Khi cô giảng bài êm như ru thì bạn A ngồi ở bàn đầu đang… chống cằm nhìn ra khung cửa sổ, nhìn nắng, nghe chim hót; bạn B ngồi ở góc tường đang mơ màng xem lát về nhà sẽ được mẹ… cho ăn món gì.
Hiện nay có rất nhiều giờ học "thầy giảng mặc thầy, trò làm gì kệ trò". Ban đầu chỉ là sự chán chường nhất thời mang tính chủ quan. Nhưng nếu những tiết học này cứ lặp lại nhiều lần, và phương pháp giảng dạy vẫn cũ, thì rất dễ phát sinh những "ý tưởng mới lạ" từ những cái đầu "sáng tạo bất tận". Và chính lúc đó, học trò bên dưới bục giảng không còn học trong nghiêm túc…
Siêu tưởng
Với một hình vẽ đơn giản, "người thường" chỉ thấy rõ nội dung hình vẽ đó, còn học trò thì khác. Họ có thể "nhìn" ra vô số hình thù, rồi từ đó thì thầm, rồi cười.
Điển hình là giờ Sinh vật. Những chùm rễ, miền lông hút, hoạt động đóng mở khí khổng luôn làm các bạn "không thể tập trung". Hay như hình vẽ của giáo viên quá "trừu tượng", khiến học trò "giả nai", "bắt bẻ"… Những tràng cười xuất hiện, tiếp diễn và rồi dai dẳng cho đến cuối giờ.
Kết quả: Chẳng có một chút thông tin gì về bài. "Thuốc bổ" trong trường hợp này phản tác dụng.
Mở mang tầm “ngó”
Một khi tai không thể tiếp thu lời giảng thì mắt sẽ…ngó dáo dác, đảm bảo cho các giác quan hoạt động luân phiên. Vì vậy, học trò sẽ bắt đầu nhìn sang bạn này rồi quay sang người nọ, liếc ra cửa sổ rồi ngó bảng đen…Nếu có điều gì thú vị sẽ… "hô hào" cho "bàn dân thiên hạ"…
Vì vậy, sẽ chẳng lạ gì khi thầy đang đứng trên bục giảng nói oang oang, trò thì bình phẩm về chiếc giày của bạn này, kẹp tóc của bạn kia, và thậm chí là… mắt kính của thầy giáo!
Cũng có những bạn "vui tính" đến mức cá cược với nhau xem hôm nay lớp trưởng cột tóc màu gì, cô dạy Văn mặc áo dài kiểu nào, và tên lớp phó có… mang vớ không!
Hậu quả: Nhẹ thì bị "cảnh cáo", nặng thì rất có thể "nhân vật chính" trong cuộc bình luận sẽ "oa xì" những ai lắm trò.
Hồn ra đi, người ở lại…
Khi cô giảng bài êm như ru thì bạn A ngồi ở bàn đầu đang…chống cằm nhìn ra khung cửa sổ, nhìn nắng, nghe chim hót; bạn B ngồi ở góc tường đang mơ màng xem lát về nhà sẽ được mẹ…cho ăn món gì; bạn C ngồi bàn cuối đang tưởng tượng ra cảnh mình đang nằm ngủ trong phòng máy lạnh với tiếng nhạc du dương…; bạn D thì đang ước được online…
Nếu họ ở "tầm khuất", giáo viên không nhìn được, thì chẳng sao. Nhưng nếu thầy cô bắt gặp được một ánh mắt mơ màng, một cử chỉ buồn ngủ, một hành động khó hiểu, thì rất có thể họ sẽ "được" lên bảng làm bài tập hoặc trả lời câu hỏi.
Và bạn nghĩ xem liệu họ có giải được không?
Hành động chuyên nghiệp
Dưới bục giảng im thin thít, cô giáo mỉm cười ra vẻ hài lòng và thầm nhủ: "Phải chăng mình giảng bài quá lôi cuốn, quá sinh động nên tụi nhỏ ngoan ngoãn chăng?"
Thế là cô tiếp tục giảng say sưa, và học trò vẫn im lặng. Cô đâu biết rằng:
– "Xóm nhà lá" đang "nói chuyện" bằng cách viết giấy và… ra ám hiệu
– Hai bạn ở góc tường bàn cuối đang "chia nhau" cái iPod (mỗi người nghe một bên tai).
– Ở khu giữa đang cầm điện thoại nhá máy nhau, nhiều lúc cười nhiều đến mức không ra tiếng, thỉnh thoảng nấc lên khe khẽ, rồi im lặng lại ngay.
– Một bạn bàn đầu đang nhìn cô chăm chú. Nhưng thực chất bạn này đang…nhìn cái đồng hồ trên tay cô!
– Một bạn bàn thứ 4 đang "núp" sau lưng người ngồi bàn thứ 3 để… ngủ.
Vậy làm sao họ hiểu bài?
Họ không thể hiểu bài, đó là một điều hiển nhiên, vì họ chẳng hề nghe giảng. Nhưng nếu đã giữ được sự "im lặng tuyệt vời" như thế, thì đảm bảo khi làm kiểm tra, họ cũng sẽ "rất đẳng cấp" trong việc "hành động thầm lặng". Và bạn đã hiểu ra họ sẽ làm gì rồi chứ?
Theo Mực Tím
Bình luận (0)