Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Đi xe gắn máy về quê ăn tết: Cần đề phòng tai nạn

Tạp Chí Giáo Dục

Một vụ tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Hữu Thọ – Nhà Bè. Ảnh: Trọng Tri

Hằng năm, cứ vào những dịp lễ, tết thì những người dân sinh sống và làm việc tại TP.HCM sẽ tranh thủ về quê thăm người thân, bạn bè và sum họp gia đình. Thông thường người dân ở các tỉnh thành gần TP.HCM thì chọn phương tiện đi lại bằng xe gắn máy vì thuận tiện, chủ động được thời gian. Thế nhưng có một số người vì tranh thủ về đến nhà sớm đã phóng nhanh vượt ẩu, gây ra tai nạn cho các phương tiện cùng tham gia giao thông.
Cẩn thận để bảo vệ tính mạng
Vào thời điểm này, nhiều phương tiện vận tải cùng tham gia lưu thông nhiều hơn, vì phải chở hàng hóa để cung cấp cho thị trường tết và nhiều loại phương tiện khác phục vụ vận chuyển hành khách về quê. Cho nên, có thể nói đây là thời điểm có tình hình trật tự giao thông phức tạp nhất trong năm, nhất là trên các tuyến đường quốc lộ, các tuyến đường liên tỉnh lộ sẽ rất đông và dễ gây tai nạn hơn ngày thường. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào cuối tháng 11-2008, tại km 1824+500 QL1A thuộc địa phận xã Suối Tre, thị xã Long Khánh (Đồng Nai) tai nạn nghiêm trọng làm chết 3 người tại chỗ. Vào thời điểm này, xe ô-tô tải 1,5 tấn mang biển kiểm soát (BKS) 60M-96… do N.T.Đ điều khiển, chở P.Q.V và L.T.T.S (cả 3 ngụ tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) lưu thông từ hướng TP.HCM đi Bình Thuận lấn trái đường đụng vào xe tải đầu kéo BKS 79D-34… do H.N.T (SN 1983, tại Ninh Thuận) lưu thông theo hướng ngược lại. Hậu quả, Đ., V. và S. chết tại chỗ. T. và B. (đi cùng xe với T.) bị thương nhẹ. Trước đó, chỉ cách vài giờ đồng hồ, tại Km 1773+900 QL1A, thuộc ấp 2, Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc. Xe ô-tô tải BKS 60L- 97… do N.V.P (SN 1976, tại Đồng Nai) lưu thông hướng từ TP.HCM đi Bình Thuận đụng vào xe ô-tô con BKS 29S-22… do P.T.N điều khiển đi hướng ngược lại. Hậu quả, N. cùng với 2 người đi trên xe là N.B.T và T.V.P (cùng ngụ tại Bình Thuận) chết tại chỗ, 2 người khác (cũng đi trên xe của N.) bị thương nặng. Nguyên nhân, người điều khiển xe ô-tô tải BKS 60L-97… đi không đúng phần đường.
Lỗi nhỏ hậu quả lớn
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2008, trên địa bàn cả nước xảy ra 11.522 vụ tai nạn giao thông, làm chết 10.397 người và bị thương 7.413 người. So với năm 2007, giảm 13,3% về số vụ, 12,7% người chết và giảm 24,8% số người bị thương; với con số cụ thể là trên 10.000 người bị tử nạn vì tai nạn giao thông. Trong tổng số vụ tai nạn giao thông kể trên thì giao thông đường bộ chiếm đến 94% số vụ, 97% số người chết và 96% số người bị thương. Nhưng dù sao thì cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ đều giảm so với năm 2007. Theo phân tích của các cơ quan chức năng, nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông chủ yếu do người tham gia giao thông tự gây ra; còn do chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện cơ giới đường bộ theo phân tích chỉ chiếm 1% số vụ; hay tai nạn vì kết cấu hạ tầng cũng chỉ chiếm khoảng 1,8% số vụ.
Tai nạn giao thông xảy ra thường do một lỗi nhỏ nhưng lại gây nên hậu quả nghiêm trọng có khi làm cho người đi trên xe phải mất mạng, cũng có khi gây nên thương tật suốt đời trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Như vụ tai nạn do N.H.C (SN 1983, ở  ấp 4, xã Tân Quý Tây, Bình Chánh, TP.HCM) điều khiển xe môtô BKS 52N9-43… đến Km 15, QL62 thuộc địa bàn xã Tân Đông thì xảy ra tai nạn với xe môtô BKS 53S1-50… do N.T.T (ở 410 Nơ Trang Long, Phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM) điều khiển chở vợ là T.T.T.M và con N.T.T.P, 4 tuổi, đang lưu thông theo chiều ngược lại. Hậu quả làm anh T. tử vong, chị M., cháu P. và C. bị xây xát. Nơi xảy ra tai nạn là đoạn đường nhựa thẳng, rộng 6m có vạch sơn phân luồng xe, khi ấy đường vắng chỉ có 2 xe lưu thông ngược chiều nhau. Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do C. điều khiển xe không làm chủ tốc độ, đâm sang trái đường, đụng vào xe môtô của T. đi chiều ngược lại. C. thừa nhận rằng, khi điều khiển xe lúc đó, do lơ đãng không nhìn rõ hướng đi, khi phát hiện phía trước có xe ngược chiều chỉ còn cách khoảng 4m nên giật mình, thay vì tránh sang phải là phần đường của mình, lại lấn qua trái và tai nạn đã xảy ra. Sau đó, C. bị truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điều 202 Bộ luật Hình sự. Tòa đã tuyên phạt C. 15 tháng tù và phải bồi thường cho chị M. tổng cộng 88.295.000 đồng.
Thiết nghĩ, nguyên nhân của những vụ tai nạn vừa kể trên là do số lượng xe máy tăng nhanh, trong khi ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân và công tác tổ chức quản lý giao thông của địa phương còn hạn chế, đường giao thông đã được cải thiện nhưng thiếu đồng bộ.
Thực tế, trên các tuyến quốc lộ có nhiều con đường đấu nối nhưng không có biển báo hay đèn báo hiệu. Để việc lưu thông trên đường được đảm bảo an toàn thì người điều khiển xe khi tham gia giao thông phải cẩn thận, chở đúng số người mà luật cho phép, không vượt quá tốc độ qui định. Đặc biệt, chú ý các biển báo hiệu trên đường, luôn quan sát tốt hai bên đường, đề phòng tai nạn có thể xảy ra.
Hà Anh
Đáng chú ý là tai nạn liên quan đến mô-tô, xe gắn máy chiếm đến gần 74% về số vụ. “Thời điểm đen” xảy ra tai nạn thường là ban đêm, có trên 43% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian từ 18 giờ-23 giờ. 
 

Bình luận (0)