Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Chuẩn bị quá vội vàng

Tạp Chí Giáo Dục

Từ năm học 2018-2019, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được triển khai đại trà ở lớp 1, thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10; những năm tiếp chương trình sẽ thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khó thực hiện được vì thời gian quá gấp.

Theo lộ trình, năm học 2018-2019, chương trình mới sẽ được triển khai đại trà ở lớp 1 (HS lớp 1 Trường TH Tân Túc, huyện Bình Chánh trong lễ khai giảng năm học 2016-2017). Ảnh: D.Bình

Phải làm chậm lại

Vừa qua, Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới đã giải trình nhiều ý kiến liên quan đến chương trình mới. Theo lộ trình, năm học 2018-2019, chương trình mới sẽ được triển khai đại trà ở lớp 1; dạy thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10. Năm học 2018-2019 sẽ triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6; dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Năm tiếp theo sẽ triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Với cách thực hiện “cuốn chiếu” này, đến năm học 2022-2023 chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, theo nhiều ban giám hiệu và chuyên gia thì việc thực hiện này quá vội vàng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, dự thảo chương trình mới quá sơ sài, không có chương trình cụ thể, cách dạy cụ thể, ít nhất cũng phải có sách giáo khoa để đánh giá. “Giáo dục không nên làm đồng loạt, ở đâu cũng giống nhau, phải tùy vào đặc điểm từng địa phương, từng môn học để cải tổ. Ít nhất, những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội cần được cải tổ trước, nơi nào làm hay thì những nơi khác sẽ làm theo chứ không nên làm theo kiểu tập trung, bao cấp”, ông Tống nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, TP.HCM cho biết: “Theo tôi, sự chuẩn bị cho chương trình mới còn vội vã. Chương trình sách giáo khoa theo chương trình mới hiện chúng tôi chưa biết như thế nào, viết theo định hướng ra sao, dạy những gì? Hơn nữa, trình độ mỗi vùng miền ở nước ta khác nhau, chưa kể vùng nông thôn và thành phố khó có thể dùng chung một bộ sách giáo khoa”.

Theo thầy Khoa, đội ngũ giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chương trình mới này, nhưng các trường đào tạo sư phạm liệu có đáp ứng đủ lực lượng để đào tạo sinh viên mới và bồi dưỡng hàng ngàn giáo viên đang giảng dạy hay không? Từ những băn khoăn trên, thầy Khoa cho rằng, chương trình mới xây dựng có tính tiên tiến, hiện đại nhưng để thực hiện được cần có thời gian lâu dài nhằm chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên…

Từ những phân tích trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng dự thảo chương trình mới quá vội vàng, phải làm chậm lại, nghiên cứu cho kỹ, làm kế hoạch, trong kế hoạch này phải có sự tham gia của giáo viên, để giáo viên nêu thực tế rồi mới thực hiện.

Khó giải quyết bài toán sĩ số HS

Ban Phát triển chương trình mới cho rằng với việc thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, các địa phương sẽ có đủ thời gian chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi tại các trường phổ thông, rất khó để thực hiện được điều này.

Thầy Cao Đức Khoa, cho rằng: “Nội dung chương trình mới đưa ra rất hay nhưng còn phải tính đến nhiều yếu tố khác như đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu…”. Từ những yếu tố này, thầy Khoa phân tích: Chương trình mới đòi hỏi HS tự học, thực nghiệm nhiều nên cơ sở vật chất, trang thiết bị, sĩ số lớp học phải giảm để đáp ứng yêu cầu này. Trong khi đó, thành phố lại chịu áp lực về dân số, sĩ số lớp hiện nay là 40-45 HS/lớp, thậm chí là 50 HS/lớp; những môn thực hành như lý, hóa, giáo viên thường chia 3-4 nhóm và 1-2 em làm thực hành để các bạn đứng xem. Nếu theo chương trình mới, mỗi HS tự tay thực hiện thì với sĩ số như hiện nay là rất khó. “Trong vòng 3-5 năm liệu chúng ta có xây dựng đủ trường lớp để giảm sĩ số nhằm đáp ứng yêu cầu này được không?”, thầy Khoa băn khoăn.

Nếu năm học 2018-2019, triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1, các địa phương phải phối hợp với ngành GD-ĐT để năm học này ưu tiên HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Theo lộ trình tiếp theo, năm thứ 2 thực hiện chương trình mới sẽ giải quyết vấn đề cơ sở vật chất cho HS lớp 1, 2 được học 2 buổi/ngày.

Thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Với chương trình mới, HS TH sẽ học 2 buổi/ngày nhưng không phải trường nào cũng đáp ứng được. Hiện trường chúng tôi chỉ đáp ứng được 60% HS học 2 buổi/ngày, nếu theo lộ trình của chương trình mới thì 6 năm nữa chúng tôi phải xây trường mới. Không chỉ trường chúng tôi mà nhiều trường khác cũng phải thực hiện, vậy thành phố có đáp ứng được không?”.

Về vấn đề này, thầy Võ Phương Bình, Hiệu trưởng Trường TH Ngô Quyền, Q.Bình Tân, TP.HCM cũng nêu thực tế: “Trường hiện có 2.323 HS nhưng chỉ có 556 em học 2 buổi/ngày (hơn 20%). Riêng lớp 1 có 150/400 HS học 2 buổi/ngày. Hiện trường có 11 lớp học 2 buổi/ngày. Theo lộ trình mở rộng trường, năm học 2017-2018 sẽ có 15 lớp, năm học 2018-2019 có 25 lớp học 2 buổi/ ngày. Tuy nhiên, đến năm 2022-2023, 100% lớp học 2 buổi/ngày thì theo lộ trình chúng tôi chưa thể thực hiện được, cùng lắm là 70%”.

Hiện nay, nhiều tỉnh thành đã đảm bảo điều kiện cho trên 90% HS TH học 2 buổi/ngày nhưng một số địa phương tỷ lệ này còn rất ít (chỉ đạt 10-30%) như Cà Mau, Đồng Nai, An Giang… Riêng TP.HCM, năm học 2016-2017 có 80% HS TH học 2 buổi/ngày nhưng ở những quận huyện vùng ven, ngoại thành như Q.Tân Phú, Gò Vấp… thì tỷ lệ này còn khá thấp.

Dương Bình

Bình luận (0)