Hiện nay, văn hóa đọc bị văn hóa nghe – nhìn lấn át. Các giáo viên, nhất là giáo viên bậc tiểu học, cần phân định được rõ thế nào là văn hóa đọc và văn hóa nghe – nhìn.
Văn hóa đọc có 3 đặc điểm. Thứ nhất, người đọc dùng mắt tự mình đọc thầm theo những dòng chữ của văn bản viết, việc đọc đó chủ yếu là đọc sách, đọc các tác phẩm có giá trị nhân văn cao. Thứ hai, khi đọc thầm, người đọc huy động trí tưởng tượng của mình để hình dung ra toàn bộ bối cảnh được mô tả trong sách hoặc toàn bộ lập luận logic làm thành cột sống của cuốn sách. Thứ ba, việc đọc sách như trên hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu đọc của cá nhân người đọc… Thời xưa, như thời Nguyễn Du, chỉ những ai biết chữ thì mới tự mình đọc được sách. Song vẫn có một phương thức bổ sung cho một số ít người ham đọc sách nhưng không biết chữ, đó là “đọc” theo lối truyền khẩu. Khi đọc truyền khẩu và thuộc lòng, người đọc cũng phải huy động trí tưởng tượng của mình và cũng thỏa mãn thú vui đọc sách mang tính suy ngẫm của cá nhân.
Học sinh Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) đọc sách trong thư viện. Ảnh: N.Trinh
Sang thời hiện đại, cuộc sống tiêu dùng đã tạo ra một cách “đọc” khác khiến con người lười biếng đi. Đó là tạo ra cách đọc nhờ phương tiện nghe – nhìn. Việc đọc theo phương tiện nghe – nhìn có 3 đặc điểm. Thứ nhất, văn bản để đọc chủ yếu là hình ảnh, chữ viết chỉ là để chú thích: Toàn bộ cuốn tiểu thuyết có thể được chuyển thành phim, toàn bộ tác phẩm kinh điển có thể thành truyện tranh… Thứ hai, người đọc không cần huy động trí tưởng tượng của cá nhân, các nội dung đã được phương tiện nghe – nhìn xào xáo sẵn cho cứ thế mà hưởng thụ: Việc đọc mang tính giải trí thay cho việc đọc mang tính suy ngẫm. Thứ ba, lâu dần thú vui đọc sách mang tính cá nhân mất dần đi, thay vào đó là thú vui hưởng thụ việc “đọc” một cách “tập thể”, dễ dãi.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng học sinh kém văn và không thích học văn, ấy là sự xâm nhập của văn hóa nghe – nhìn quá nhiều vào nhà trường. Gia đình hiện đại dư dả tiền bạc và nuông chiều con cái, đồng thời lại mơ hồ về văn hóa đọc, đã sẵn lòng bỏ tiền phục vụ con cái bằng văn hóa nghe – nhìn.
Chừng nào nhà trường và gia đình chưa nhìn rõ mối hiểm họa đầy-hấp-dẫn nằm trong văn hóa nghe – nhìn, hấp dẫn cả trẻ em lẫn người lớn thì văn hóa nghe – nhìn còn lấn át văn hóa đọc. Khi đó đừng nói tới việc nâng cao tâm hồn con người nhờ việc đọc. Một tỷ lệ hợp lý văn hóa nghe – nhìn đan xen vào văn hóa đọc cộng với cách làm cho nội dung nghe – nhìn có chiều sâu, ấy là mục tiêu phấn đấu của chúng ta.
Nguyễn Trần Diễm Linh
(Hiệu trưởng Trường TH Lê Ngọc Hân, Q.1, TP.HCM)
Bình luận (0)