Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Liên kết đào tạo kiểu… đem con bỏ chợ

Tạp Chí Giáo Dục

Trường đứng tên cấp bằng buông lỏng quản lý; đơn vị liên kết đào tạo nhập nhằng tên tuổi, chỉ cố thu học phí cao nhưng tổ chức đào tạo lôm côm…
Dù đang học năm 2 nhưng nhiều sinh viên hệ CĐ nghề tại địa chỉ 499/1 Lê Văn Việt, quận 9 – TPHCM đang rối bời vì không biết mình là sinh viên của trường nào, học xong được cấp bằng ra sao…  
Rối từ tên gọi

Sinh viên T., một trong số 656 sinh viên CĐ nghề học tại địa chỉ trên, cho biết năm 2008, em đã cố gắng thi ĐH nhưng không trúng tuyển. Trong lúc đang buồn chán thì em nhận được giấy gọi nhập học của Trung tâm Đào tạo Quốc tế Bách khoa ASIAN. Nghe cái tên oách quá, T. đã làm thủ tục nhập học ngay…
Tuy nhiên, khi vào học thì tên của cơ sở đào tạo thay đổi đến chóng mặt. Lúc thì ghi là cơ sở của Trường CĐ Nghề TPHCM, lúc thì ghi là cơ sở của Trường CĐ Công thương, khi thì ghi là cơ sở CĐ nghề Bách khoa ASIAN…
T. cho chúng tôi xem các thông báo tuyển sinh năm 2009 của cơ sở đào tạo này, trong đó có tờ ghi là Trường Quốc tế Bách khoa – Châu Á, tờ ghi là Trung tâm Đào tạo Phát triển nguồn nhân lực quốc tế Bách khoa ASIAN.

Chi nhánh Đông Nam Á – quận 9 của Trường CĐ Nghề TPHCM, nơi diễn ra hoạt động liên kết đào tạo lôm côm
Còn trong biên lai thu tiền học phí lại đóng mộc tròn của Trung tâm Tin học Ngoại ngữ và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bách khoa ASIAN. Tuy nhiên, tên Sở GD-ĐT quản lý trung tâm trên dấu mộc thì bị mờ nên không rõ trung tâm này thuộc sở nào.
Thấy bất thường, T. cùng một số sinh viên lên văn phòng tuyển sinh hỏi nhưng không nhận được câu trả lời rõ ràng.
Những sinh viên này còn cho biết năm học 2008-2009, các em phải đóng học phí 4 triệu đồng/năm, năm nay tăng lên 5 triệu đồng mà không được giải thích lý do.
Đề thi có sẵn đáp án
Không chỉ có thế, những sinh viên trên cũng hết sức lo lắng vì kiểu tổ chức đào tạo tại cơ sở này. Sinh viên đăng ký học ngành này thì lại yêu cầu chuyển ngành khác. Học gần xong môn này thì không biết môn học sắp tới là gì. Có giáo viên dạy tới 5 môn…
Sinh viên M. còn phản ánh một vụ việc nghiêm trọng: “Khi nhận được đề thi môn quản trị học, lớp TDNK4A1, K4A2 năm học 2009-2010, bọn em ai cũng ngỡ ngàng vì kèm với đề thi là… đáp án. Đề thi có 50 câu nhưng em cùng các bạn chỉ mất khoảng hơn 10 phút là làm xong”.
M. cũng cho biết thêm khi làm thủ tục nhập học tại cơ sở này, em cùng nhiều bạn khác đăng ký học ngành quản trị nhà hàng khách sạn.

Các phiếu thu học phí đều đóng dấu tròn của Trung tâm Tin học Ngoại ngữ và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bách khoa ASIAN
Sau một thời gian, cơ sở này yêu cầu các em chuyển qua học ngành quản trị doanh nghiệp, ai không học thì nghỉ. Khi sinh viên lên phòng đào tạo hỏi về quyết định bất thường này thì được trả lời rằng “vấn đề chuyển ngành chỉ tốt cho sinh viên” (?).
Ngoài chuyên ngành được học, sinh viên sẽ được đào tạo thêm kiến thức quản trị du lịch và cấp chứng chỉ để sau này có thể làm quản trị du lịch!
Làm thay việc của viện
Ngày 20-1, ông Phan Đức Nhân,  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa và Giáo dục Đông Nam Á (đồng thời nguyên là Giám đốc Trung tâm Tin học Ngoại ngữ và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bách khoa ASIAN), xác nhận 656 sinh viên hệ CĐ đang học tại cơ sở 499/1 Lê Văn Việt, quận 9 – TPHCM là những sinh viên trong chương trình liên kết giữa Trường CĐ Nghề TPHCM với viện.
Nhưng tại sao chưa bao giờ tên cũng như con dấu của viện này xuất hiện trên các tờ thông báo cũng như trên phiếu thu học phí của sinh viên? Ông Nhân giải thích: “Trung tâm Tin học Ngoại ngữ và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bách khoa ASIAN là đơn vị thuộc viện nên làm thay công việc của viện (?!)”.
Theo ông Nhân, trung tâm do Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cấp phép và việc dùng con dấu của trung tâm trong phiếu thu học phí của sinh viên là công việc nội bộ, vì trung tâm thuộc viện nên không ảnh hưởng gì (!?). Tuy nhiên, do làm ăn không hiệu quả nên trung tâm đã giải thể từ tháng 11-2009, sau 4 năm hoạt động.
Còn Trung tâm Đào tạo Phát triển nguồn nhân lực quốc tế Bách khoa ASIAN thuộc Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Bách khoa, có giấy phép của Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM nhưng hiện chưa hoạt động, chỉ mới đưa ra giới thiệu (!?).
Riêng việc đề thi có đáp án sẵn, ông Nhân khẳng định chưa hề biết!
Sẽ đưa 656 sinh viên về trường
Chiều 20-1, ông Lê Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TPHCM, xác nhận 656 sinh viên hệ CĐ nghề đang học tại địa chỉ 499/1 Lê Văn Việt, quận 9 là sinh viên của trường trong chương trình liên kết với Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa và Giáo dục Đông Nam Á (thuộc Hội Khoa học Đông Nam Á).
Trường chỉ biết và làm việc với  Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa và Giáo dục Đông Nam Á chứ không biết Trung tâm Tin học Ngoại ngữ và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bách khoa ASIAN.
Việc trung tâm này tham gia vào đào tạo là viện đã làm sai. Trường cũng không hề hay biết những gì đang xảy ra với sinh viên tại cơ sở này như thu học phí 5 triệu đồng/năm, giáo viên dạy 5 môn, đề thi có sẵn kết quả…
Ông Bình cho biết thêm 656 sinh viên học tại cơ sở này là diện ngoài ngân sách có mức học phí quy định là 3,5 triệu đồng/năm chứ không phải là 5 triệu đồng/năm như cơ sở này đã thu.
Trường sẽ tăng cường kiểm tra cơ sở liên kết vì kiểu làm việc này không ổn. Trường sẽ khẩn trương khắc phục sai sót đối với sinh viên. Sắp tới, có khả năng trường sẽ chấm dứt hợp đồng đào tạo để đưa sinh viên về trường.
Bài và ảnh: Huy Lân/ NLĐ

Bình luận (0)