Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Mong không phải nhận thêm học trò nào nữa!”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 20/11, ngoài những tấm thiệp học trò tặng, những món quà tự tay mình “chế biến”, các cô còn có một điều ước rất lạ: mong… không phải nhận thêm học trò nữa vì “thêm một em vào trung tâm là thêm là một kiếp khổ đau”.

Đó là những ước mong của các cô bảo mẫu tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình II (quận Thủ Đức, TPHCM) khi ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần. Học trò của các cô là những trẻ mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV.

Mòn quà trong ngày lễ 20/11 của cô Nhung chính là những giây phút được thấy niềm vui từ học trò.
 Người mẹ của những đứa trẻ HIV
Mới về về trung tâm này làm việc hơn ba năm nhưng giờ cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung đã là tổ trưởng khoa Tuổi Thơ với 47 trẻ có HIV. Cô Nhung không chỉ là một người cô mà còn là người mẹ của các em nhỏ. Công việc hàng ngày của cô và những bảo mẫu khác ở đây là chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, lo thuốc thang cho trẻ và khiêm luôn vai trò dạy học.
Học trò đặc biệt nên việc các cô phải “ăn ngủ” theo bệnh của trò cũng là chuyện thường ngày. “Khi các cháu phát bệnh ngay giữa đêm mình bật dậy lao đến ngay. Thương các cháu đau vì bệnh một mà thương lúc đó các cháu không có ai bên cạnh mười nên chẳng ai nề hà chuyện đó” – cô Nhung bộc bạch.
Cô Nhung nhớ từng ánh mắt, từng nét sợ hãi của các cháu khi đã cảm nhận được căn bệnh mình đang mang. Có cháu sợ đến mức đêm không dám ngủ vì “con sợ khi ngủ con virus sẽ giết con chết, không bao giờ mở mắt ra được nữa”. Cô Nhung cố ngăn không để mình khóc trước mặt các cháu, vỗ về: “Con uống thuốc rồi, con virus cũng đã ngủ say không làm hại mình được nữa đâu”. Rồi cứ phải vùi đầu vào lòng các cô, học trò mới chịu ngủ.

Cô Thọ bên học trò của mình.
Làm trong nghề nhiều năm, chứng kiến bao nhiêu cái chết thương tâm nhưng cô Nhung vẫn nguyên cái cảm giác sợ hãi khi biết cháu nào đã đến giai đoạn cuối, sự sống chỉ còn ngày một ngày hai. Lúc đó, cô chỉ có thể tự an ủi mình: “Số các cháu chỉ đến vậy, không ở tiếp với mình được nữa. Các cháu khổ nhiều rồi, sang thế giới bên kia chắc chắn cháu sẽ hạnh phúc”.
Theo cô Nhung ra khoa Măng Non, hơn 30 đứa trẻ ở trong một căn phòng rộng rãi, thoáng mát. Cô đang ru trẻ ngủ, cô vui đùa cùng trẻ, “ai đã làm việc ở đây và quyết tâm bám nghề đều là những người rất tâm huyết”, cô Nhung khẳng định.
Cô Nguyễn Phúc Thọ đang chăm trẻ trong phòng chia sẻ: “Các cháu thân quen với mình quá rồi. Chưa nói đi đâu xa, chỉ về đến nhà là bứt rứt khó chịu rồi. Nhớ! Nhớ lắm!”.
Ngoài cô Nhung, cô Thọ còn có các cô Hương, cô Duyên, cô Len… mỗi cô đều là một người mẹ mang đầy tình yêu thương cho những đứa trẻ thiệt thòi. Như cô Len vốn là học trò của trung tâm từ nhỏ nên càng cảm nhận rõ hơn sự mất mát, thiệt thòi của các cháu. Cô Len nói ngọng vì cô bị hở môi nhưng tiếng cô nựng trẻ nghe sao mà ngọt.
20/11 cho… học trò
Các cô ở đây cũng là nhà giáo nên cũng có ngày lễ 20/11. Nhưng ngày lễ này ở trung tâm rất đặc biệt, không dành cho cô mà dành hết cho trò. 
Cô Nhung cho hay, mấy hôm nay các cô đã mua giấy, keo, đồ trang trí về để cho học trò làm thiệp… tặng mình. Cô nói: “Thật ra bọn mình muốn tạo cho các cháu cảm giác mình cũng là những học sinh, cũng có những người cô như bao bạn bè cùng trang lứa. Các cháu rất được yêu thương và quan tâm”.  
“Đến ngày đó, mình sẽ nhận được những tấm thiệp này, nhận hoa nữa. Vui lắm chứ!” – cô Nhung hào hứng hẳn lên rồi cô lại chùng xuống: “Ngày 20/11, những người giáo viên khác thường được nhận quà từ các phụ huynh, mình thấy xót lòng, không phải cho mình mà cho học trò… Bởi nhiều cháu đã bị chính bố mẹ mình bỏ rơi”.
Các cô ở khoa Măng Non cũng sẽ có một ngày lễ thật đặc biệt. Ngày hôm đó, các cô sẽ làm bánh ngọt để “đãi” các trò. “Đã gắn bó ở đây, còn món quà nào lớn hơn những giây phút được thấy niềm vui, nụ cười của các bé”, cô Len bộc bạch.
Ngày lễ, ngoài những tấm thiệp học trò tặng, những món quà tự tay mình “chế biến”, các cô còn có một điều ước rất lạ: mong… không phải nhận thêm học trò nữa vì “thêm một em vào trung tâm là thêm là một kiếp khổ đau”.
Hoài Nam/Dan tri

Bình luận (0)