Nội dung chương trình văn học vẫn còn nặng so với trình độ tiếp thu của HS THCS. Ảnh: P.N.Q
|
Ở bộ môn văn bậc THCS, nhiều giáo viên cho rằng Bộ GD-ĐT giảm quá ít và chưa hợp lý, đặc biệt là trong nội dung chương trình lớp 7, khiến giáo viên mất nhiều thời gian trong công tác chuẩn bị bài giảng.
Cô Phạm Thị Vân Hương – Tổ trưởng môn văn, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1): Cần giảm những bài chưa hợp lý
Ở Việt Nam, mỗi năm học sinh (HS) phải học hàng chục tác phẩm văn học, nhưng hầu như tác phẩm nào cũng mơ màng, sau một thời gian ngắn sẽ quên. Vì thế, khi Bộ GD-ĐT giảm tải nội dung chương trình, chúng tôi đã đặt rất nhiều hi vọng nhưng cuối cùng vẫn thấy rằng việc giảm tải chưa bài bản, chưa triệt để. Cụ thể, ở chương trình lớp 7, HS học văn nghị luận, nhưng không hiểu sao bộ lại đưa bài “Bố cục văn bản nghị luận” thành bài đọc thêm, còn cách làm bài nghị luận thì đưa ra chỉ đạo rất khó hiểu là “Sử dụng ngữ liệu phù hợp hơn”, điều đó khiến giáo viên phải loay hoay đi tìm ngữ liệu mà không biết đã phù hợp chưa. Hay phần văn học Trung Quốc, tại sao không giảm bớt đi vì chúng hơi khó với HS lớp 7. Bài “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh hay nhưng hình như không hợp lắm với các em trong giai đoạn này, còn bài “Chuyện cổ tích loài người” gần gũi hơn thì lại bỏ. Ở chương trình lớp 9 cũng có những văn bản hay đề cập đến những vấn đề thiết thực góp phần rèn luyện kĩ năng sống cho HS như bài “Bến quê” hay “Bức tranh” của Nguyễn Minh Châu thì giảm tải, trong khi đó văn bản “Hai đứa trẻ” (Mác-xim Goóc-ki) và bài “Tuyên bố về quyền sống còn của trẻ em” có nội dung chưa thiết thực lắm thì lại không giảm.
Chúng tôi nghĩ giảm tải là làm cho chương trình nhẹ bớt đi, tập trung vào một số tác phẩm đặc sắc tiêu biểu để văn chương thực sự làm tròn các chức năng: giáo dục, thẩm mĩ… của mình. Vì vậy, nếu có thể Bộ GD-ĐT nên giảm những phần văn bản không đem lại ích lợi nhiều. Chẳng hạn khi dạy về kịch, SGK lớp 9 có hai đoạn trích từ hai vở: “Tôi và chúng ta” và “Bắc Sơn” nội dung khá dài và chưa thiết thực, đúng ra có thể chọn một vở kịch ngắn hay nào đó để giúp HS có cái nhìn trọn vẹn về thể loại để từ đó các em có thể đóng hay viết kịch (ở mức độ đơn giản).
Ngoài ra sự sắp xếp chương trình học của bộ có chỗ chưa hợp lí. Cụ thể: học kì II lớp 9 HS mới được học cách làm văn bản nghị luận về một sự việc hiện tượng và nghị luận về một tư tưởng đạo lí nhưng từ lớp 8 trong các bài kiểm tra HS đã thường xuyên phải viết văn bản nghị luận xã hội. Ngoài ra, chúng tôi mong mỏi bộ giảm một số bài kiểm tra. Có thể nói không có bộ môn nào “say mê” chấm bài như môn văn: 5 bài hệ số 1, 6-7 bài hệ số 2 cộng thêm bài học kì nên GV không còn thời gian chăm lo cho bài dạy.
Cô Đinh Thị Ngọc Nhung, Tổ trưởng môn văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình): Nội dung chương trình lớp 7 quá ôm đồm
Nội dung giảm tải ở môn văn vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn của GV bởi nội dung chương trình vẫn còn quá nhiều và còn một số phần bất hợp lý. Ở lớp 6, phần văn bản về “Con rồng cháu tiên” có nhiều nội dung hay, giáo dục HS về truyền thống yêu nước lại bị cắt giảm. Trong khi đó, bài “Ẩn dụ và hoán dụ” hơi khó cho trình độ HS lớp 6 đáng lẽ nên giảm để sang lớp 8 và 9 các em học sẽ hiểu hơn thì bộ lại chưa giảm. Chương trình lớp 7 giảm một số bài trong phần văn bản khá ổn, tuy nhiên phần văn học trung đại với những bài như “Bạn đến chơi nhà”, “Qua đèo Ngang”… rất khó với trình độ tiếp thu ở lứa tuổi các em. Những bài văn này dạy cho HS lớp 9 thì phù hợp hơn. Hay phần văn nghị luận trong chương trình lớp 7 rất khó, chưa phù hợp với lứa tuổi các em. Theo tôi, chương trình lớp 7 còn khá nặng so với trình độ tiếp thu của HS bởi các em vừa phải học văn học trung đại, vừa học văn học dân gian, lại vừa học văn học nước ngoài.
Trong khi đó, nội dung chương trình lớp 8 có giảm nhưng chưa nhiều. Đặc biệt, giảm bớt các phần trùng lặp chưa hẳn mang lại hiệu quả tối ưu cho HS bởi nhiều khi kiến thức cơ bản lớp dưới trùng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho kiến thức lớp trên. Chẳng hạn, lớp 8 giảm bài “Cấp độ khái quát nghĩa của từ”, lên lớp 9 các em học bài “Tổng kết từ vựng”, bài này HS cần nắm bắt cơ bản phần cấp độ khái quát nghĩa của từ thì mới hiểu rõ bài học.
Theo tôi, khi giảm tải chương trình, Bộ GD-ĐT nên đưa ra các nội dung phù hợp với trình độ tiếp thu của từng lứa tuổi HS, đồng thời không nên ôm đồm quá nhiều như ở chương trình lớp 7 để HS có thời gian học kỹ về thể loại văn học, có như thế các em sẽ ghi nhớ kiến thức sâu và rộng hơn.
Dương Bình (ghi)
Bình luận (0)