Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cùng lắng nghe và chia sẻ

Tạp Chí Giáo Dục

1. Nhà trường không phải là tổ chức chịu hết trách nhiệm trong việc hình thành nhân cách của học sinh (HS), mà gia đình và xã hội cũng phải chung tay. Mỗi HS cá biệt luôn có những hoàn cảnh sống không bình thường. Là giáo viên đứng lớp, các thầy cô giáo luôn tìm cách chia sẻ, động viên, giúp đỡ để các em có thể vươn lên, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Điều mong muốn của những người làm việc với phấn trắng bảng đen là gia đình và xã hội đừng “bôi bẩn” những đứa trẻ rồi mang đến giao cho nhà trường như là một thách thức tay nghề. Và việc giáo dục không thành công những đối tượng cá biệt này khiến lương tâm người thầy luôn day dứt.
2. Đối với bậc THCS, HS nghịch phá là chuyện bình thường vì đây là đặc điểm lứa tuổi của các em, nhất là HS lớp 8. Vì vậy, thầy cô giáo phải bỏ sức “gia công” rất nhiều trong việc giáo dục các em. Do đó, để quá trình “trồng người” đạt hiệu quả cao hơn cần phải cung cấp đầy đủ lực lượng giám thị có trình độ chuyên môn nghiệp vụ (6 lớp/giám thị); phải thành lập những trường chịu trách nhiệm giáo dục HS cá biệt để khi cần có thể gửi các em vào đây học thay vì buộc thôi học (việc này các thầy cô giáo không cam lòng, nhưng nếu tiếp tục để các em ở lại trường sẽ tạo nên hiện tượng lây lan gây khó khăn cho việc giáo dục các HS khác); các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường cần có một cái nhìn công tâm hơn đối với một vụ việc về xử lí kỷ luật trong nhà trường. Đừng để chỉ cần xảy ra một sự việc gì gây xôn xao dư luận thì suốt năm học đó, bao công lao phấn đấu của người thầy trong trường đều bị phủ nhận hoàn toàn.
3. Vấn đề bạo lực trong nhà trường đã xảy ra từ lâu chứ không phải bây giờ mới có. Cách đây 20 năm, khi còn làm chủ nhiệm lớp, bản thân tôi cũng phải đến từng gia đình HS để giải quyết việc các em đánh nhau gây thương tích. Và vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta giải quyết như thế nào để nó ít xảy ra chứ không thể nói là để – đừng – xảy – ra. Bởi, nếu nó không xảy ra trong nhà trường mà mang ra ngoài xã hội thì sự việc sẽ còn nguy hiểm hơn. HS yếu, kém thường gây gổ đánh nhau hay nghịch ngợm hơn những HS khá giỏi, đó cũng là một việc bình thường trong tâm sinh lý lứa tuổi thích khẳng định mình. Vì vậy, theo tôi, hành vi bạo lực trong nhà trường của HS là chuyện tất nhiên. Việc nhà trường cần làm là giúp HS “không rảnh” để đánh nhau. Đối với vấn đề này, gia đình và xã hội cần phải góp tay với nhà trường trong việc giáo dục thế hệ trẻ, không thể “đá quả bóng” về phía nhà trường để rồi “kêu lên” ngành giáo dục không hoàn thành nhiệm vụ, trong khi nhà trường đang giành giật lấy HS trước biết bao nhiêu cám dỗ của đời sống.
Có thể nói, xã hội luôn coi việc các nhà giáo hy sinh cho sự nghiệp giáo dục là một việc đương nhiên, nên nhiều giáo viên suốt đời “cho đi” mà không được nhắc tới (nhiều quá nhắc sao cho hết). Nhưng có một vài tiêu cực của thầy cô lại được xã hội bàn tán, phân tích làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của “người cầm phấn”, từ đó gây mất niềm tin nơi phụ huynh và HS. Rõ ràng việc làm này là “lợi bất cập hại” thế mà không thấy ai lên tiếng? Hãy xem những hành vi tiêu cực này chiếm bao nhiêu phần trăm trong số các nhà giáo hy sinh suốt cuộc đời cho công tác “trồng người”?
Huỳnh Nghề
(Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình, Q.5, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)