Không chỉ phải đóng học phí theo quy định, sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội còn phải đóng thêm các khoản phí thực tập, phí tiếng Anh, thư viện… với tổng số tiền mỗi năm khoảng 4-6 triệu đồng.
Phản ánh với phóng viên, một sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, năm 2008 em phải nộp 1,8 triệu đồng học phí theo quy định của nhà nước và 1,8 triệu đồng học phí tăng cường. Năm nay, học phí nhà nước vẫn giữ nguyên trong khi học phí tăng cường lại lên tới 2,6 triệu đồng.
Tương tự, một sinh viên năm 3 khoa Kế toán cho hay, mỗi học kỳ em phải đóng 900.000 đồng học phí, 700.000 đồng tiền tăng cường thực hành, 350.000 đồng học tiếng Anh tăng cường. Vậy mà khi học đến phần tiếng Anh chuyên ngành, sinh viên vẫn phải nộp thêm khoản tiền tiếng Anh tăng cường này.
"Đối với những bạn học tín chỉ, có học kỳ, nếu học 24-28 tín chỉ thì sẽ phải nộp tới gần 3 triệu đồng học phí. Còn chúng em học kinh tế, không được thực hành nhưng hằng tháng vẫn phải nộp tiền thực tập", sinh viên này cho biết thêm.
Còn trên diễn đàn sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội, chủ đề liên quan tới học phí được bàn tán rất sôi nổi. Sinh viên có nickname Juliet bức xúc: "Chán thật, học phí trường mình đắt ngang dân lập, chả hiểu vì sao?". Cùng nỗi niềm, nickname qdt3_k2 bày tỏ: "Từ khi vào trường chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu có buổi đối thoại trực tiếp với sinh viên để giải thích những khoản thu ngoài lề cao vậy".
Học sinh ĐH Công nghiệp nộp học phí sáng 14/10. Ảnh: Tiến Dũng. |
Một giảng viên của trường này cho hay, theo quy định, học phí đại học là 180.000 đồng một tháng, vậy mà từ nhiều năm nay các hệ đào tạo của ĐH Công nghiệp Hà Nội đã "loạn" thu. Sinh viên hệ trung cấp phải đóng góp cao hơn cả hệ đại học ở các trường khác.
"Thật vô lý, sinh viên nghèo vay vốn nhà nước chỉ được trường xác nhận mức học phí 180.000 đồng mỗi tháng trong khi thực tế hằng tháng các em phải đóng tới 400.000 đồng. Vậy thì khoản vay 800.000 đồng còn bao nhiêu để mua sách vở, ăn uống, thuê nhà trọ…", giảng viên này cho biết thêm.
Theo thông báo dán trước cửa phòng Tài chính – Kế toán, năm nay, học phí hệ đại học là 900.000 đồng một học kỳ, tiền tăng cường 700.000-800.000 đồng (tùy từng ngành), tiền học tiếng Anh tăng cường 350.000 đồng, tiền tài liệu thư viện 75.000 đồng. Tổng cộng, sinh viên phải nộp hơn 2 triệu đồng một học kỳ.
Hệ Trung cấp, ngoài học phí 500.000 đồng một học kỳ, học sinh còn phải nộp thêm các khoản với tổng số tiền gần gấp đôi học phí. Hệ Cao đẳng cũng ở tình trạng tương tự, với mức thu là 1,7-1,9 triệu đồng cho mỗi học kỳ.
Thậm chí, sinh viên hệ liên thông Trung cấp lên Đại học đang phải gánh mức học phí cao nhất trường. Bên cạnh học phí 900.000 theo quy định, mỗi học kỳ sinh viên hệ này phải chi thêm 2,1 triệu đồng học phí tăng cường. Với mức thu này, học phí mỗi tháng trung bình là 600.000 đồng.
Theo công bố của ĐH Công nghiệp Hà Nội, hiện trường có hơn 50.000 học sinh, sinh viên các hệ và các loại hình đào tạo. Ảnh: Tiến Dũng. |
Sáng 16/10, bên lề hội nghị về giáo dục đại học, trả lời phóng viên, Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội Hoàng Văn Điện khẳng định không biết việc sinh viên bức xúc về học phí, dù từ vài năm nay báo chí đã nhiều lần phản ánh về tình trạng này. "Tôi đã nhiều lần lên lớp chính trị buổi đầu khóa nhưng chẳng nhận được phản ánh nào của sinh viên về học phí", ông Điện nhấn mạnh.
Mặc dù hiện trên diễn đàn của sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội tranh luận khá gay gắt vấn đề học phí, phụ phí nhưng ông Hiệu trưởng cho hay rất ít xem diễn đàn của sinh viên mà chỉ vào trang web của trường – nơi được trường dùng để đăng tải thông tin hoạt động. "Trường có rất nhiều kênh để sinh viên phản ánh nhưng không em nào đưa ra ý kiến", ông Điện nêu lý do.
Cũng theo Hiệu trưởng Hoàng Văn Điện, trường có đủ cơ sở để tính học phí theo tín chỉ chứ không phải muốn thu bao nhiêu cũng được. Năm học này, trường thu mỗi tín chỉ hệ đại học là 105.000 đồng và hệ cao đẳng là 100.000 đồng.
Ngày 14/10, phóng viên đã xuống trường đề nghị được sắp xếp lịch làm việc với lãnh đạo, nhưng yêu cầu này không được đáp ứng. Tiếp đó, ngày 16/10, phóng viên gặp trực tiếp Hiệu trưởng Hoàng Văn Điện để xin được hẹn lịch làm việc, nhưng ông Điện đã khất hẹn trả lời.
Cùng bức xúc trên, một sinh viên ĐH Điện lực cho hay, khi mới vào trường được thông báo học phí 180.000 đồng một tháng. Tuy nhiên, đầu đến năm thứ hai, khoản thu này đã tăng lên 300.000 đồng và cuối năm thứ hai tiếp tục tăng lên 500.000 đồng một tháng.
Ngày 14/10, trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng ĐH Điện lực Đàm Xuân Hiệp cho biết, dù là trường công lập nhưng từ 2 năm nay trường đã không được nhà nước cấp ngân sách mà chỉ được Bộ Tài chính cho phép thu đủ bù chi. Do đó, năm 2008, ĐH Điện lực thu của sinh viên 500.000 đồng một tháng, trong đó có 180.000 đồng học phí theo quy định và 300.000 đồng kinh phí đào tạo.
"Nếu để thu đủ đào tạo thì mức học phí phải là hơn 1 triệu đồng nhưng năm nay, trường vẫn giữ nguyên mức thu 500.000 đồng một tháng vì nếu thu cao nhiều em sẽ bỏ học", ông Hiệp cho biết thêm.
|
Tiến Dũng (VNE)
Bình luận (0)