Chuyện giữ chân giảng viên luôn là bài toán làm đau đầu cấp quản lý. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, hiện các trường tư thục đang làm tốt điều này với những cơ chế khá cởi mở.
Giảng viên (GV) luôn là vấn đề cốt yếu để nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường ĐH, CĐ. Do vậy, việc ổn định và giữ chân GV luôn được các trường quan tâm.
Nỗi lo mất giảng viên
Các chuyên gia giáo dục, cán bộ cấp quản lý ở các trường ĐH luôn nhận định nếu nguồn GV không ổn định sẽ gây xáo trộn trong nhà trường. Bởi lẽ khi ổn định nhân sự, bộ máy giảng dạy sẽ trơn tru, hơn nữa về cấp độ quản lý sẽ sắp xếp, phân bổ cán bộ giảng dạy hợp lý và không bị động. Nhưng nếu có tình trạng nhiều GV nghỉ việc, rồi tuyển mới, các trường sẽ mất rất nhiều thời gian để lập lại trật tự. Và khi tuyển mới, các trường khó có thể tuyển được những GV có kinh nghiệm, thâm niên mà đa phần là giảng viên trẻ, non kinh nghiệm, phải đào tạo lại, mất nhiều thời gian để thích ứng. “Nhìn chung để một giảng viên trẻ thuần thục trong việc đứng lớp, họ sẽ phải mất quá trình tích lũy và học hỏi kinh nghiệm ít nhất 5 năm”, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết.
TS Dũng còn cho biết thêm, giảng viên hệ ĐH, CĐ khác hoàn toàn với giáo viên các trường phổ thông hoặc một kỹ sư. Vì giáo viên hay kỹ sư chỉ cần vài ba tháng tập sự là có thể làm việc được ngay, còn giảng viên ĐH cần phải tích lũy kinh nghiệm một quá trình dài.
Thực tế là vậy, nhưng chuyện giữ chân GV luôn là bài toán khó làm đau đầu cấp quản lý. Và theo nhiều chuyên gia giáo dục, để giữ chân được GV, các trường tư thục sẽ làm tốt hơn trường công vì họ trả mức lương khá cao. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hùng Vương, nếu có mức lương cao, GV mới ổn định cuộc sống và an tâm làm việc. “Hiện ở các trường tư thục, lương, thu nhập trung bình của GV có thể từ 5, 6 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng”, thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình cho biết.
Ở khối công lập, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM được xem là một trong những trường giữ chân GV vào loại tốt nhất nước. Tính từ năm 2003 đến nay, trường có chưa đến 10 GV nghỉ việc. Trong khi đó, lượng GV nghỉ việc ở các trường khác luôn nằm ở mức cao. Điển hình như ĐH Nông lâm, trong 5 năm qua đã có đến 120 GV nghỉ việc. Để giải bài toán “chảy máu nhân sự”, TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Ở trường, GV ngoài hưởng lương theo ngạch do nhà nước quy định còn được trường trả thêm lương vì trường được tự chủ 50% tài chính”. Ngoài ra các chế độ lễ, tết, trường cũng có chế độ từ GV mới vào nghề cho đến hiệu trưởng đều được hưởng ngang nhau. Việc này tạo tâm lý thoải mái trong GV”.
Chẳng những ổn định số lượng GV, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM mỗi năm còn thu hút, tuyển mới từ 20 – 60 GV. Hiện trường có khoảng 650 GV cơ hữu và có khoảng 100 GV thỉnh giảng (trên tổng số 27.000 SV). Và nói về chất lượng đào tạo, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM luôn là một thương hiệu đã được xã hội ghi nhận và khẳng định.
Tương tự, ĐH Hùng Vương cũng hiếm trường hợp GV nghỉ việc. “Trung bình mỗi năm chỉ từ một đến hai GV nghỉ việc, có năm vẫn giữ được ổn định. Theo tôi, để giữ chân GV không phải chỉ có chế độ lương thưởng tốt mà còn vấn đề tình cảm. Bởi nếu tính trung bình, GV trường chúng tôi lương trung bình chỉ từ 5 – 6 triệu đồng một tháng”, phó giáo sư, tiến sĩ Cao Văn, hiệu trưởng nhà trường cho biết.
TS Dũng cũng cho rằng: “GV trụ với nghề là do đam mê và là cái tình với cái tình với nghề. Do vậy, cách quản lý cũng cần quan tâm đến cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của GV. Có như vậy mới có thể níu chân họ ở lại với trường”.
Theo Đất Việt
Bình luận (0)