Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Rủi ro nhà trọ giá rẻ cho sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Có hàng chục phòng trọ ở khu vực Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) đã nghiêng mình xuống sông, xuống ao và phần lớn thiệt hại thuộc về sinh viên. Nhà trọ giá càng rẻ càng gần với đồng ruộng, bè rau muống và thậm chí là bãi rác…

Giá cả tăng đang đẩy sinh viên vào những nhà trọ rẻ tiền ở Hà Nội với quá nhiều rủi ro.
Nhà trọ “3 nhất”
Phòng khoảng 10 mét vuông hiện nay đều được các chủ nhà niêm yết giá 800.000 – 900.000 đồng. Phòng 12 đến 15 mét vuông (khép kín) có giá 1,5 đến 1,8 triệu đồng, chưa kể tiền điện, nước. Có chủ nhà còn ra quy định phòng chỉ được ở không quá hai người, vì ở đông ồn ào lộn xộn. Nếu cố thương lượng để ở 3 – 4 người thì họ có cách tính tiền điện, nước, vệ sinh như các “nhà ảo thuật”, nghĩa là làm sao mỗi tháng “tận thu” được của một người 500.000 – 600.000 đồng, đủ để người thuê nhà “nghẹt thở” mà ra đi.
Những nơi được coi là “làng sinh viên” như Phùng Khoang, Mễ Trì, Triều Khúc hay khu vực Cầu Giấy, Nghĩa Đô… không khí đi tìm nhà trọ lúc nào cũng sôi động. Nắm được nhu cầu của sinh viên muốn thuê nhà gần trường học nên các chủ nhà trọ ra sức hét giá, càng gần trường lại càng cao. Thậm chí, bà Hoa có nhà cho thuê ngay phía sau trường ĐH KHXH&NV Hà Nội còn không tính tiền theo phòng mà tính theo đầu người. 500.000 đồng/người/tháng, nhưng bà lại nhồi nhét 4 – 5 người ở ghép vào một phòng 12 mét vuông trên tầng hai, cứ có người hỏi thuê là bà cho vào ở, bất kể người thuê nhà phản ứng ra sao.
Nếu có dịp “thực mục sở thị” những công trình xây nhà cho thuê, không ít người phải giật mình kinh hãi. Đi sâu vào khu vực Hạ Đình (Q.Thanh Xuân), bắt gặp không ít những dãy nhà trọ xây ngay trong diện tích đất của vườn nhà, đất canh tác, thậm chí cả đất lấn chiếm hay mặt ao hồ cũ được đổ đất san lấp qua loa, móng nhà làm bằng gạch xỉ nhưng có khi xây lên 2 – 3 tầng.
Hùng (CĐGT) chìa ra chiếc đinh vừa nhổ trên tường: “Tường nhà xây bằng gạch tận dụng từ các công trình cũ phá dỡ ra hoặc mua loại phế phẩm từ các lò sản xuất, vữa trộn quá nhiều cát nên đinh đóng vào tường hay muốn nhổ ra chỉ cần dùng… tay, không cần búa”. Những căn phòng này được xây dựng với tiêu chí “3 nhất”: vật liệu rẻ nhất, thi công ẩu nhất và được cho thuê với giá cao nhất.
Một chị phụ hồ quê Nam Định tiết lộ: “Chị theo đội thợ đi làm mấy chục dãy nhà cho sinh viên thuê rồi, chủ nhà toàn mua vật liệu chất lượng kém, xây xong trát  vôi ve vào ai biết bên trong thế nào. Ở những nhà này sợ lắm, tường mỏng, mái tôn thấp lè tè. Mùa hè nóng như thiêu, mưa thì ồn như gõ búa trên đỉnh đầu. Móng nhà cũng rất kém”.
Ngoài ra, an ninh ở những khu vực nhiều nhà trọ không đảm bảo. Đa số chủ nhà đều ở chỗ khác, hằng tháng chỉ biết đến thu tiền. Nam (CĐBK, thuê phòng khu Lĩnh Nam) kể: “Khu nhà bọn mình ở vừa bị bọn trộm đột nhập vào ban đêm lấy mất mấy cái xe máy. Còn những thứ nhỏ gọn như laptop, điện thoại, ví tiền thì mất thường xuyên”.
Nhà trọ rơi tõm… xuống ao
Minh (quê Nam Định) vẫn chưa hết hoảng hồn kể lại: “Trước đây, mình thuê ở khu Cổ Nhuế, nhà mới xây, giá cũng rẻ nhưng ở được hơn một tháng thì thấy tường nứt, móng nhà phía sau bị lún nghiêng cả ra ao. Mình sợ quá gửi đồ đạc để đi tìm nhà khác, hai hôm sau quay lại thì thấy cả dãy nhà đã đổ sụp xuống ao”. Có hàng chục phòng trọ ở khu vực Cổ Nhuế đã nghiêng mình xuống sông, xuống ao như thế và  phần lớn thiệt hại thuộc về sinh viên. Nhà trọ giá càng rẻ càng gần với đồng ruộng, bè rau muống và thậm chí là bãi rác.
Huy (Trường ĐH Mỏ – địa chất) nói rằng, cậu ấy đã từng tiết kiệm tiền bằng cách thuê một phòng trọ nằm treo lơ lửng trên một cái ao làng. Sở dĩ nói là treo vì đó là phòng cơi nới thêm của chủ nhà. Sẽ rất thơ mộng nếu đó là một cái ao trong trẻo. Tiếc rằng đó là nơi tập kết rác mỗi chiều của dân trong khu và của nhiều người vô ý thức. Sau một lần bị sốt xuất huyết, Huy đã phải chia tay căn nhà trọ treo cao kinh hoàng ấy nữa.
Theo Phạm Thị Phong Lan
Sinh Viên Việt Nam

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)