đặt vé. Tại các dãy luồng, phụ xe xếp hàng chục người ngồi vạ vật, đến cái duỗi chân cũng rất khó. Ngồi ngay giữa luồng, không có chỗ dựa lưng nhưng nhiều người vẫn phải cố gắng vì nhiều chuyến xe khác cũng chịu cảnh tương tự. Một vài phụ xe buộc phải xuống nằm ở dưới gầm để nhường chỗ cho khách.

Ngày trở về, nhằm tránh kẹt xe, nhiều người đã quay lại TP.HCM sớm hơn dự kiến khoảng 1 ngày (ngày 1-5). Tuy nhiên, “tránh vỏ dưa thì gặp vỏ dừa”, nhiều hành khách đã không thoát cảnh chờ đợi trả khách. Chị Nguyễn Thu Thủy đi chuyến từ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng về TP.HCM cho hay: “Bình thường khoảng 21 giờ 30 lên xe thì 3-4 giờ ngày hôm sau tôi đã đến TP.HCM nhưng nay do đón khách, trả khách quá đông nên tới 5 giờ 30 tôi mới tới được bến xe”.

Giá cả tăng cao

Các bãi biển đông nghẹt du khách trong dịp lễ. Ảnh: I.T

Theo báo cáo nhanh của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, dịp lễ này lượng khách đến Nha Trang tăng hơn 125 ngàn lượt khách lưu trú, chủ yếu là lượng khách đến từ TP.HCM, Hà Nội, các tỉnh miền Tây Nam bộ; Sở Du lịch Đà Nẵng cũng thống kê dịp 30-4 và 1-5 này TP đón hơn 291 ngàn lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016…

Khi nhà nhà, người người đổ xô đi chơi thì đây cũng là dịp để vé máy bay, nhà xe tăng giá. Theo tìm hiểu, giá vé nhiều chặng bay nội địa đến các TP có điểm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Hà Nội hay đảo Phú Quốc từ ngày 28-4 đến ngày 3-5 đều tăng vọt (gấp 2-2,5 lần so với ngày bình thường).

Tại TP.HCM, về TNGT trong 4 ngày từ 29-4 đến 2-5 đã xảy ra 48 vụ làm chết 5 người chết, 1 người bị thương. So với năm 2016, dịp lễ này TNGT giảm 5 vụ và giảm 3 người chết, giảm 2 người bị thương. Tình hình ùn tắc giao thông và đua xe trái phép không diễn ra, các sự kiện lễ hội được đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Cũng trong các ngày nghỉ lễ, Công an TP ghi nhận có 38 vụ phạm pháp hình sự (giảm 10 vụ so với năm 2016). Trong đó, lực lượng công an vào cuộc điều tra khám phá được 27 vụ, đạt tỉ lệ trên 71%.

Tại các bệnh viện của TP cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu, chủ yếu là do TNGT. Đơn cử như tại Bệnh viện Nhân dân 115, trong 4 ngày nghỉ lễ, số bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu ở mức cao, từ 300 đến 330 trường hợp/ngày; Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận từ 70 đến 90 trường hợp.

B.T

Tương tự, nhà xe tại Bến xe Miền Đông dù đã phụ thu thêm 30-40%, các xe hoạt động theo kiểu “open tour” tăng gấp đôi nhưng vẫn không đủ vé để phục vụ nhu cầu của khách. Tối 26-4, lên mạng đặt vé xe hoạt động theo kiểu “open tour” ở Q.10, bình thường tuyến từ TP.HCM đi Đà Lạt chỉ 200-250 ngàn đồng/vé nhưng ngày 28-4 lên đến 420 ngàn đồng/vé vẫn không còn chỗ. Một chuyến xe “open tour” khởi hành từ TP.HCM đến Nha Trang lại “hét giá” giường nằm từ 350-400 ngàn đồng/vé, trong khi ngày bình thường chỉ từ 185 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng/vé.

Thông tin từ Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, những ngày lễ vừa qua, đường dây nóng của đơn vị đã nhận được gần 30 cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh chủ yếu về việc: tăng giá vé, chở quá số người quy định, tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường, bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông.

Tại các điểm du lịch, ghi nhận cho thấy, giá phòng khách sạn từ 2-3 sao ở Nha Trang tăng khoảng 3 lần so với ngày thường. Theo đó, giá phòng những ngày lễ này từ 500 ngàn – 1 triệu đồng/ngày, trong khi ngày thường chỉ 300-500 ngàn đồng/ngày. Tương tự, tại Vũng Tàu và Đà Lạt, giá phòng cũng tăng gấp đôi so với ngày thường, thậm chí có khách sạn 3 sao “hét” giá 2 triệu đồng/ ngày cho 2 người. Tại Đà Nẵng, giá phòng có vẻ thấp hơn khi hầu hết chỉ tăng giá từ 30-35%, nhiều khách sạn có địa điểm đẹp đã “cháy” phòng.

Kèm theo đó là giá cả ở các nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ ăn uống “leo thang” đến chóng mặt. Các khu du lịch tại Đà Lạt như Thung lũng Tình Yêu, Thiền viện Trúc Lâm, Đường hầm đất sét, thác Datanla… thu hút hàng triệu lượt khách tham quan. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, tỉnh đã đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong các ngày lễ và mùa du lịch, kiên quyết xử lý các hiện tượng chặt chém, ép giá du khách nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh, đặc biệt là các điểm kinh doanh nhỏ lẻ vẫn tăng giá từ 30-40%. Đặc biệt, những gánh hàng rong thường tăng gấp đôi giá cả. Chẳng hạn như các điểm bán khoai lang nướng ngoài cổng chợ Đà Lạt hay địa điểm bán kem, nước giải khát… giá ngày thường 5-10 ngàn đồng thì những ngày lễ này tăng lên từ 10-20 ngàn đồng…

Minh Châu

Bình luận (0)