Đến lớp không phải chỉ để học, nhiều học trò đang nghĩ ra rất nhiều cách để hòng kiếm tiền ngay trên lớp, từ việc cho thuê đồ dùng đến việc thuê ăn, thuê chép bài…
H.T, một học sinh lớp 7 trường Lômônôxốp (Hà Nội) nghĩ ra một “chiêu” kinh doanh khá độc đáo. Thấy bạn bè trong lớp thường hay quên khăn quàng đỏ và bị phạt, H.T liền mua hàng chục chiếc khăn quàng đỏ để sẵn trong cặp sách. Trong hơn 30 bạn ở lớp, ngày nào cũng có vài bạn quên khăn và H.T nhân đó thông báo dịch vụ cho thuê với giá 2.000 đồng/lần thuê, hoặc bán thì 8.000-10.000 đồng/chiếc. Sợ bị phạt và phê bình nên nhiều bạn của H.T đón nhận dịch vụ này như một cách đối phó.
Phụ huynh cần thận trọng khi cho con tiền tiêu vặt – Ảnh: Tuệ Nguyễn
Việc cho thuê, bán đồ dùng kiếm lời như của H.T không phải là hiếm, P.D một học sinh lớp 6 của trường THCS N.S (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì tổ chức “kinh doanh” dịch vụ điện thoại mà khách hàng là các bạn chưa có điện thoại nhưng có nhu cầu dùng. P.D cũng theo phương thức: “gọi cuộc nào tính tiền cuộc đó” với giá cao gấp đôi so với số tiền thuê bao mà P.D phải trả cho nhà mạng… Một số em còn có “sáng kiến” cho bạn thuê các loại đồ chơi điện tử như người máy, xe, máy bay điều khiển từ xa… với mức phí 500 đến 1.000 đồng/ngày.
Còn N.N học sinh lớp 11 của trường THPT Q.T (Q.Đống Đa, Hà Nội) thì rủ thêm 2 người bạn thân trong lớp tổ chức thành một “nhóm kinh doanh theo thời vụ”; nghĩa là khi nắm bắt được xu hướng lứa tuổi “teen” đang và sẽ ưa chuộng mặt hàng nào thì nhóm của N.N rủ nhau tìm mua về bán ngay cho các bạn trong lớp. Theo N.N, với những mặt hàng không khó kiếm thì số tiền lời cũng không nhiều. Tuy nhiên, thỉnh thoảng “săn” được món đồ độc mà nhiều người ưa thích thì có thể số tiền lãi gấp đôi, gấp ba…
Chị M.T (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), phụ huynh có con học lớp 5 kể một tình huống khá bất ngờ: có hôm cháu nhà tôi về khoe: “hôm nay con kiếm được 5.000 đồng vì có một bạn thuê con ăn hộ”. Hỏi kỹ ra thì được biết, một bạn trong lớp do quá sợ ăn món cá nhưng không dám bỏ lại vì lo cô mắng nên đã thuê bé nhà chị ăn với giá 5.000 đồng.
Tuy nhiên, những dịch vụ kiếm tiền của học trò không chỉ dừng lại ở đó. Có những loại hình kinh doanh rất đáng báo động trong giới học trò hiện nay. “2.000 đồng một lần nhờ vả, 2.000 đồng/1 trang chép lại, 10.000 đồng để ghi hộ bài, cứ thế mà áp dụng” – P, học sinh lớp 8 trường THCS T.V kể.
Trên một số diễn đàn trực tuyến, những thông tin tìm kiếm người làm thuê bài tập của học sinh, sinh viên như: “Tôi muốn nhờ anh chị nào giỏi Anh văn có thể làm giúp bài tập Anh văn lớp 10…giá…nếu ai giúp được thì liên hệ số điện thoại 0906xxx..”; hoặc “mình có thể làm tất cả các bài tập Anh văn cho các bạn học sinh cấp 2-3 (kể cả đề cương ôn tập). Giá mỗi bài từ 5-8k, giảm giá nếu số lượng nhiều. Liên hệ: 0122 xxx…" không ít.
Cô Hà Thanh, giáo viên trường Lê Quý Đôn cho rằng: “Việc các em cho nhau chép bài đã là không chấp nhận được rồi, chưa kể đến chuyện cho bạn chép bài để lấy tiền, nhất là đối với các em còn nhỏ. Như thế vô hình chung các em làm hại bạn mình, hại nhân cách của chính mình khi nghĩ cái gì cũng có thể mua bán bằng tiền được”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Lan Hương (Tổng đài 1080) cũng cho rằng: Những hình thức cho thuê, cho vay mà trẻ đặt ra cần được cấm vì phần nhiều sẽ tác động xấu cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Theo cô Lan Hương, câu chuyện trẻ sớm nghĩ ra các “chiêu” kiếm tiền kể trên cho thấy, cho trẻ tiền nhưng phụ huynh cần coi trọng việc hướng dẫn trẻ cách sử dụng đồng tiền đúng đắn; dạy trẻ giá trị của đồng tiền, cũng như cách tiết kiệm tiền bạc, nếu không việc tiếp xúc với đồng tiền sớm sẽ gây hại cho trẻ.
Theo Tuệ Nguyễn / TNO
Bình luận (0)