Những bàn nhậu vui kiểu… SV |
Những ngày cuối năm, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa vùi đầu vào sách vở hay lo tìm công việc làm thêm để kiếm khoản thu nhập ít ỏi thì một bộ phận không nhỏ sinh viên (SV) lại tụ tập nhậu nhẹt.
Thực tế… nhậu
Nếu có dịp dạo qua những quán nhậu bình dân xung quanh khu vực làng ĐH Thủ Đức vào mỗi tối, nhất là những ngày cuối tuần, mọi người mới thấy hết sự nhộn nhịp ở đây. Lẫn trong khoảng không gian chật hẹp tại các quán nhậu… lề đường là những bàn nhậu “made in… SV”. SV vô quán đều đang học ở các trường ĐH, CĐ quanh khu vực Q.9, Thủ Đức. Anh Minh Đạt, chủ một quán nhậu bình dân ở làng ĐH Thủ Đức cho biết: “Không riêng gì những ngày nghỉ và ngày lễ, những ngày bình thường quán cũng có vài bàn mà khách ngồi nhậu là… SV”. Tới quán M. gần Trường ĐH TDTT TP.HCM vào chiều ngày chủ nhật giữa tháng 12, chúng tôi không cần phải nhìn lâu cũng nhận biết được bàn nhậu nào là của “ét vê”. Những tiếng cụng ly chan chát, tiếng la “dô 100%” của các đối tượng này luôn thu hút được sự chú ý của những người trong quán. Nhanh chóng chọn một chỗ ngồi để quan sát, chúng tôi được nghe những mẩu đối thoại thú vị xung quanh chuyện giảng đường – học hành thi cử, học phí và chuyện tiền nong trong cuộc sống hằng ngày. Đang “thuận buồm xuôi gió” thì một SV lên tiếng: “Uống vừa thôi tụi mày, ngày mai tao có môn thi”. Ngay lập tức, một SV khác xen vào: “Rớt thì học lại có gì mà lo”. Nói xong, cả nhóm lại tiếp tục “cuộc chiến” dù dưới gầm bàn đã la liệt những vỏ chai bia. Không riêng gì làng ĐH Thủ Đức, khu vực Thanh Đa (Bình Thạnh) hay bất cứ khu nhậu bình dân nào ở ngoại thành cũng đều thấy bóng dáng SV. Chị Minh, chủ quán nhậu trên đường Trần Não (Q.2) “bật mí”: “Tiếng là SV nhưng nhậu cũng ra trò lắm. Nhiều nhóm “quậy tới bến” luôn. Mấy ông khách quen tới đây nhìn tụi nó uống cũng lắc đầu… chào thua”.
Sinh viên tổ chức nhậu ngay tại phòng trọ là giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí và đảm bảo vệ sinh. Bất cứ ai khi bước vào phòng trọ của Hoàng Vinh (SV Trường CĐ GTVT 3) đều phải bịt mũi lắc đầu. Bay khắp phòng là một thứ mùi “tổng hợp” đến nỗi không ai đoán ra đó là mùi gì. Nơi góc nhà, chảo, nồi, bát dĩa bày la liệt. Tất cả đều là sản phẩm sau một đêm “chén tạc chén thù” của nhóm SV ở đây. Như để giải thích cho sự bẩn thỉu, bừa bộn, Vinh nói: “Ở mãi cũng quen rồi, phòng mình cứ vài ba hôm lại nhậu. Nhiều khi bên phòng bạn bè chật, chúng nó lại kéo sang đây”. Điều đáng nói là đối tượng tham gia “hội nghị bàn tròn” còn có mặt các “bóng hồng” nên càng làm không khí bàn tiệc thêm “đình đám”. Và để khẳng định thêm quan điểm “nam nữ bình quyền”, những bàn nhậu do phái đẹp chủ trì cũng dần xuất hiện, cũng “dzô” mãnh liệt không thua kém cánh mày râu.
Và hậu quả…
Cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc nhưng hậu quả để lại sau những chầu nhậu thì khó lường. “Hồi mới nhập học, ai cũng bảo mình to con vạm vỡ, ăn nhậu riết giờ trông người hom hem như con mắm. Tiền bố mẹ gửi vào tháng này phải gối đầu tháng kia. Và điều quan trọng là sức học của mình càng ngày càng sa sút. Hôm nào nhậu xong là y như rằng lên lớp người mệt rã rời, ngồi nghe giảng mà chỉ chờ thầy cô giáo không để ý là úp mặt xuống bàn thôi” – Hoàng Vinh (ĐH Văn Hiến) rầu rĩ cho biết. Rất nhiều SV chỉ vì “ham nhậu” phải nghỉ học bởi không còn sức để ngồi suốt một buổi trên giảng đường. Số còn lại chấp nhận lên lớp với một cơ thể lẫn tinh thần mệt mỏi nên không còn tâm trí tập trung vào bài học. Còn trong mắt bạn bè và nhiều người khác, vô tình họ trở thành sự khó chịu, bởi không ai chịu nổi mùi bia rượu nồng nặc toát ra từ cơ thể các… bợm này. Như Quỳnh (SV ĐH Kiến trúc TP.HCM), hàng xóm của một “bợm nhậu” than thở: “Cứ cách vài hôm là phòng kế bên lại tổ chức nhậu. Đi học về chỉ muốn nghỉ ngơi một lát cũng không được nên đành chịu trận. Khổ nhất là vào mùa thi cử, nhiều lúc muốn tìm một không gian yên tĩnh để học cũng không có”. Thiết nghĩ, đã đến lúc những “bợm nhậu” cần xem lại cách sống của mình để không làm ảnh hưởng đến kết kết quả học tập, ảnh hưởng đến tương lai và không làm méo mó đi hình ảnh đẹp đẽ về SV trong mắt mọi người.
Ngọc Anh
Có… 1.001 lý do để các bạn SV kéo nhau ra quán nhậu, nhiều khi chỉ vì một lý do nhỏ bằng… cái kẹo như được nhận học bổng. Thanh Minh (ĐH Văn Hiến) chia sẻ: “Có lần, tôi nhận học bổng được 800.000 đồng, hết các bạn trong lớp, đến lượt bạn ở cùng phòng trọ đòi “khao”. Số tiền nhận được qua mấy “chầu” chẳng mấy chốc đã hết vèo. Suy đi tính lại, công sức cố gắng cả năm học chẳng đủ để khao bạn bè”. |
Bình luận (0)