Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đi học cùng… “osin”

Tạp Chí Giáo Dục

Đi học xa nhà, gia đình lại có điều kiện, hành trang của một số sinh viên ngoại tỉnh lên thành phố học còn có thêm một “người giúp việc”.

Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ

Không như những sinh viên khác khi đi học xa nhà là phải ở trọ, Văn Sỹ (trường ĐHDL Thăng Long) sống thoải mái trong căn nhà rất tiện nghi ở khu Cầu Giấy, Hà Nội. Căn nhà này bố mẹ Sỹ mới chỉ mua cách đây mấy tháng, khi con trai đỗ đại học.

Lên Hà Nội cùng Sỹ, còn có thêm một “quản gia”, giúp đỡ coi sóc nhà cửa và chăm lo chuyện ăn uống, sinh hoạt cho cậu chủ. Tuy người quản gia này đã giúp việc gia đình Sỹ từ nhiều năm nay ở Bắc Giang nhưng để trở thành người giúp việc riêng của Sỹ khi lên Hà Nội, trước đó, bác ấy đã phải tham gia một khóa học nấu ăn cấp tốc. Bởi, Sỹ khá kén ăn và xưa nay chuyện ăn uống của gia đình ở dưới quê do mẹ Sỹ đảm trách, người giúp việc chỉ lo dọn dẹp nhà cửa.
Lan Anh (trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) được bố mẹ ở Bắc Ninh thuê cho một căn hộ tập thể ở quận Đống Đa, Hà Nội, để ở trong mấy năm đại học. Bạn bè đến nhà chơi, ngạc nhiên vì lúc nào cũng thấy mọi thứ được lau chùi sạch sẽ, sáng bóng.
Thực ra, những công việc dọn dẹp, lau chùi ấy, rồi cả chuyện nấu nướng, Lan Anh không bao giờ phải đụng tay vào, vì đã có người họ hàng xa ở quê lên ở cùng đảm nhận.
Bố mẹ Lan Anh cho người giúp việc lên ở cùng con gái chủ yếu lo lắng chuyện ăn uống của cô con gái rượu, bởi Lan Anh tự lập và khá chín chắn, song khá “vụng” trong khoản nữ công gia chánh và bị đau dạ dày mãn tính. Vì thế, gia đình sợ, nếu để cô nàng tự túc, sẽ ăn uống thất thường, khiến bệnh nặng hơn.
Người giúp việc giúp tôi trưởng thành hơn!
Bác An – mẹ Sỹ, cho biết: “Tính Sỹ nhiều khi mải chơi, bốc đồng, dễ bị bạn bè tác động nên để Sỹ lên Hà Nội một mình bác không yên tâm. Mà bác thì không thể bỏ việc kinh doanh ở đây để lên Hà Nội cùng con được nên phải để một người lên ở cùng Sỹ, vừa là để chăm sóc nó, nhưng cũng để tiện giám sát, quản lý, có vấn đề gì còn báo về nhà kịp thời ”.
Bố mẹ Sỹ thẳng thắn với con ngay từ đầu: “Chính vì con khiến bố mẹ không yên tâm, nên mới phải để bác ấy đi cùng”.
Vậy là, Sỹ hiểu mình phải chứng minh cho bố mẹ thấy mình có thể tự lập và đã chín chắn hơn. Sỹ tập trung học, không còn mải chơi như trước. Ngoài giờ học, Sỹ xin làm thêm ở một nhà hàng Nhật để thực hành tiếng Nhật và học hỏi thêm các kỹ năng giao tiếp, ứng xử.
Tất nhiên, qua báo cáo của bác giúp việc, bố mẹ Sỹ rất vui, nhưng vẫn để người giúp việc tiếp tục ở Hà Nội cùng, bởi căn nhà quá rộng, cũng cần người coi sóc. Hơn nữa, sang năm tới, em trai Sỹ cũng lên Hà Nội học, nên bố mẹ muốn có người thân tín thay mình quản lý và chăm sóc hai quí tử.
Biết bố mẹ còn chưa yên tâm vì mình nên phải cố gắng “gánh” thêm một khoản trả cho người giúp việc, Lan Anh chủ động xắn tay vào làm và học nấu nướng. Sau một thời gian ngắn, Lan Anh có thể tự mình đi chợ rồi nấu một bữa ăn hoàn chỉnh cho hai người.
Không muốn bố mẹ phải chi trả quá nhiều tiền cho mình, nhưng cũng không muốn phải từ bỏ công việc làm thêm và các sở thích cá nhân, Lan Anh cố gắng sắp xếp thời gian biểu hợp lý. Còn người giúp việc sau ba tháng lên Hà Nội, chủ động xin nghỉ tìm việc ở nhà khác, vì “Lan Anh giờ có thể tự chăm sóc mình, không cần thêm một người nữa” – cô Nụ (giúp việc cũ của Lan Anh) nói với bố mẹ cô nàng như vậy.
Thu Hằng (trường ĐHDL Thăng Long) vẫn để cô bạn giúp việc bằng tuổi mình ở cùng, nhưng cũng không còn quá lệ thuộc mà thỉnh thoảng cùng làm. Bởi, “sau khi biết bạn ấy bằng tuổi mình, mà đã đi làm kiếm tiền nuôi  ba đứa em ăn học, trong khi mình vẫn phải để bố mẹ lo cho từng li từng tí thì mình thấy xấu hổ, tự thấy mình cần thay đổi. Cô bạn “giúp việc này” khiến mình trưởng thành hơn đấy” – Hằng cười.
Họ cũng có thể khiến cuộc sống của bạn “củ chuối”
Q.Sơn (trường ĐH LĐXH) thuê căn phòng chỉ khoảng tầm 15m2 trong khu chùa Láng. Bày bàn học và một vài vật dụng cá nhân đã gần hết diện tích. Thế nhưng, khi thấy bạn bè kể chuyện “sinh viên có cả ô-sin theo hầu” thì anh chàng vội vã gọi điện về nhà, đòi bố mẹ thuê cho một người giúp việc lên để lấy “oai” với bạn bè.
Thế là, căn phòng vốn chật chội, nay càng thêm chật khi phải kê thêm một cái giát giường cho người giúp việc ngủ. Bạn bè đến chơi ai cũng “tủm tỉm cười” vì cậu bạn “chuối”.
Còn Phương Anh (trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội) phải vội vã cho cô nàng giúp việc bằng tuổi mình nghỉ sau hai tuần, bởi “mình là người giúp việc mới đúng”.
Theo Phương Anh lên Hà Nội, cô bạn kia từ bị “choáng ngợp” bởi cuộc sống thành thị, đã nhanh chóng thích nghi, thường xuyên chỉ ăn diện, chải chuốt, rồi mải mê chat chit…, mà chẳng để tâm lo lắng nhà cửa, ăn uống.
"Quần áo, mĩ phẩm của mình, cô ta hồn nhiên lấy mặc và dùng vì “đồ của bạn đẹp quá”. Nhưng đến hôm mình đi học cả ngày về, vừa đói vừa mệt mà nhà cửa thì bừa bộn, quần áo chất đống chưa giặt, cơm chưa nấu vì cô bạn kia mải đi… chat quên giờ về, khiến mình phải úp mì ăn tạm, thì mình phải cho cô ấy nghỉ luôn”.
Tuyết Mai (trường CĐ Du lịch) thì ỷ lại mọi việc cho người giúp việc, nên đến giờ vẫn không biết làm gì. Hôm nào người giúp việc nghỉ về quê thì y như rằng, lên sẽ phải dọn dẹp đống quần áo, sách báo… cô nàng bày ra.
Thậm chí, nếu mua đồ ăn về nhà, sau khi ăn xong, đống bát đũa sẽ được Mai vứt vào chậu chờ người giúp việc lên rửa, kể cả là một tuần. Thế nên mới có chuyện, trong lần cả lớp liên hoan, khi Mai được giao chịu trách nhiệm phần nướng thịt, cô nàng “hồn nhiên” mang thịt ra “bếp ga” nướng cho nhanh, và hậu quả là chỗ thịt ấy “ngoài thì cháy đen, trong đỏ lòm”.
Bố mẹ của V.Thái (trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội) đã tá hỏa khi bất ngờ lên Hà Nội “kiểm tra” con trai. Căn phòng bừa bãi, quần áo vứt mỗi chỗ một chiếc, đồ bẩn chất đống chưa giặt, trong khi con trai và cậu bạn giúp việc trạc tuổi đang mải chơi điện tử.
Lúc ấy, bố mẹ Thái mới biết, con trai thường xuyên trốn học ở nhà “cày” game, đang nợ đến bảy môn. Bố mẹ Thái phải ngao ngán nói “cho người giúp việc lên ở cùng để giúp đỡ, bảo ban nó, ai dè cả hai đứa càng hư thêm”.

Thực tế là nhiều sinh viên thành phố chỉ mơ ước bố mẹ cho phép ra riêng, được tự mình làm mọi thứ. Tất nhiên, chẳng có gì xấu khi gia đình bạn có điều kiện để thuê một người giúp việc hỗ trợ bạn trong cuộc sống xa nhà. Thậm chí, bạn có thể tận dụng thời gian để đầu tư nhiều hơn cho việc học tập và thử nghiệm các hoạt động xã hội thú vị.

Chỉ có điều, hãy luôn nhớ rằng, người giúp việc không thể sống thay và làm mọi thứ giùm bạn. Họ chỉ có thể đỡ đần bạn trong cuộc sống xa nhà mà thôi, nếu chỉ ỷ lại vào họ thì chính bạn sẽ khiến cuộc sống của mình “trượt dốc”.

 Theo Sinh Viên Việt Nam

Bình luận (0)