Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Em chọn sư phạm vì dễ lấy chồng…”

Tạp Chí Giáo Dục

Một số bạn nữ đã chia sẻ rằng, họ thi vào sư phạm vì bố mẹ cho rằng “làm cô giáo rất nhàn mà lại dễ lấy chồng…”. Đây cũng là kết quả khảo sát bỏ túi của 92 sinh viên của 3 trường ĐH tại Hà Nội

“3 năm nữa sẽ không tuyển được giáo viên giỏi” là một lo lắng xa hay cảnh báo gần? phóng viên đã làm một khảo sát bỏ túi với 92 SV của các trường Đại học Sư phạm 1 (ĐHSP1), Đại học Sư phạm 2 (ĐHSP2) Hà Nội và khoa Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. 61 trong số 92 SV được hỏi (hơn 66%) nói rằng họ thi vào ngành SP là do sở thích, để theo đuổi ước mơ của bản thân. 

Phạm Thị Hoài mơ ước làm giáo viên từ nhỏ.

Phạm Thị Hoài, SV lớp K59A khoa Văn, trường ĐHSP1 chia sẻ: “Em có mơ ước trở thành cô giáo từ khi còn học mẫu giáo. Em thường mang tất cả búp bê, gấu bông em có ra để cho chúng làm học sinh, còn mình là cô giáo. Cứ thế theo thời gian ước mơ cứ lớn dần, lớn dần lên”.
Tuy nhiên, không phải ai vào trường sư phạm (SP) cũng xuất phát từ sở thích.
Có người vì không thi đỗ nguyện vọng 1 nên xét tuyển NV2 vào trường SP (12/92 SV). 
Một số khác lại đến với nghề sư phạm do bị gia đình… ép buộc (12/92 SV). Một số bạn nữ chia sẻ rằng họ thi vào sư phạm vì bố mẹ cho rằng "làm cô giáo rất nhàn mà lại dễ lấy chồng…".
Có 7 SV học SP vì "không còn trường nào khác".

Phạm Mạnh Quang, SV lớp K56A, SP Toán

Có 46/92 SV được hỏi (chiếm 50%) cho rằng nghề SP là nghề cao quý. 15/92 SV cho rằng đó chỉ là một nghề bình thường như bao nghề bình thường khác trong xã hội. Thậm chí, nó còn là một nghề vất vả (29/92 SV)…
Phạm Mạnh Quang, SV lớp K56A, SP Toán đăm chiêu: “Đây là một nghề vất vả vì nhiều khi đi dạy từ sáng đến chiều nhưng đồng lương thì lại quá thấp. Bạn bè của mình ra trường không xin được việc, chỉ dạy hợp đồng với mức lương từ 600.000 đến 900.000 đồng. Với số tiền đó làm sao có thể đủ trang trải cuộc sống”.
Xưa nay, nghề giáo là nghề cao quý trong những nghề cao quý. Nhưng rất nhiều SV SP cho rằng đó chỉ là trên lý thuyết. Hoặc chỉ cao quý so với trước đây còn bây giờ đã “hết thời”.
Nhiều bạn còn mất niềm tin dù vẫn biết những biểu hiện tiêu cực của một số giáo viên gần đây chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh".
Đặc biệt, 59/92 SV (chiếm 64%) cho rằng nền giáo dục nước nhà hiện nay chậm tiến so với thế giới. Đó là: cơ sở vật chất còn yếu kém, đội ngũ giáo viên có chất lượng cao còn mỏng, nhiều hiện tượng tiêu cực trong thi cử, nhiều dự kiến đổi mới chất lượng chưa thực hiện được, mức lương giáo viên còn thấp…
Có 21/92 SV được hỏi cho rằng nền giáo dục nước nhà đang có nhiều lỗ hổng.
“Tất cả chạy theo cơ chế thị trường, việc vào biên chế nhà nước còn bất cập, công tác quản lý giáo dục chưa tốt”, bạn Hoài chia sẻ. Hoài còn cho biết thêm ở một số trường SP khác mà các bạn của Hoài theo học, các bạn ấy còn phải "đi thầy" khi kỳ thi đến.
Còn Nguyễn Thị Ngát, SV K59A, khoa Hoá thì cho rằng: “Em thấy ở nước ngoài dường như SV và giảng viên trao đổi với nhau thoải mái và thân thiện hơn”.
Chỉ có 2 SV cho rằng nền giáo dục hiện nay tốt cả về quy mô và chất lượng.
Kết quả thăm dò 92 sinh viên
Câu 1: Vì sao chọn nghề?
61 SV vì sở thích
12 SV vì bị ép buộc
12 SV vì xét tuyển
7 SV không biết học trường nào nữa
Câu 2: Đánh giá về nghề sư phạm
2 SV cho rằng là nghề kiếm được nhiều tiền
46 SV cho là nghề thiêng liêng cao quý
15 SV cho là nghề bình thường
29 SV cho là nghề vất vả
Câu 3: Thay đổi suy nghĩ khi vào học
53 SV yêu nghề hơn
28 SV thấy không có gì thay đổi
11 SV thất vọng, chán nản
Câu 4: Sự nhận thức về trách nhiệm với nghề
66 SV thấy trách nhiệm nặng nề nhưng cao quý
4 SV không thấy điều đó
22 SV thấy bình thường
Câu 5: Thực trạng của nền giáo dục
2 SV cho là tốt về cả quy mô chất lượng
59 SV cho là chậm tiến so với thế giới
21 SV cho là xuống cấp, nhiều lỗ hổng
10 SV đưa ra ý kiến riêng của cá nhân
 Theo Thanh Dung/Vietnamnet

Bình luận (0)