Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên và bi hài chuyện nghe “phán”

Tạp Chí Giáo Dục

SV rảnh rỗi thường ngồi bói bài trong phòng trọ (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Ngày chủ nhật đầu năm 2010, Ngọc Huế (sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) đột nhiên lên tiếng rủ các bạn cùng phòng trọ đi xem bói. Bởi Huế rất muốn biết mình có đậu kỳ thi tốt nghiệp năm nay không?
Muốn đậu thì phải… lễ “cậu”
Nghe bạn bè mách nước có một “cô” ở quận 4 xem bài rất chuẩn, cả nhóm quyết đi xem một chuyến để kiểm chứng thực hư. Tôi cũng tham gia… để biết người ta xem bói như thế nào. Lòng vòng một hồi trong các con hẻm trên đường Xóm Chiếu, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà “cô”, một căn nhà xập xệ, tường trát xi măng loang lổ, khoảng sân nhỏ phía trước chỉ đủ để vài chiếc xe.
Rón rén đi vào nhà, đập vào mắt cả nhóm là hình ảnh một bà béo tròn khoảng 60 tuổi đang ngậm nước và phun phì phì vào… một thanh niên ngồi trên ghế. Bà ta lấy tay đập vào lưng anh ta liên hồi, miệng lẩm nhẩm những câu nghe không rõ. Lúc sau, bà ta quay sang nói với người phụ nữ, có lẽ là vợ anh thanh niên đang ngồi bên cạnh: “Chị đưa anh về nhà đi, chỉ mấy ngày là khỏi!”. Đến lúc này chúng tôi mới biết đó là “cô” mà nhóm đang tìm. Thấy chúng tôi, “cô” ra hiệu ngồi xuống rồi lấy ra một bộ bài đã cũ mèm, sờn hết màu rồi “cô” lên tiếng hỏi: “Các con muốn xem gì?”. Huế nhanh nhảu: “Con muốn xem về học hành”. “Cô” gật gù, xỉa bài thoăn thoắt hỏi Huế bao nhiêu tuổi rồi đưa bài kêu cô xóc bấy nhiêu cái. Sau đó “cô” sắp bài và bắt đầu phán: “Con có điềm gở trong thi cử, quân 7 bích báo rõ điều đó”. Vừa nghe nói, Huế đã tái mặt. Tỏ vẻ đăm chiêu, “cô” chỉ tay về chỗ bàn thờ ở góc nhà: “Con tới thắp hương cho “cậu” trước đi!”. Nghe lời “cô”, Huế nhổm dậy đốt nhang xá vài cái và bỏ vào cái dĩa 50.000 đồng. Sau khi đã lễ xong, trong sự hồi hộp của Huế và mấy cô bạn, “cô” phán tiếp: “Từ giờ, tuần nào con cũng mua bánh trái nhang đèn đến đây làm lễ, “cậu” sẽ phù hộ cho”. Sau đó, “cô” lần lượt xem cho ba thành viên còn lại. Đến lượt, tôi lấy cớ ra ngoài trông xe để khỏi nghe những lời phán mù mờ của “cô”.
Rắn “cắn” chết chuột
Trung tuần tháng 1-2010, tôi lại tháp tùng hai cô bạn sinh viên đang học khoa Kinh Tế (ĐHQG TP.HCM) đi xem bói ở một nơi khác. Địa chỉ nhà “cô” nằm trong một con hẻm nhỏ của quận Bình Thạnh. Sau một hồi hỏi han, bà “cô” miệng phì phèo thuốc lá, mắt mơ màng hỏi Thu Trang: “Con sinh năm 1989, tuổi rắn, anh người yêu sinh năm 1984, tuổi chuột. Nếu tiếp tục thương nhau, anh người yêu con sẽ bị khắc sát”. Nghe vậy cô bạn đi chung nhìn Trang lo lắng, nhắc khéo bạn về. Còn Thu Trang, sau khi xem bói về cứ buồn phiền lo lắng, dự định chia tay người yêu vì sợ “nếu yêu mình, anh sẽ chết”. Minh Trung – người yêu Trang và cũng là bạn tôi nghe kể lại đã cười phá lên và tìm cách khuyên nhủ người yêu. Thuyết phục mãi Trang mới tạm nguôi ngoai nhưng cô nàng cũng đang sốt ruột mong tìm được “thầy” giỏi để hóa giải cho chuyện tình duyên của mình.
Còn trường hợp của Minh Thu (Trường ĐH Văn Lang) lại khác. Trong một lần đi xem bói ở quận 11 bị “thầy” phán là sẽ gặp xui trong những tháng cuối năm, vì vậy Thu đã từ bỏ ý định mua xe máy mới, chỉ quanh quẩn ở nhà và ít ra ngoài, trừ khi đi học. Gia đình Thu ngỡ ngàng, không hiểu nguyên nhân do đâu con mình có biểu hiện như vậy. Cũng vì nghe theo lời “thầy”, Thu còn ăn chay và kiêng nhiều thứ: ra đường không bước chân phải trước và hễ mua bất cứ thứ gì hay mặc đồ đi học Thu cũng không chọn màu trắng vì “thầy” phán “đang bị sao Thái Bạch, kiêng màu trắng”.
Mất tiền trước khi… kiếm được tiền
Hạnh Hòa mới tốt nghiệp Trường ĐH Văn Hiến, đã gửi hồ sơ xin việc đến vài nơi nhưng vẫn chưa thấy nơi nào gọi đến phỏng vấn. Nghe chị gái rủ rê, Hòa tìm đến “thầy” để biết nguyên nhân. “Thầy” phán rằng, Hòa nặng vía nên trắc trở trong đường công danh, nếu muốn “thoát” phải làm lễ cúng. Sau đó, “thầy” đã liệt kê ra hàng loạt đồ cúng có giá lên tới gần… 500 ngàn đồng. Tiền không có, Hòa phải cắn răng vay bạn bè để mua đồ lễ giải hạn. Cúng xong gần tháng, Hòa vẫn chờ đợi vì chẳng có công ty nào gọi đi làm. Hòa tìm đến “thầy” xem tiếp và được phán rằng: “Vía quá nặng nên chưa giải được và phải cúng lần nữa mới giải được”. Đến lúc này thì bạn chỉ biết lắc đầu ngao ngán. “Thôi dẹp! Chưa kiếm được tiền lại còn mất tiền… oan”.
Bài, ảnh: Văn Tiệp
Hiện nay “công nghệ”coi bói đã được “nâng cấp” hơn. Không chỉ đọc sách, “thầy” còn am hiểu cả CNTT nên tranh thủ lân la vào các diễn đàn, trang web để quảng cáo cho mình, nhiều nơi còn ra giá công khai một quẻ bao nhiêu tiền và sẵn sàng thanh toán qua tài khoản!
 

Bình luận (0)