“Hắn” (cách nói vui về Đặng Triệu Phương – lớp 12A8 trường Nguyễn An Ninh, Q.10, TPHCM), một trong những học sinh giỏi nhất trường. Mới đây, tớ vừa phát hiện “bí mật” của hắn. Đó là khi học, hắn phải photo bài trên giấy A4, co chữ 36 trở lên mà phải dùng kính lúp để đọc!
Bạn biết không, hắn bị khiếm thị đấy! (Hắn bị sự cố với mắt từ năm 7 tuổi).
Và điều khiến chúng tớ ngạc nhiên là tại sao với đôi mắt chỉ nhìn thấy ánh sáng mờ mờ mà hắn lại học quá siêu – siêu hơn những người bạn cùng trường có đôi mắt sáng như chúng tớ?
Một hôm, theo hắn về nhà, tớ khám phá rất nhiều điều thú vị…
Trồng “cây kiến thức”
Trên bàn học của hắn, ngoài những chồng tập vở còn có nhiều tấm mút xốp được thiết kế thành hình cành cây. Hắn bảo đó là các “cây kiến thức”, mỗi cây tương ứng với một môn học. Thấy tớ tròn xoe mắt, hắn giải thích: Do trên lớp không thể chép bài kịp nên hắn chỉ tập trung nghe giảng, đồng thời ghi âm lời thầy cô. Về nhà, hắn mở băng nghe lại rồi tự soạn bài theo cách hiểu của mình.
Với các môn xã hội, hắn chia cột rồi sắp xếp các phần của bài học: nội dung tác phẩm – tác giả – sự kiện lịch sử – mốc thời gian… Soạn bài ra giấy xong, hắn đục lỗ, móc kẽm làm nhánh rồi treo lên “cây kiến thức”. Chẳng hạn, với “cây” văn học, mỗi nhánh đại diện cho một giai đoạn văn học (từ 1930 – 1945, từ 1945 – 1975…). Những tác phẩm có nội dung khái quát thì “mọc” ở tầng thấp nhất, còn những tác phẩm sinh sau đẻ muộn, mang tính minh họa thì được gắn ở tầng cao hơn. Nhờ cách sắp xếp này mà khi ôn tập, hắn dễ dàng “túm” được bài học mình cần tìm…
Những tấm bảng ngộ nghĩnh
Chưa hết ngạc nhiên vì cách học các môn xã hội của hắn, tớ tiếp tục choáng khi phát hiện những bảng công thức hắn thiết kế để học các môn tự nhiên. Hắn “bật mí”: “Khi học lượng giác, tớ làm hẳn một chiếc đồng hồ đặc biệt. Trên đó, các số từ 1 – 12 (để chỉ thời gian trên đồng hồ) được tớ thay thế bằng số đo các góc (1/4, 3/4…). Chỉ cần điều chỉnh kim đồng hồ là tớ có thể tạo ra các góc tương ứng”.
Ngoài ra, hắn còn thích dùng phương pháp liên tưởng. Chẳng hạn, khi học hình học không gian, hắn liên tưởng căn phòng mình đang ở như một hình tứ giác, còn các bức tường xung quanh là cạnh. Có hình ảnh cụ thể trong đầu, hắn cảm thấy dễ dàng hơn khi tính toán. Chính nhờ cách học tự “phăng” này mà điểm môn toán của hắn không khi nào dưới 9,5.
Ra về, tớ vẫn nhớ hoài lời tâm sự của hắn: “Tất cả môn học đều mang hơi thở cuộc sống, gắn liền với thực tế nên với tớ, chúng quan trọng như nhau. Thích tìm tòi sáng tạo, nên dẫu đôi mắt gần như mù lòa, tớ vẫn thấy ánh sáng rực rỡ của kiến thức”. Nhìn cách hắn đương đầu với khó khăn, cách hắn độc lập trong cuộc sống, tớ tin cậu bạn của mình sẽ tìm thấy tương lai tươi sáng.
Theo Thúy Vy/Mực Tím
Bình luận (0)