NGƯT Chu Xuân Thành (phải) gặp lại học trò cũ sau 50 năm xa cách |
Năm 1968, từ một hiệu phó trường cấp 3 thị xã, ông được Sở GD-ĐT tín nhiệm cất nhắc lên hiệu trưởng nhưng lại về một trường huyện. Đây chính là bước thử thách ban đầu của người cán bộ quản lý trẻ. Tuy nhiên, với sự năng động nhạy bén của bản thân, ông đã làm tròn trọng trách được giao.
Phải gần 2 năm rồi tôi mới gặp lại NGƯT Chu Xuân Thành và có cơ hội viết bài về ông. Ông vẫn ở trong chung cư trên đường Hùng Vương, Q.5 nhưng sức khỏe thì đã thay đổi nhiều. Thời ông làm Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm, tôi ngỏ ý viết bài nhưng ông đã khoát tay từ chối: “Mình có gì đâu mà viết!”.
Hiệu trưởng biết dựa vào dân
Năm 1964, sau khi Trường BTVH Công nông TW giải thể, thầy giáo Chu Xuân Thành về dạy Trường Cấp 3 Biên Hòa nằm ngay thị xã Phủ Lý của tỉnh Hà Nam. Là một thầy giáo ưu tú mới được vào Đảng và hơn nữa lúc này ngành giáo dục tỉnh nhà đang có chủ trương trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo nên sau đó ít năm, ông được đề bạt chức vụ Hiệu phó phụ trách chuyên môn. Tuy chưa phải ở cương vị đứng đầu của một ngôi trường lớn nhưng từ ngày đầu bắt tay vào việc, ông đã bộc lộ được những tố chất cần thiết của một người “nhạc trưởng”. Bốn năm sau, ông được đề bạt làm Hiệu trưởng Trường THPT Lý Nhân. Đây là ngôi trường huyện vừa rời thị trấn Vĩnh Trụ để đi sơ tán thì gặp ngay cơn bão lớn nên chưa có một lớp học nào cả. Điều băn khoăn nhất của thầy hiệu trưởng trẻ là làm sao học sinh (HS) của mình vừa có chỗ học vừa đỡ cực nhọc. Vì thế, nhiều lúc đạp xe đi trên đường mà ông cứ nghĩ đâu đâu, lại có đêm trằn trọc không ngủ được. Làm là phải nghĩ, nghĩ là phải quyết. Ông lên huyện nhờ Huyện ủy giao cho từng xã giúp trường đắp lũy dựng các lớp học. Nghe ông trình bày xong, Ủy ban ủng hộ liền. Nhân dân nghe tin xây trường mới cho con em ai cũng phấn khởi. Người đóng góp tre nứa, kẻ ủng hộ công sức nên chỉ nửa tháng sau, ngôi trường mới đã ra đời. Ngày khai trường, hòa lẫn trong niềm vui của hàng trăm HS Trường THPT Lý Nhân là nét mặt rạng ngời của người hiệu trưởng ngôi trường “đi từ không tới có”. Đó cũng là dịp để người hiệu trưởng có thêm một bài học về công tác quản lý. “Mọi việc dù gian truân đến mấy nhưng biết dựa vào dân là làm được hết. Có trường cho HS rồi nhân dân còn tình nguyện dựng thêm nhà cho thầy cô ở nữa”, ông tâm niệm.
Theo ông, điều thuận lợi nhất lúc bấy giờ là tất cả HS vào Trường Cấp 3 Lý Nhân đều từ Trường Cấp 2 Bắc Lý – một lá cờ đầu về phong trào 2 tốt nên có rất nhiều em giỏi. Thế nhưng, nhiều đồng nghiệp vẫn không phủ nhận vai trò đi tiên phong của người hiệu trưởng trẻ Chu Xuân Thành. Ngay khi có chương trình hợp tác đào tạo cán bộ lãnh đạo trường phổ thông với Cộng hòa Liên bang Đức, Hiệu trưởng Thành là một trong 7 cán bộ trẻ đã được cử đi ra nước ngoài tu nghiệp.
Dám nghĩ dám làm
NGƯT Chu Xuân Thành (thứ 2 từ trái sang) nhận hoa chúc mừng của các thầy cô nhân 45 năm thành lập Trường THPT Lý Nhân |
NGƯT Chu Xuân Thành kể tiếp cho tôi nghe những câu chuyện về giáo dục mà cả đời ông đã gắn bó: “Đi học ở Đức về tôi lại quay về Trường Cấp 3 Biên Hòa – thị xã Phủ Lý làm Hiệu trưởng. Thế nhưng chỉ một năm sau miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi lại nhận được giấy gọi của Bộ GD vào miền Nam nhận nhiệm vụ mới. Sau 4 năm phụ trách mảng giáo dục phổ thông của Vụ Cấp 3 thuộc Bộ GD, năm 1979, tôi chính thức về Sở GD TP.HCM”. Có thể nói đây là chuyến đi xa nhất của ông trong cuộc đời làm thầy giáo nhưng đây lại là một cơ hội để ông mở rộng tầm nhìn của một nhà quản lý giáo dục. Thời kỳ này đất nước có nhiều thay đổi, cơ chế làm việc không còn như cũ, giáo dục cũng đứng trước một vận hội mới. Các nhà quản lý giáo dục như ông luôn đứng trước những trở ngại và thách thức. Được tôi luyện trong thử thách đó bản lĩnh người quản lý càng thêm vững vàng. Vốn là con người năng động, nhạy bén nên nhà giáo Chu Xuân Thành luôn hoàn thành nhiệm vụ mà ngành giáo dục giao phó. Thời kỳ này cánh báo chí cũng rất quan tâm, luôn tìm đến ông để phỏng vấn. Những lời phát biểu của ông trên mặt báo luôn phân định phải – trái rõ ràng, có tính định hướng và giúp cho các hiệu trưởng, giám đốc trung tâm giáo dục tháo gỡ được những khó khăn trong thực tế cho đơn vị mình.
Câu chuyện ông liên kết mở trường tư thục đầu tiên tại TP.HCM cũng đã cho thấy sự tiên phong của một con người dám nghĩ dám làm. Năm 1997, ông tham gia mở Trường dân lập Ngô Thời Nhiệm. Đây là trường dân lập đầu tiên của TP.HCM – một mô hình mới của giáo dục Việt Nam thời kỳ đổi mới. Dù gặp phải không ít khó khăn nhưng ông rất tin ở mình: “Lúc đầu trường chưa có đủ các khối lớp như bây giờ mà chúng tôi chỉ dám mở thử các lớp cấp tiểu học với phương châm nuôi dạy các cháu đến nơi đến chốn. Do tập hợp được các đồng nghiệp có kinh nghiệm và có quyền lựa chọn đội ngũ, tuyển được nhiều giáo viên giỏi nên quy mô nhà trường phát triển khá nhanh”. Theo ông, việc phát triển hệ thống trường ngoài công lập là tất yếu với mục đích trên hết là để con em có thêm nhiều chỗ học tốt và hạn chế sự quá tải của các trường công lập. Tuy không đặt nặng lợi nhuận nhưng những người điều hành phải cân đối hài hòa giữa kinh doanh và phục vụ. Nếu để thua lỗ thì làm sao trường tồn tại lâu dài được nhưng cũng không thể mượn giáo dục để làm kinh tế. Tuy ông không nói ra nhưng tôi biết ông cũng là người góp công không nhỏ trong việc mở rộng 20 ngàn m2 đất ở quận 9 để Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm có được cơ ngơi rộng lớn và khang trang như bây giờ. Nhờ duyên nợ đó mà 5 năm sau ông đã thành công khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về định hướng phát triển các trường dân lập tư thục. Trước đó, khi còn làm Trưởng phòng GD Phổ thông, ông đã chú trọng nghiên cứu và làm đề tài khoa học về dạy nghề phổ thông, bồi dưỡng HS giỏi. Ông cũng là người đồng hành với Báo Tuổi Trẻ trong chương trình “Vì ngày mai phát triển” để giúp đỡ các em học sinh thành đạt trên con đường học tập.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Dù dạy học nhiều nơi nhưng nơi có nhiều kỷ niệm đối với ông vẫn là Trường BTVH Công nông TW – ngôi trường đầu tiên trên miền Bắc do Bác Hồ khởi xướng nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn và những người có công với cách mạng như Anh hùng La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Trần Hông Quân, Thứ trưởng Trần Xuân Giá… Cho đến bây giờ, ông vẫn giữ được rất nhiều tấm hình về học trò và đồng nghiệp của mình. Tất cả những bức hình đó, NGƯT Chu Xuân Thành để riêng vào một cuốn album ảnh và ông coi đó như một kỷ vật quý giá trong những ngày đầu ông đến với nghề dạy học. |
Bình luận (0)