Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: I.T |
Số người nước ngoài định cư ở Đức khá đông, do nhiều nguyên nhân, những người này thường phải học trong những trường đặc biệt trong thời gian đầu, gọi là “trường hội nhập”. Các trường này, theo Chính phủ Đức, thể hiện tính nhân đạo và thực tế, được xem là “trái tim” của chính sách đối với những người định cư.
Mức lương quá thấp
Bà Nadia Loyer là một trong những người vừa đến Đức, và là người đầu tiên phát biểu ý kiến về tình trạng những giáo viên dạy ở các “trường hội nhập”. Với 600 giờ lên lớp, bà dạy môn tiếng Đức, thể chế nhà nước Đức và “tự do tín ngưỡng” cho những người nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Sec-bi.
Nếu kể cả thời gian chuẩn bị bài và chữa bài, bà làm việc 50 giờ mỗi tuần nhưng trên thực tế bà chỉ được trả tiền lương cho 36 giờ. Cũng như ba phần tư bạn đồng nghiệp, bà chỉ được trả lương theo giờ, thời gian nghỉ dạy và đau ốm không được trả lương. Nếu kể cả mười tuần lễ trường đóng cửa hàng năm, lương tháng tối đa của bà là 1.950 Euro. Tiền chi phí cho sức khỏe và hưu trí cũng nằm trong số đó. Sau khi trừ thuế và tiền đi lại, bà chỉ còn 1.000 Euro mỗi tháng để sống và chuẩn bị cho những ngày về già.
Cho đến bây giờ bà vẫn sống tạm đủ vì lương, chồng bà có thu nhập khá, nhưng tháng 4 vừa qua chồng bà qua đời. Bà nói “Có những buổi tối khi trở về nhà tôi tự hỏi không biết sau này sống ra sao…”, người phụ nữ 52 tuổi than thở. Hơn nữa, bà còn không biết giáo viên thỉnh giảng không được bổ nhiệm chính thức được làm việc đến ngày nào. Nghĩ đến đó bà phát ốm!
Đổi nghề
Theo những con số của Công đoàn Giáo dục và Khoa học, ở Đức có gần 20.000 người có hoàn cảnh tương tự như bà Nadia Loyer. Theo họ, tiền lương một giờ dạy giao động từ 10 đến 25,5 Euro. Giáo viên dạy giờ trung bình được trả 16,90 Euro một giờ. Thế mà chính quyền cứ đòi hỏi giáo viên thêm nhiều điều nữa. Năm nay, đến ngày 31-12 thì giáo viên phải có bằng tiếng Đức (như một ngoại ngữ), hay là bằng tương đương.
Về phía Chính phủ, họ nhắc lại rằng ngân sách dành cho các “trường hội nhập” đã tăng nhẹ năm 2007, vượt quá 2,05 Euro một buổi và vượt 2,35 Euro một học sinh. Kết quả là ngân sách lên đến 174 triệu Euro.
Một số khá đông giáo viên tỏ ra chán ngán với đồng lương ít ỏi. Một nhà giáo nói: “Ngay có tăng thêm 30 xu một giờ thì tình hình bi thảm của chúng tôi cũng chẳng thay đổi gì. Chúng tôi phản đối việc xem chúng tôi như những người làm công nhật”. Một giáo viên dạy tiếng Đức (như một ngoại ngữ) phát biểu: ông cùng với một nhóm đồng nghiệp lập ra ở Muy-nich “Nhóm đấu tranh”. Yêu sách của họ là: Bộ Giáo dục xếp họ vào biên chế giáo viên trường công. Trong khi chờ đợi họ yêu cầu tiền thù lao tối thiểu là 30 Euro một giờ.
Về phía Chính phủ họ nói rằng giáo viên “trường hội nhập” được xếp vào dạng giáo viên dạy người lớn tuổi, là giáo viên theo quy chế hiện hành được hưởng lương dạy theo giờ.
Bà Nadia Loyer rất yêu công việc của mình, nhưng hiện nay cũng tìm cách đổi nghề, vì bà nghĩ rằng nếu cứ đeo đuổi cái “nghiệp giáo viên dạy giờ”, thì khi về hưu thu nhập của bà chỉ được khoảng 600 Euro một tháng, là đồng lương đẩy bà ra rìa của xã hội.
(Theo Courrier international)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)