Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hà Nội: Đề xuất tăng học phí gấp 5 lần

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hôm qua, Văn phòng HĐND TP Hà Nội đã thông báo về nội dung kỳ họp thứ 21 (sẽ diễn ra từ ngày 13-15.7). Trọng tâm kỳ họp là xem xét đề án học phí mới với mức học phí tăng gấp nhiều lần so với hiện hành.

Học phí ở bậc mầm non sẽ tăng gấp 2 lần – Ảnh Ngọc Thắng
Đánh giá vấn đề điều chỉnh học phí mang tính nhạy cảm xã hội rất lớn, ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng Ban Văn hóa – xã hội (HĐND TP) cho biết, trước đề xuất của UBND TP, HĐND TP đã phải tổ chức khảo sát, lấy ý kiến cử tri tại nhiều địa phương. Ông Nguyễn Đức Toàn nói: “Qua các cuộc tiếp xúc, nhìn chung, ý kiến cử tri đồng ý với chủ trương phải tăng học phí. Tuy nhiên, cử tri rất băn khoăn với các mức điều chỉnh mà UBND TP đề xuất…”.
Về các mức tăng học phí cụ thể theo đề xuất của UBND TP, ông Nguyễn Đức Toàn cho biết, đối với bậc học mầm non, ở khối mẫu giáo, mức thu theo đề án đề xuất với học sinh ở khu vực thành thị là 160.000đ/học sinh/tháng, học sinh ở khu vực nông thôn sẽ thu theo hai mức 30.000đ/học sinh/tháng (có cha và mẹ làm nông nghiệp); mức 50.000đ/học sinh/tháng (có cha hoặc mẹ làm nghề khác). Tương tự, mức thu đối với khối nhà trẻ ở khu vực thành thị được đề xuất 175.000đ/ học sinh/tháng; ở khu vực nông thôn sẽ thu 35.000đ/học sinh/tháng (có cha và mẹ làm nông nghiệp) và thu 70.000đ/ học sinh/tháng (có cha hoặc mẹ làm nghề khác).
Với khối THCS, mức thu ở khu vực thành thị sẽ là 100.000đ/học sinh/tháng; ở khu vực nông thôn sẽ thu 30.000đ/ học sinh/tháng (có cha và mẹ làm nông nghiệp) và thu 50.000đ/ học sinh/tháng (có cha và mẹ làm nghề khác). Còn đối với khối THPT, mức thu ở khu vực thành thị sẽ là 120.000đ/học sinh/tháng, và ở khu vực nông thôn sẽ thu theo hai mức 35.000đ/học sinh/tháng (cha và mẹ làm nông nghiệp) và 55.000đ/ học sinh/tháng  (cha và mẹ làm nghề khác).
Mức đề xuất quá cao
Theo ông Nguyễn Đức Toàn: “các mức thu mới tăng thấp nhất là 2 lần so với mức hiện hành. Có mốc tăng kỷ lục 5 lần (mức học phí hiện hành của bậc học THCS là 20.000 đồng/học sinh/tháng) hay tăng tới 4 lần như học phí THPT. Các đại biểu HĐND TP chưa tán thành với các mức tăng này và đề nghị UBND TP tính toán cụ thể hơn theo hướng điều chỉnh thấp xuống mức cơ bản, đảm bảo mức tăng tối đa không quá từ 1,5-2 lần. Như thế sẽ hợp lý hơn chứ tăng cao quá rất không ổn”.
Cũng nhìn nhận mức đề xuất ban đầu là cao và cần được xem xét lại, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Thường trực HĐND TP đã đề nghị UBND TP điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với điều kiện của từng vùng. Từ nay tới kỳ họp, UBND TP cần tiếp tục rà soát, tính toán lại các mức tăng cũng như căn cứ của việc tăng học phí sao cho phù hợp…”
Theo quy định tại Nghị định 49/CP của Chính phủ, học phí không được vượt quá 5% mức thu nhập bình quân ở các địa phương. Đề án học phí mới mà UBND TP Hà Nội trình lấy căn cứ tính toán của Cục Thống kê Hà Nội, chia thu nhập của người dân thành 3 nhóm (nhóm 1 là nội thành, 2 nhóm còn lại ở ngoại thành). Trong đó, thu nhập bình quân của người dân nội thành là 2,4 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân của 2 nhóm ngoại thành lần lượt là 1,8 và 1,04 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện nay cử tri cũng đang thắc mắc về con số này và cho rằng thu nhập thực tế của họ thấp hơn. Vấn đề này cũng sẽ được làm rõ tại kỳ họp thứ 21 của HĐND TP. Ngoài ra, cử tri cũng chưa hài lòng với việc chia 2 nhóm ở khu vực ngoại thành (học sinh có cha mẹ làm nghề nông và có cha mẹ làm nghề khác). Theo lý giải của Sở GD-ĐT Hà Nội, cơ quan lập đề án học phí, chia như vậy nhằm đảm bảo học sinh có cha mẹ là nông dân sẽ có mức đóng học phí thấp nhất song một số huyện cho rằng không nên phân thành 2 nhóm mà chỉ để 1 nhóm chung như quy định tại Nghị định 49/CP.
Minh Đức / Thanh Nien

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)