Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Xương rồng phố núi”

Tạp Chí Giáo Dục

Mỹ Huệ nhận học bổng “Nhà đầu tư tài ba”

Luôn “chạy đua” trước bạn bè để được tốt nghiệp ra trường sớm chỉ với mục đích giảm một phần gánh nặng trên đôi vai cha mẹ. Bạn Trần Thị Mỹ Huệ (sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) luôn khiến bạn bè phải nể phục về thành tích học tập của mình.
Sống như loài cây “xương rồng”
Nick name “xương rồng” mà bạn bè đặt cho Huệ có lẽ cũng nói lên phần nào tính cách của em – bền bỉ, tự tin và không ngừng vươn lên trước mọi hoàn cảnh. Mỹ Huệ sinh ra và lớn lên tại thị xã núi đồi chập chùng An Khê (Gia Lai). Nhiều năm nay, người cha cũng là thầy giáo của em đã mắc phải căn bệnh viêm gan siêu vi B mãn tính. Và cách nay không lâu, em trai Huệ cũng được phát hiện mắc căn bệnh này. Dù không nói ra nhưng trong mắt Huệ là một khoảng lặng buồn. “Trước đây, hàng tháng, ba em đi tái khám và lấy thuốc điều trị một lần tại Bệnh viện Nhiệt Đới (TP.HCM). Từ ngày em vào ĐH, số lần lấy thuốc cứ thưa dần… Em biết, ba mẹ muốn dành dụm tiền cho em ăn học, cả chữa bệnh cho em trai của em nữa” – Huệ bộc bạch. Ở nhà, Huệ còn một đứa em gái bị dị tật bẩm sinh, lệch 12 đốt xương sống từ nhỏ. Khoản tiền ít ỏi kiếm thêm từ công việc may mặc của mẹ cũng chỉ phụ trang trải được phần nào gia đình. Không tiền đóng học phí, Huệ phải vay vốn ngân hàng chính sách để đóng học phí. “Cô gái Tây Nguyên” đang học ngành tài chính – ngân hàng nhưng ít ai biết thời phổ thông, Huệ từng là dân chuyên văn. Huệ cũng từng đạt học sinh giỏi văn cấp tỉnh năm lớp 9 và 12. Không chỉ văn hay, cô sinh viên nhỏ nhắn này còn viết chữ rất đẹp. Chính nhờ lợi thế này mà mỗi dịp lễ Tết, Huệ nhận bưu thiếp về viết lời chúc mừng. Mỗi dòng trên bưu thiếp, Huệ nhận được 200 đồng tiền công. Mỗi năm, với thời gian hơn 1 tháng, Huệ viết được đến mấy ngàn cái bưu thiếp. Số tiền kiếm được cũng giúp Huệ phần nào chi phí sinh hoạt. Bên cạnh đó, Huệ còn chịu khó đi làm gia sư, phát hành thẻ ATM bán thời gian cho ngân hàng để kiếm sống. Mẹ làm nghề may nên từ nhỏ cô bạn này đã được tiếp xúc với công việc may vá. Mới học lớp 1, Huệ đã được mẹ dạy kết khuy áo để rồi áo quần em mặc bây giờ cũng chính bàn tay mình may.
“Chạy nước rút” để tốt nghiệp sớm
Huệ cho biết, đến năm em gái út học lớp 3, gia đình phải có một khoản chi phí không nhỏ để tiến hành phẫu thuật lấy lại dáng vẻ và sức khỏe cho em. Rồi cậu em trai kế Huệ cũng không bao lâu nữa sẽ vào ĐH. Hoàn cảnh này khiến Huệ đi đến quyết định “táo bạo” là học vượt để tiết tiết kiệm chi phí. Theo đó, toàn bộ thời lượng chương trình phải “tải” trong 4 năm sẽ dồn lại trong 3 năm, nghĩa là thời gian và áp lực học tập tăng lên. Mùa hè của Huệ cũng chỉ gói gọn còn trong vài ngày đến 2 tuần. Ngay cả những giờ học trên lớp, việc chăm chú nghe và ghi tốc ký lời thầy cô giảng giúp em nắm bài rất nhanh. Học chương trình nặng hơn so với các sinh viên bình thường nhưng tên Huệ vẫn thường xuyên có trong danh sách sinh viên được trao tặng học bổng của trường, đoàn hội (học bổng khuyến học của khoa Tài chính – Ngân hàng; học bổng của ĐH Texas Tech (Hoa Kỳ) dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; học bổng của cuộc thi “Nhà đầu tư tài ba”…). Học giỏi nhưng Huệ cũng không quên có mặt trong nhiều hoạt động phong trào trường lớp, tham gia cuộc thi “Rung chuông vàng” của VTV, giải nhất cuộc thi “Thư gửi thầy cô” nhân dịp 20-11, giải nhì hội thi cắm hoa, giải đồng đội cuộc thi “Phương pháp học ĐH” do Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức… 
Học ngành tài chính ngân hàng nhưng Huệ còn mơ ước trở thành cô giáo. Có lẽ em được thừa hưởng lòng yêu nghề từ người cha. Mong được học lên cao học nhưng Huệ tạm dừng ước mơ đó. Bời vì, trước mắt, Huệ muốn ra trường sớm để đi làm nuôi hai em học. Có thể nói trong lòng cô sinh viên này, gia đình là một phần rất quan trọng. “Gia đình là động lực rất lớn để em phấn đấu. Những lúc khó khăn, nghĩ đến sự hy sinh của cha mẹ để nuôi dưỡng và chăm lo em ăn học, em lại có thêm sức mạnh để cố gắng” – Huệ chia sẻ. Cũng dễ hiểu tại sao bạn bè luôn yêu mến, xem Huệ như loài hoa xương rồng của xứ sở Tây Nguyên…
Bài, ảnh: M.T
Mới học lớp 1, Huệ đã được mẹ dạy kết khuy áo. Bây giờ, áo quần Huệ mặc đều do chính bàn tay mình cắt và may.
 

Bình luận (0)