Một dự án hỗ trợ thông tin, kỹ thuật, định hướng thị trường được kỳ vọng giúp nông dân phát triển cây ca cao theo hướng bền vững.
Thăng trầm
Theo Cục Trồng trọt Bộ NN-PTNT, đến năm 2015 cả nước có 11.700 ha ca cao; trong đó các tỉnh Tây nguyên khoảng 3.300 ha. So với thống kê năm 2013, diện tích ca cao giảm hơn 14.000 ha; hiện chỉ đạt 33,3% về diện tích, 26,4% về sản lượng kế hoạch giai đoạn 2011-2015 của Bộ NN-PTNT.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục trồng trọt, cho rằng diện tích ca cao giảm trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân: giá ca cao không ổn định, hiệu quả kinh tế kém cạnh tranh so với một số cây trồng khác; nhiều nông dân quan niệm ca cao là cây trồng phụ, thiếu đầu tư chăm sóc hợp lý…
“Mặt khác, các nhà chế biến, xuất khẩu chưa xây dựng mối liên kết với nông dân, chưa hỗ trợ thâm canh, tập huấn kỹ thuật nên một bộ phận người trồng ca cao chưa yên tâm”, ông Hòa nhận định.
Ông Đinh Hải Lâm, giám đốc Chương trình phát triển ca cao VN, cho rằng cây ca cao thời gian qua phát triển không bền vững, diện tích ca cao tăng từ 500 ha năm 2003 lên đỉnh điểm 25.700 ha vào năm 2012 chủ yếu thông qua các dự án của các tổ chức phi chính phủ, các dự án xóa đói giảm nghèo.
“Trong các dự án này, ca cao được đưa vào nhóm nông hộ có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương bởi sự lên xuống của giá nông sản. Điều này làm cho diện tích ca cao giảm mạnh khi giá xuống thấp. Từ năm 2013, không còn dự án tài trợ phát cây giống cho nông dân nữa, nhu cầu trồng trong dân cũng rất thấp”, ông Lâm nói.
Tại Đắk Lắk, diện tích ca cao hiện là 2.067 ha, sản lượng gần 1.900 tấn. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, quỹ đất để phát triển ca cao tập trung ở tỉnh này không còn nhiều, phần lớn ca cao được nông hộ trồng trong vườn nhà, xen với các cây trồng khác. “Một khó khăn lớn trong phát triển cây ca cao là thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể, nhất là vốn đầu tư cho người trồng ca cao, việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng của nông hộ rất hạn chế”, ông Thích đánh giá.
Cơ hội mới cho ca cao
Giai đoạn 2015-2020 tiếp tục mở rộng diện tích ca cao (phấn đấu đạt 50.000 ha vào năm 2020), thâm canh tăng năng suất, tăng sản lượng, sản xuất theo hướng chất lượng (có chứng nhận); khuyến khích đầu tư công nghiệp chế biến sản phẩm ca cao… Quan điểm nói trên của Cục Trồng trọt đã nhận được sự đồng tình của nhiều tổ chức phát triển, các địa phương đang mong muốn ca cao có vị thế xứng đáng trong ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu, theo ông Nguyễn Văn Thiết, đại diện tổ chức chứng nhận quốc tế UTZ Certified tại VN, trước hết phải có giải pháp củng cố chỗ đứng cho ca cao và tạo cho cây trồng này phát triển bền vững.
“Sản xuất ca cao có chứng nhận UTZ sẽ là lợi thế lớn khi đưa sản phẩm này ra thị trường. Các công ty thu mua lớn trên thế giới cam kết chỉ mua ca cao chứng nhận UTZ kể từ năm 2020. UTZ là công cụ giúp canh tác ca cao theo hướng bền vững, vì bắt buộc sử dụng hóa chất nông nghiệp có kiểm soát, vệ sinh trong chế biến và bảo quản sản phẩm”, ông Thiết lý giải.
Vấn đề truyền thông giúp nông dân nắm bắt thông tin để đưa ra các quyết định có lợi trong việc phát triển ca cao cũng được xem có ý nghĩa quan trọng. Mới đây, Trung tâm Phát triển cộng đồng (CDC), một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận tại Tây nguyên, triển khai dự án “Nâng cấp cách tiếp cận thông tin và định hướng thị trường cho nông hộ trồng ca cao”.
Ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc CDC, cho biết dự án sẽ cung cấp thông tin giá ca cao hàng ngày cho hơn 1.000 nông hộ; giới thiệu doanh nghiệp thu mua ca cao, các chuyên gia đầu ngành hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, tổ chức các lớp tập huấn về thực hành nông nghiệp tốt (GAP)…
“Qua dự án này, chúng tôi muốn đạt mục đích nông dân trồng ca cao có lợi nhuận cao hơn nhờ tiếp cận tốt với thông tin thị trường; doanh nghiệp có trách nhiệm chia sẻ lợi nhuận, chi phí, cơ hội với nông dân theo cách công bằng, bền vững. Dự án cũng sẽ thúc đẩy sự tương tác, hợp tác giữa 4 nhà: Nhà nước – nhà khoa học – nhà thương mại – nhà nông”, ông Tuấn nhận định.
Trung Chuyên (TNO)
Bình luận (0)