Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chuyện thầy giáo trường chuyên được học sinh cực nể

Tạp Chí Giáo Dục

Dáng người nhỏ nhắn, giản dị, ánh mắt hiền dịu mỗi lần bước vào lớp thầy lại mang theo tiếng cười làm cho không khí lớp học luôn tràn đầy sinh khí. Với thầy những tiết học làm cho học sinh hứng thú, say mê, tin tưởng vào mình sẽ học giỏi…

Thầy giáo chỉ  thích dạy chuyên 

Nghe lời giới thiệu của mọi người, tôi cứ nghĩ thầy phải là một người trông rất đạo mạo và khó gần. Tuy nhiên ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là một người thầy trông nhỏ nhắn và rất giản dị. 
Sinh ra ở đất Thọ Trường, Thọ Xuân (Thanh Hóa), chàng học sinh nghèo Trịnh Văn Hoa cất bước vào Vinh (Nghệ An) học phổ thông ở khối chuyên Toán của trường Đại học Vinh rồi đậu vào khoa Toán, Đại học Vinh.  

Thầy Hoa luôn luôn lắng nghe và làm cho học sinh có những tiếng cười sảng khoái, truyền thụ kiến thức cho các em một cách đặc biệt

Ngày mới ra trường, thầy Hoa xin về dạy ở trường Năng khiếu huyện Triệu Sơn. Ngày ấy, phong trào học chuyên ở Thanh Hóa rất sôi nổi. Sau 7 năm công tác tại đây, thấy phong trào trường chuyên lớp chọn có chiều hướng đi xuống, hơn nữa muốn thay đổi môi trường công tác nên năm 1999, thầy xin về dạy ở trường chuyên Lam Sơn. 

Niềm vui từ những ngày đầu về trường là ý thức học tập của học sinh rất tốt, có nguyện vọng thiết tha và có niềm đam mê học thực sự.  

Theo nhận xét của thầy thì học chuyên chỉ dành cho những học sinh nào thực sự đam mê, dạy những học sinh chuyên sâu rất khó. Hơn nữa, chưa có chương trình chi tiết về cả phương pháp lẫn nội dung, dạy chuyên là dạy theo học sinh. 
Trong một lớp chuyên có rất nhiều học sinh có nhiều khả năng khác nhau, nếu muốn phát triển được thì đòi hỏi người thầy phải biết tiếp cận và khơi dậy khả năng của từng học sinh. Phải làm sao cho học sinh suy nghĩ là học vì thầy. 
Năm nay mới bước sang tuổi 37, thế nhưng đã có thâm niên 10 năm đảm nhận các lớp chuyên Toán của trường chuyên Lam Sơn. Đây là một niềm tự hào với thầy, vì những người dạy chuyên thường phải là những người có kinh nghiệm và tuổi đời từ 35 trở lên. 
Không giấu nghề 
Chia sẻ với  Dân trí về những thành công của mình, thầy Hoa không ngần ngại cho biết, để thành công thì phải thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, không giữ làm vốn riêng. 
Trong một lớp học, mỗi học sinh có những tư chất khác nhau nên đòi hỏi người giáo viên phải biết phát hiện ra học sinh tài năng, từ đó dạy cho học sinh cách học để trở thành một học sinh giỏi. 

Các em học sinh luôn nể thầy Hoa. Chính các em luôn được thầy mang đến nụ để được học hành tốt hơn

 Theo nhận xét của thầy về cách dạy truyền thống lâu này là giáo viên ra bài tập cho học sinh làm mà không dạy cho học sinh cách tư duy thì trình độ học sinh không bao giờ vượt thầy. Để làm được điều này đỏi hỏi người giáo viên phải biết chấp nhận thực tế là học sinh có thể giỏi hơn thầy. Điều đáng buồn là lâu nay tâm, lý giáo viên vẫn chưa chấp nhận thực tế này. 

Nếu chỉ dạy theo phương pháp truyền thống, học sinh không có khả năng và ít tư duy, có cảm giác mình không thể vượt qua người thầy. Đây cũng là điểm khác biệt giữa học phổ thông và học chuyên. Đối với dạy chuyên, có những buổi học không làm được bài tập nào, thầy chỉ mượn bài tập đó là để dạy phương pháp tư duy cho học sinh. 
Nói về thành công của một giáo viên dạy chuyên, thầy Hoa tâm sự: “Có những giáo viên học 5 – 6 năm vẫn chưa biết phương pháp và vẫn thất bại, nhưng chỉ cần người có kinh nghiệm hướng dẫn một ngày cũng có thể thành công. Điều may mắn của thầy là từ những ngày học phổ thông được tiếp xúc và học hỏI những ngườI thầy có kinh nghiệm. 
Em Trịnh Phương Dung, lớp 11T, trường chuyên Lam Sơn tâm sự: “Thầy Hoa luôn khơi nguồn sáng tạo của học sinh bằng cách đặt vấn đề, kêu gọi sự gần gũi của học sinh, nhắc học sinh không nên dính đến những chuyện làm ảnh hưởng đến việc học. Thầy còn là người rất cá tính, không bao giờ giữ khoảng cách với học sinh, chúng em nghĩ thầy như chưa qua tuổi học trò, những giờ học của thầy luôn có tiếng cười, chúng em cảm thấy rất thoải  mái, thầy không bao giờ giấu chúng em điều gì cả”. Đây cũng là lời nhận xét của nhiều học sinh khác trong lớp 11T. 
Với những thành tích của mình năm học 2008 – 2009, thầy vinh dự được nhận giải thưởng  Lê Văn Thiêm của Hội Toán học Việt Nam.
10 năm nữa sẽ không còn thầy giỏi! 
Đó là trăn trở của người thầy được đồng nghiệp và nhất là học sinh trường chuyên Lam Sơn “cực nể”. Theo nhận định của thầy, 10 năm nữa chúng ta sẽ không còn giáo viên giỏi. Bởi xu hướng cuả những học sinh giỏi bây giờ không thích đi theo ngành sư phạm.  
Thầy tâm sự: “Nghề  sư phạm còn nhiều khó khăn, nếu không biết chấp nhận thì sẽ rất khó thành công và tồn tại được, hơn nữa sinh viên ngành sư phạm đa số khi ra trường khó xin việc làm”. 
Thầy Lê Văn Vinh, Phó hiểu trưởng trường chuyên Lam Sơn tự hào khi nhận xét: “Thầy Hoa là người tâm huyết với nghề, có chuyên môn cao, phương pháp tốt, biết động viên học sinh trong mọi hoàn cảnh. Người khác có thể phấn trắng bảng đen, còn thầy ra bài tập cho học sinh làm, đoạn nào còn mắc thầy gợi ý và đẩy cho học sinh vượt lên. Nhiều học sinh trong trường không có điều kiện thầy đã tổ chức bồi dưỡng miễn phí cho các em. Đây là một điển hình đáng được tôn vinh”. 
Nhiều học sinh của thầy giờ đã thành đạt ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng hàng ngày, thầy vẫn miệt mài với niềm đam mê là làm sao cho ngày càng có nhiều học sinh giỏi hơn nữa.
Chia tay thầy Hoa chúng tôi ra về, bác bảo vệ trường nói với theo: “tôi tưởng các anh đến để rước thầy Hoa của chúng tôi đi”. 
Duy Tuyên/Dan tri

Bình luận (0)