Mới đầu năm học, học sinh từ tiểu học đến THPT đều đã xem trường học là nhà, bởi hằng ngày phải đến tối mịt các em mới xong chuyện học hành.
Dù Bộ GD&ĐT chủ trương năm học này điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải nhưng hiện tại nhiều trường đã tăng tiết, phụ đạo học sinh. Chưa mệt mỏi khi phải học cả ngày, nhiều trường còn “cưỡng bức” học sinh học thêm tại trường, phụ huynh thì chở con đến các trung tâm bồi dưỡng văn hóa.
Học cả thứ Bảy, Chủ nhật
Ở Trường THPT Tân Phong (quận 7), một số phụ huynh phản ánh dù là trường công lập nhưng vì điểm đầu vào thấp nên trường phải dạy tăng tiết. Lịch học dày đặc, sáng năm tiết, chiều bốn tiết. Ngoài giờ học chính khóa các buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu, các em phải học tăng tiết vào bốn buổi chiều trong tuần và thêm sáng thứ Bảy.
Một giáo viên trường này cho biết: “Từ đầu tháng 10, giáo viên các môn tăng tiết sẽ chọn ra học sinh yếu và cho học sinh khác đăng ký học phụ đạo vào các buổi còn lại”. Tính ra lịch học của các em chỉ còn trống hai buổi chiều cuối tuần.
Tương tự, một phụ huynh Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10) nói: “Ngay từ đầu năm học, trường đã tăng thêm tám tiết cho khối 10 và 11, còn lớp 12 tăng 12 tiết. Đã vậy, tối đến cháu còn nằng nặc đòi đi học thêm ở trung tâm bồi dưỡng văn hóa cho… dễ hiểu hơn”. Một phụ huynh Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4) cũng cho hay trường sắp tăng tiết các môn toán, văn, lý, hóa, tiếng Anh cho khối 10, 11; riêng khối 12 sẽ học những môn thi tốt nghiệp và ĐH với mức học phí từ 50.000 đến 70.000 đồng/tháng.
Hơn 21 giờ tối, học sinh rời lớp bồi dưỡng văn hóa của Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Lý Tự Trọng đặt tại Trường THCS Minh Đức (TP.HCM) với bộ đồng phục còn nguyên trên người. Ảnh: Q.DŨNG
Không chỉ học sinh cấp ba mới vất vả tăng tiết, một phụ huynh có con học lớp 8 Trường THCS Nguyễn Vĩnh Nghiệp (quận 12) phản ánh: “Học chính thức là buổi chiều nhưng các buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Bảy cháu phải đến trường học 2-3 tiết các môn toán, văn và tiếng Anh”. Học sinh Trường THCS Nguyễn An Ninh (quận 12) cũng phải học tăng bốn tiết các môn tiếng Anh, văn, toán, lý, hóa vì: “Buổi chính thầy cô dạy không kịp nên tăng tiết. Em cũng phải đăng ký đi học thêm vì dù có tăng tiết thì em vẫn thấy khó hiểu” – một học sinh cho biết.
Tối học thêm ở trung tâm bồi dưỡng
“Mấy tuần nay đọc báo, tôi thấy nói về giảm tải nhưng nhìn thời khóa biểu của con, một tuần vẫn học sáu buổi, mỗi ngày năm tiết. Ngoài giờ học chính khóa, cháu phải đến trường học thêm ba buổi sáng. Tôi tưởng giảm tải, học ở trường là đủ, nào ngờ con bảo phải đi học thêm ở trung tâm bồi dưỡng nữa để chuẩn bị thi đầu cấp” – chị Huyền Thư, một phụ huynh có con đang học lớp 8 tại quận 3, tâm sự.
Chiều 28-9, chúng tôi đến Trung tâm Bồi dưỡng Văn hóa Lý Tự Trọng (40 Mạc Đĩnh Chi, quận 1), các lớp học thêm từ lớp 4 đến 12 đều đã hết chỗ. Bà Nguyễn Hồng Anh, nhân viên trung tâm, cho biết: “Đã hết hạn ghi danh từ tháng 8 nhưng hiện tại vẫn có hàng trăm phụ huynh đến đăng ký học”. Gửi lại số điện thoại của mình cho nhân viên ghi danh, chị Tâm (một phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) còn dặn dò khi nào có học sinh bỏ lớp hoặc nhét thêm được thì cho con chị vào học. Chị giải thích: “Học ở trường nhiều khi thầy cô dạy nhanh quá, cháu không theo kịp. Vừa rồi có nghe giảm chương trình nhưng đề kiểm tra, đề thi biết có giảm không? Thôi cứ học thêm cho yên tâm”.
Hầu hết học sinh đều đã tranh thủ học thêm từ đầu năm. Em Ngọc Hiếu, học sinh lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), cho hay nhập học được hai tuần là em đăng ký hai môn lý, hóa ngay tại trung tâm bồi dưỡng của trường mình. “Vì có nhiều bài giáo viên dạy nhanh quá em không hiểu, không biết cách làm bài tập” – em nói. Còn em N.Hương, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cho biết đã đăng ký học thêm môn toán từ ngày 3-9.
Hiện nay hầu như các trường THPT tại TP.HCM đều có trung tâm bồi dưỡng văn hóa (trực thuộc trường). Về mặt lý thuyết, đây là hình thức hoạt động dạy và học văn hóa ngoài chương trình chính khóa, bồi dưỡng theo nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, đây được xem hình thức “biến tướng” của việc dạy thêm – học thêm vì cũng bài học đó, giáo viên “giấu nghề” một chút ở lớp để học sinh kéo nhau đến lớp “bồi dưỡng”.
Sẽ kiểm tra việc dạy thêm, tăng tiết, phụ đạo
Giảm tải nhằm dạy hiệu quả hơn, nâng chất lượng, còn chuyện học sinh đi học thêm, bồi dưỡng thêm là nhu cầu của học sinh. Trong tháng 10 này, Sở sẽ kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn tại các trường THCS, THPT ngoài công lập; đặc biệt là việc tổ chức dạy học, kế hoạch giảng dạy các bộ môn, hồ sơ dạy học của giáo viên. Sắp tới, Sở cũng sẽ tiến hành kiểm tra việc dạy thêm, học thêm, phụ đạo, tăng tiết và chuyên môn tại các trường công lập. Nếu phát hiện trường hợp sai phạm, Sở sẽ có biện pháp xử lý cụ thể.
ÔngNGUYỄN HOÀI CHƯƠNG,
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |
Theo QUỐC DŨNG
(PL)
Bình luận (0)