Công chức Bộ Tài chính nghỉ việc nhiều nhất
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nội Vụ, từ năm 2003-2007, ở 23 cơ quan trung ương và 47 địa phương, có hơn 16.000 công chức, viên chức xin thôi việc; chiếm 0,8% số lượng công chức, viên chức cả nước. Cao nhất khối cơ quan trung ương là Bộ Tài chính với 1.012 người, TPHCM dẫn đầu các địa phương với 6.500 người nghỉ việc.
Trong khi đó, mức tăng thêm của khu vực công trong 5 năm là hơn nửa triệu người. Như vậy, nếu so số lượng công chức nghỉ việc với số tuyển dụng thêm thì không phải là vấn đề. Song, những người nghỉ lại là những người làm được việc.
Họ là những lao động có trình độ cao, các nhà khoa học, các chuyên gia cao cấp, các nhà tổ chức và kinh doanh tài ba… Họ chính là những nhà thiết kế, tổ chức và trực tiếp sử dụng tốt nhất các yếu tố về lao động, vốn, tài nguyên và cơ hội, đóng vai trò to lớn cho sự phát triển của xã hội.
Chính vì thế, sự dịch chuyển của những người này sang khu vực ngoài nhà nước thường sẽ tạo ra sự thiếu hụt quan trọng về nhân lực tại chính cơ quan đó nói riêng và nhà nước nói chung.
Lợi ích cá nhân phải được tôn trọng cùng với lợi ích cộng đồng
Thực tế cho thấy, nhiều công chức ra đi vì vấn đề kinh tế, họ muốn sang một nơi làm việc có thu nhập tốt hơn và theo như nhiều người chia sẻ thì “thu nhập đó đánh giá đúng công sức của họ”. Bởi hệ thống thang bậc lương trong các cơ quan nhà nước như hiện nay không phản ánh được sự khác biệt trong đãi ngộ. Hơn nữa, tiêu chí để đánh giá người tài, trọng dụng họ trong các cơ quan nhà nước hiện nay còn nhiều bất cập.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế – Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, muốn giữ chân công chức là những người tài trong các cơ quan nhà nước cần phải hội 4 yếu tố sau:
Thứ nhất, phải tạo sự di chuyển chất xám tự do trong thị trường lao động theo “quy luật tối ưu” của tự nhiên.Nhân tài chỉ định hình, phát triển và tìm đến những nơi nào thoả mãn các điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất cho nó, trong đó có lương, điều kiện học tập, lao động, khả năng tiếp cận các thông tin và công nghệ mới, sự tôn trọng về tinh thần…
Bởi vậy, trong các cơ quan nhà nước, muốn giữ chân công chức, ngoài việc tăng lương, cần có những đổi mới trong công tác quản lý và phát triển nguồn nhân lực.
Thứ hai, các thang bậc giá trị xã hội phải có sự thay đổi. Các chuyên gia trong mọi lĩnh vực ngành nghề kinh tế – xã hội đều phải được tôn trọng và đối xử như nhau trong dư luận xã hội và trong thụ hưởng lợi ích vật chất tương xứng với tài năng và đóng góp có ích cho xã hội của họ.
Thứ ba, phát hiện, lựa chọn và sử dụng đúng những nhân tài đầu đàn. Nhân tài loại nào cũng có thứ bậc và chỉ người tài mới biết phát hiện, tôn trọng và sử dụng hiệu quả người tài. Nếu chọn sai đầu đàn thì cả đội ngũ sẽ kém hiệu lực. Cần tái lựa chọn liên tục, lấy hiệu quả công việc làm cơ sở đánh giá và lựa chọn chứ không phải bằng cấp, học vị, chức tước.
Thứ tư, phải bảo đảm duy trì nguyên tắc mọi lao động trong xã hội đều sống được bằng lao động chuyên môn của mình: Lợi ích kinh tế cá nhân phải được tôn trọng cùng với lợi ích cộng đồng và siết chặt kỷ luật lao động.
Lan Hương (dantri.com.vn)
Bình luận (0)