Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sức sống và hiệu quả của phong trào thi đua

Tạp Chí Giáo Dục

Tổ chức thi đua trong đơn vị có thể coi là “cú hích” tạo ra động lực mạnh cho mọi thành viên đem hết khả năng trí tuệ và nhiệt tâm của mình để hoàn thành tốt nhất công việc…
Tạo ra động lực thi đua không thể chỉ hiểu đơn giản là những “trợ cấp” vật chất hay là vài lời động viên lấy lệ mà còn thể hiện cụ thể bằng nội dung các tiêu chí từ định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của đơn vị. Đối với tổ chức xã hội có tính đặc thù như hội khuyến học, động lực thi đua còn là sự đáp ứng ngày càng cao nhu cầu nâng cao dân trí, phục vụ dân sinh và bảo vệ dân quyền. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đảm bảo lợi ích chính đáng của mọi người dân sống trong địa bàn dân cư.
Quá trình tổ chức thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cần quan tâm tới 3 yếu tố, đó là tính định hướng của thi đua,tính kế hoạch và quá trình phấn đấu thực hiện kế hoạch đó. Đây là giai đoạn đòi hỏi cán bộ hội các cấp cơ sở phải kịp thời phát hiện những yếu tố tích cực, bồi dưỡng chăm sóc những nhân tố mới. Quá trình vận hành này chỉ có ý nghĩa khi được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt và coi trọng tất cả các giai đoạn trong quá trình nhất là khâu tự kiểm tra và kiểm tra. Nếu định hướng không theo quy luật phát triển, kế hoạch thiếu kiểm tra đôn đốc, chỉ tiêu không phù hợp, nhận xét đánh giá không chính xác hoặc xuề xòa bình quân chủ nghĩa thì chỉ cần một khâu trong chuỗi quy trình ấy sai lệch, nhân tố tích cực sẽ không được xuất hiện hoặc sẽ bị thui chột dần. Mặt khác, nếu chỉ dừng lại việc thực hiện theo kế hoạch, quá trình động viên thi đua sẽ rơi vào hình thức, sự vận động sẽ không hiệu quả. Lúc đó sáng kiến và kinh nghiệm không được phổ biến và tất nhiên khen thưởng sẽ vô tác dụng vì không làm nên động lực cho phong trào thi đua.
Để phát hiện nhân tố mới và nhân tố điển hình, Hội Khuyến học TP.HCM thực hiện các giải pháp chính như sinh hoạt cụm thi đua, tổ chức các hội thi. Quá trình tổng kết các phong trào thường xuyên của hội, những giải pháp hay, mô hình tốt của cơ sở đạt hiệu quả được phát hiện và nhân rộng; tiếp cận với các hoạt động phong trào của các cấp hội cơ sở cũng là động lực thúc đẩy phong trào. Kinh nghiệm cho thấy, giải pháp sáng tạo, nhân tố mới càng cụ thể, dễ hiểu dễ làm càng có giá trị thì dễ bồi dưỡng điển hình tiên tiến. Nhưng trước hết người cán bộ hội cần nắm vững ý nghĩa, mục đích từng phong trào, sâu sát cơ sở, trân trọng nỗ lực của cơ sở sẽ có cơ hội phát hiện các giải pháp hay.
Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội ngày càng hiệu quả, cán bộ hội cơ sở phải học suốt đời trong thực tiễn phong trào của chính mình với sự đồng hành của gia đình, dòng họ hiếu học và đơn vi, cộng  đồng khuyến học.
Nguyễn Thị Ẩn
(Phó chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM) 

Bình luận (0)