Nhìn ở góc độ số lần thi cử, rõ ràng Thông tư 32 của Bộ GD – ĐT quy định không tính điểm kiểm tra học kỳ 1 với học sinh tiểu học đã giảm bớt áp lực của 3/4 số lượng các kỳ thi quan trọng trong năm học. Nhưng nếu nhìn ở góc độ dồn sự quyết định kết quả học hành, được lên lớp chủ yếu vào một kỳ thi "duy nhất" thì liệu quy định này có thực sự giảm áp lực học cho các cháu chưa?
Tuy rằng để có kết quả tốt cho kỳ thi quan trọng này thì không thể chỉ học dồn vào thời gian gần thi là đủ, nhưng tôi chắc chắn rằng áp lực học sẽ tăng nặng lên đôi vai của học sinh, giáo viên và nhà trường vì tính chất quyết định, quan trọng của kỳ thi "duy nhất", mà ở đó vấn đề rủi ro sẽ ảnh hưởng đến tương lai học tập của các cháu sẽ nhiều hơn.
Đặt vấn đề rằng: "Đã đến lúc phụ huynh cần thay đổi đối với quan niệm về điểm số" là thực sự đủ hay chưa? Tôi cho rằng chưa đủ vì quy định này chưa tính đến "bệnh thành tích" của giáo viên và nhà trường – một căn bệnh còn phổ biến hiện nay. Và có lẽ, nhà trường và giáo viên sẽ chọn biện pháp an toàn là "học tất".
Tôi có một cháu đang học tiểu học, cháu học bán trú suốt ngày, rất ít khi được ra chơi theo quy định, vậy mà khi về nhà, cháu vẫn phải tiếp tục làm bài tập các môn, học thuộc lòng các bài đến 22 – 23 giờ; sáng 5 giờ dậy học tiếp. Hiện nay mới vào đầu học kỳ 2 nhưng giáo viên đã dạy gần như hoàn tất chương trình cả năm học.
Vì sao? "Để cho kết quả học tập tốt" – theo giải thích của cô giáo. Bản thân tôi cũng từng là một học sinh thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, vậy mà cũng không thể hiểu và chấp nhận được cách học ấy! Liệu việc học dồn ép, nhồi nhét ấy có giúp cho các cháu học giỏi, điểm số cao hay chúng ta chỉ đào tạo được một thế hệ tương lai ù lì, xơ cứng vì ngồi học suốt ngày, không giải trí, không có thời gian, không gian để năng động, sáng tạo?
Dù là một học sinh giỏi nhiều năm, vậy mà giờ đây, con tôi đã nhiều lần xin gia đình cho cháu được nghỉ phép vì không thể chịu nổi áp lực học tập và số bài vở bắt buộc phải giải quyết xong trong ngày, vì nếu không hoàn thành được số lượng bài vở "khổng lồ" ấy, hôm sau cháu sẽ bị đánh đòn! Đồng thời, cuối năm đề thi do Sở, Phòng giáo dục ra đề nên các cháu phải học toàn bộ chương trình cả năm để thi học kỳ 2. Với khả năng, sức khỏe của học sinh tiểu học, liệu các cháu có thể "nuốt" nổi lượng kiến thức "khổng lồ" ấy? Và giờ đây, khi mọi vấn đề lại phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi "duy nhất" thì việc ép học, nhồi nhét sẽ làm các cháu bị suy giảm về thể lực và trí lực – điều này có thể đi ngược lại với mục tiêu của giáo dục.
Vậy, Thông tư 32 có thực sự giảm áp lực học cho học sinh tiểu học như mong muốn?
Nguyễn Mỹ An
(96/11/7 Lý Tự Trọng, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
(96/11/7 Lý Tự Trọng, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Thanh Niên
Bình luận (0)