Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Rèn kỹ năng giao tiếp qua từng tiết dạy

Tạp Chí Giáo Dục

Rèn luyện kỹ năng sống thông qua từng tiết học là con đường giúp HS biết làm chủ và thể hiện cảm xúc. Trong ảnh là tiết học “Xây dựng đề cương diễn thuyết”
Ngại nói là tình trạng phổ biến của một số người khi đứng trước đám đông và cũng là tâm lý chung của các em học sinh (HS) trong lớp học. Thế nhưng, chính cách nói chuyện, trao đổi thông tin của con người lại góp phần quyết định sự thành bại trong cuộc sống của mình.
Thầy Trần Thăng Long – giáo viên (GV) Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) đã định hướng cho HS của mình có thêm nghệ thuật nói trước đám đông qua tiết dạy bộ môn ngữ văn “Xây dựng đề cương diễn thuyết”.
Tiết học được thực hiện tại lớp 12D7 thuộc Ban D nâng cao. So với bài “Phát biểu tự do” trong chương trình cơ bản, đây là bài học đòi hỏi cả GV và HS làm việc nỗ lực hơn.
Tiết học “lấy lòng” HS
Ấn tượng đầu tiên chính là khâu chuẩn bị của GV và đặc biệt là của bốn nhóm trình bày cách xây dựng đề cương theo từng chủ đề khác nhau. Để đánh giá cao kỹ năng thể hiện sự tự tin trong diễn thuyết, em Lâm Khánh – đại diện nhóm 1 – đã “ngược dòng thời gian” nhắc lại những khó khăn giao tiếp trong những ngày mới chập chững bước vào lớp 10. Những thất bại ban đầu đã cho Khánh nhiều kinh nghiệm như: khi nói chuyện phải chú ý từ vẻ bề ngoài, thái độ, năng lực của bản thân… Và để diễn thuyết thành công, nhóm đã đưa ra các điều kiện cần và đủ, trong đó đặc biệt quan tâm tới khâu chuẩn bị. Giống như xây một ngôi nhà trước tiên phải có bản vẽ, xây dựng đề cương cũng vì mục đích tạo dựng “tòa nhà” diễn thuyết vững bền hơn.
Mượn câu chuyện của một tỷ phú Thái Lan trong cuốn sách Tay không xây dựng cơ đồ, nhóm 2 của Vũ Yến Nhi muốn đưa ra thông điệp triết lý: giao tiếp sẽ đạt được hiệu quả nếu con người biết tìm hiểu đối phương, biết “đánh thức” vào tình cảm; khơi gợi sự đồng điệu về tâm hồn. Nhất là trong kỹ năng giao tiếp thương lượng, đây chính là phương thuốc vô cùng hữu hiệu. Qua cách trình bày, Văn Nam Anh – một thành viên khác của nhóm 2 – đã không ngại đưa ra những yêu cầu của một đề cương hoàn chỉnh để “phô diễn” quan điểm, ý kiến cá nhân trước đông đảo người nghe: xác định vấn đề “đinh” cần diễn thuyết, sắp xếp ý theo lớp lang nhưng lại bất ngờ và độc đáo. Nhóm 3 thì ngược lại, gây ấn tượng cho mọi người bằng một đoạn phim diễn thuyết dưới hình thức phỏng vấn xin việc làm do các em tự thiết kế và can đảm khẳng định: “85% doanh nghiệp thành công là do giao tiếp”. Theo đó, ngoài yêu cầu số liệu, các em đòi hỏi người diễn thuyết phải biết phân bố thời gian hợp lý, ghi rõ những phương tiện trực quan cần thiết để sử dụng.
Ngay từ khi trao đổi, Lâm Khánh đã đưa ra những điều cần tránh khi lập đề cương vì nó tổn hại rất nhiều đến chất lượng buổi diễn thuyết như quá phô diễn kiến thức, nói nhiều mà lan man, chỉ nói điều mình thích mình biết mà không chú ý đến người nghe. Điều đó đã thể hiện rõ trong cách “nhấn nhá” kiến thức trọng tâm khi GV đưa ra hình ảnh: “Đề cương là người soi lối dẫn đường” và những câu hỏi chuyển tải được nhiều “sức nặng” bài giảng: Mục đích gì? Công chúng là ai? Thái độ của người nghe? Vấn đề nào mới? Điều đọng lại sau đó là mỗi nhóm tạo nên một vẻ riêng làm cho bức tranh toàn cảnh trong giờ học bừng sáng bởi sự đa sắc màu. Có lẽ vì thế mà ngồi ở phía dưới các em HS đều chú ý lắng nghe và theo dõi. Rõ ràng không có sự cuốn hút, thiếu đi sự sinh động thì làm sao tiết học dễ “lấy lòng” được HS như vậy.
GV không ngừng khám phá
Để có được một tiết học huy động được công sức cả thầy lẫn trò, GV đã dám làm một khâu đột phá là sử dụng phần mềm Mind Manager phục vụ cho bài giảng. Thầy Long chia sẻ: “Sử dụng phần mềm này tuy có khó khăn nhưng lại phù hợp với khả năng và tư duy nhận thức của HS, đem lại được nhiều hứng thú, hấp dẫn cho các em trong giờ học”. Điều thầy Long nói quả không sai vì đã được minh chứng ngay trong 45 phút trên lớp. Nhiều ý kiến của đồng nghiệp đánh giá cao khả năng làm chủ CNTT của một GV dạy văn tuổi không còn trẻ, đó là thao tác bấm chuột, gõ bàn phím nhuần nhuyễn, không một lần “rớt” máy… Không hề có lỗi chính tả, lỗi văn phạm khi trình bày các file hình, file chữ. Điều được cho là cấm kỵ của GV dạy văn mà một số người vẫn mắc phải trong các tiết dạy thông thường. Kỹ năng lên lớp của GV cũng thể hiện được sự “lão luyện” trong khi dẫn dắt ý và đặt hệ thống câu hỏi so sánh, câu hỏi phát hiện, câu hỏi phát vấn như: điểm khác nhau giữa diễn thuyết và phát biểu tự do? Đâu là yếu tố quan trọng của một đề cương có chất lượng? Trình bày một cụm từ ngắn gọn về yêu cầu soạn đề cương? Nếu chú ý thì sẽ thấy, trong quá trình giảng GV đã khéo léo lồng vào những câu chuyện kể lý thú hấp dẫn và hài hước. Những câu chuyện chính là “chất bôi trơn” cho bài giảng giúp thầy và trò “leo dốc” được dễ dàng hơn. Đó chính là cách dạy “2 trong 1” mà chỉ có người thầy sáng tạo và nhạy bén mới “tinh ý” tìm ra được. Hình ảnh động đất ở Nhật Bản được GV đưa vào phần mở bài không chỉ có tính thời sự mà còn đánh thức được cảm xúc tiềm tàng và tính nhân bản trong tâm hồn HS. “Điệp khúc” đó còn được lặp lại khi thầy Long cho HS xem biểu đồ so sánh về quan điểm văn hóa giữa phương Đông và phương Tây như là chiếc cầu nối giữa bài học ngày nay và tiết dạy hôm sau.
Một đồng nghiệp ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng, giờ học làm văn thường khô, khó gây được hào hứng như một giờ giảng văn nhưng thầy Trần Thăng Long đã tìm cách vượt qua “chướng ngại vật” đó. Thầy Long đã khéo léo tạo được tình huống để đưa bài học vào một không gian mới mẻ, đầy hào hứng và sinh động không ngoài mục đích lôi kéo người học nhanh chóng “hòa nhập” để thẩm thấu tri thức. Nghe đại diện các nhóm HS diễn thuyết lưu loát, nhiều GV ước ao không chỉ HS Ban D mà các ban khác cũng cần được trang bị tốt nghệ thuật nói trước công chúng và không thiếu chất diễn giả khi trình bày ý kiến trước công chúng.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

 

 

“Nhà trường cần có nhiều hoạt động thiết thực hơn để rèn luyện kỹ năng sống cho HS. Trong một tiết dạy người thầy không chỉ đơn thuần truyền thụ kiến thức mà phải chú ý đến mục tiêu rèn luyện kỹ năng cho HS để các em biết làm chủ cảm xúc, có cách ứng xử phù hợp không còn bỡ ngỡ khi ra khỏi lớp học và sau này bước chân vào đời” – thầy Trần Hữu Hòa, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)