Các em HS Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (Q.Tân Bình) hào hứng trả lời câu hỏi về kiến thức Luật ATGT |
Chỉ trong thời gian hai tiết học, nhưng các em học sinh (HS) Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn và Lương Thế Vinh (Q.Tân Bình) đã có những trải nghiệm thú vị về an toàn giao thông (ATGT) trong chương trình “ATGT cho nụ cười trẻ thơ” do nhà trường và Công ty Honda Visacoop thực hiện.
Sân chơi trí tuệ về giao thông
Tại sân chơi này, các em đã được thể hiện những hiểu biết về Luật ATGT, văn hóa giao thông khi lưu thông trên đường qua các phần thi đố vui, trò chơi mang tính thực tế. Trong phần thi đoán biển báo hiệu giao thông, nhiều bạn nhỏ đã vận dụng xuất sắc những kiến thức đã được giáo viên dạy về Luật ATGT dù biển báo hiệu đường bộ khá nhiều. Các biển báo được chia làm 5 nhóm, trong đó có 4 nhóm biển báo chính và 1 nhóm biển phụ với những hình dạng, màu sắc khác nhau: Nhóm biển báo cấm có dạng hình tròn (trừ biển báo “Dừng lại” có hình 8 cạnh đều), biển có viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ màu đen đặc trưng cho điều cấm hoặc hạn chế sự đi lại của các phương tiện cơ giới, thô sơ và người đi bộ. Nhóm biển báo nguy hiểm có dạng hình tam giác đều, viền đỏ, nền màu vàng, trên có hình vẽ màu đen mô tả sự việc báo hiệu nhằm báo cho người sử dụng đường biết trước tính chất các sự nguy hiểm trên đường để có biện pháp phòng ngừa, xử trí. Nhóm biển hiệu lệnh có dạng hình tròn, nền màu xanh lam, trên nền có hình vẽ màu trắng đặc trưng nhằm báo cho người sử dụng đường biết điều lệnh phải thi hành. Nhóm biển chỉ dẫn có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông, nền màu xanh lam nhằm báo cho người sử dụng đường biết những định hướng cần thiết hoặc những điều có ích trong hành trình…
Đang là lứa tuổi tiểu học nên việc đi lại hằng ngày của các em phần lớn đều do phụ huynh đưa đón. Nhưng không phải lúc nào vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ khi lưu thông trên đường cũng được các bậc phụ huynh chú trọng. Đôi khi, những sai sót nhỏ hằng ngày có thể dẫn đến sự nguy hiểm đối với tính mạng của trẻ nếu không được kịp thời uốn nắn, sửa chữa. Thông thường, khi ngồi trên xe, trẻ có thói quen quay ngang quay ngửa làm ảnh hưởng đến sự cân bằng của xe và sự tập trung của người điều khiển. Chưa kể, nhiều em còn có sở thích đứng lên thanh để chân khiến cơ thể dễ bị ngã và khó giữ được thăng bằng, thậm chí bị kẹt chân vào bánh xe. Một số em khác có kiểu ngồi quay lưng lại người lái xe, kiểu ngồi này được coi là rất nguy hiểm do tư thế không vững, dễ bị ngã khi xe phanh gấp hoặc chuyển hướng. “Từ những dẫn chứng các chú đưa ra, em đã biết cách giữ an toàn khi ngồi sau xe máy, xe đạp là phải thẳng lưng, ôm eo người lái xe, đầu gối khép nhẹ vào hông của người điều khiển xe ở phía trước và hai chân đặt lên thanh để chân phía sau”, Thùy Vân, HS lớp 2 mạnh dạn trả lời.
Bảo vệ con từ những thao tác nhỏ
Nhiều phụ huynh thường hay chủ quan, “quên” cho con mình đội mũ bảo hiểm (MBH) vì sợ vướng víu hoặc mất thời gian. Chính vì thế, rất nhiều em nhỏ mới chỉ thực hiện thao tác đưa mũ lên đầu rồi gài chốt lại chứ chưa thực hiện các thao tác kiểm tra độ an toàn của mũ dành cho người đi đường khi tham gia phần thi đội MBH. Dưới sự chỉ dẫn của các hướng dẫn viên, các em đã biết bốn bước an toàn khi đội mũ. Em Huỳnh Bảo Trân, HS lớp 3 cho biết, em đã thực hiện thuần thục các thao tác cơ bản như mở quai mũ sang hai bên, sau đó đội mũ lên đầu rồi xoay sang hai bên để kiểm tra xem mũ đã vừa với đầu chưa. Tiếp theo, cài dây quai mũ để tránh việc mũ văng ra ngoài, sẽ không có tác dụng bảo vệ đầu và gây ra tai nạn cho người đi đường. “Thao tác cuối cùng là đưa hai ngón tay của mình xuống phía dưới cằm kiểm tra xem quai mũ đã vừa chưa. Nếu vừa hai ngón tay có nghĩa là dây quai mũ đạt chuẩn, không quá chật hay quá lỏng. Trong trường hợp mũ quá lỏng hoặc quá chật, em có thể nhờ bố mẹ hoặc anh chị chỉnh lại cho mình để vừa thoải mái, vừa tạo sự an toàn cho chính mình” – Trân chia sẻ.
Ngoài xe gắn máy, các em cũng rất hay sử dụng xe đạp là phương tiện đi lại trong phạm vi gần nhà. Các bậc phụ huynh có mặt trong chương trình cũng được hướng dẫn cách lựa chọn kích cỡ xe phù hợp với con em mình bởi kích cỡ không phù hợp sẽ gây khó khăn cho trẻ trong việc xử lý khi bất ngờ gặp tình huống nguy hiểm trên đường. Ngoài ra, kiểm tra xe đạp hằng ngày cũng là biện pháp được các hướng dẫn viên khuyến khích nhằm đảm bảo trẻ không gặp vấn đề gì đáng tiếc trong quá trình sử dụng. “Phanh là bộ phận quan trọng nhất để giúp giảm tốc độ và tránh va chạm. Lốp quá mòn cũng khiến trẻ gặp khó khăn khi muốn dừng xe lại vì khi đó lốp xe sẽ trượt dài trên đường. Nếu lốp mòn, độ ma sát của xe với mặt đường sẽ giảm và trẻ dễ bị tai nạn. Ngoài ra, chuông xe đạp là cách báo hiệu cho những người cùng tham gia giao thông biết được sự xuất hiện của trẻ. Đây là ba bộ phận cần lưu ý khi kiểm tra xe cho con”, anh Huỳnh Thanh Long, phụ huynh một HS nói về kinh nghiệm học được sau buổi hướng dẫn. Ngoài ra, các em nhỏ cũng được hướng dẫn cách đi với tốc độ vừa phải để có thể dừng lại an toàn khi cần thiết và luôn quan sát tránh các chướng ngại vật trên đường, thể hiện văn hóa giao thông như nhường đường cho người đi bộ, dừng đúng vạch, đi sát lề bên phải…
Bài, ảnh: Tường Linh
Bình luận (0)