Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bám lớp mùa giáp hạt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những ngày tháng tư, hàng chục học sinh ở xã Mường Lý, huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) thường xuyên phải nhịn đói đứt bữa đến trường học chữ tại trung tâm xã.

Tháng tư là bắt đầu những tháng giáp hạt (từ tháng tư đến tháng sáu hàng năm) khiến có em bỏ dở việc học hành, ở nhà theo bố mẹ lên nương rẫy. Nhưng cạnh đó, vẫn còn nhiều em vượt qua cái đói thường nhật, bám trường, bám lớp học chữ…
Trò: thiếu cơm, khát nước vẫn bám trường lớp
Một góc khu lều trọ học của các em học sinh Trường THCS Mường Lý, huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa
Các em đi lấy nước sinh hoạt hàng ngày
Chúng tôi đến khu lều trọ học gồm 74 căn lều dựng quanh trung tâm xã của Trường THCS Mường Lý khi các học sinh ở đây vừa tan ca buổi sáng.
Cất vội cặp sách vào lều, hàng chục học sinh mang can nhựa, xô ra mó nước (một nguồn nước dẫn từ suối cách trường hơn một cây số về) để hứng nước dùng. Đang cao điểm mùa khô ở vùng cao, nước chảy tí tách nên các em phải đợi cả tiếng đồng hồ mới hứng được vài can nước loại 5 lít để về dùng bữa trưa.
Hơn 12g trưa, chúng tôi bước vào căn lều của ba em Vàng A Sự (học lớp 6B), Vàng A Tu (học lớp 8B) và Vàng A Chua (học lớp 9), đều là dân tộc Mông, trú tại bản Sài Khao, cách trường hơn 20km, khi ba em đang ăn cơm.
Nhìn vào mâm cơm trưa Sự, Tu, Chua, ngoài giá cơm chỉ có bát măng rừng luộc và bát muối trắng. Chua nhìn tôi nhoẻn miệng cười gượng: "Hôm nay các em còn có măng để ăn, chứ mọi hôm chỉ ăn cơm với muối trắng chan nước lạnh thôi".
Bữa cơm trưa của Vàng A Sự, Vàng A Tu, Vàng A Chua ở Trường THCS Mường Lý chỉ có măng rừng và muối trắng
Nam sinh Trường THCS Mường Lý đi lấy măng rừng làm bữa ăn hàng ngày
Bên căn lều của em Giàng Thị Sông (dân tộc Mông, trú tại bản Muống I) và mấy em cùng bản, chúng tôi thấy góc bếp, nồi niêu lạnh tanh. Sông bảo: "Mùa nương rẫy năm ngoái, các gia đình ở bản em bị mất mùa lúa, ngô nương do thời tiết khắc nghiệt, rồi con chuột, con sóc cắn phá hoa màu nên nhiều tháng nay cả nhà dành dụm cũng chỉ đủ một suất gạo ăn để em mang xuống trường trọ học. Còn bố mẹ, các anh chị em ở nhà phải xay ngô làm món mèn mén (món ăn của đồng bào dân tộc Mông – NV) ăn hàng ngày.
Thương bố mẹ vất vả, mùa giáp hạt còn kéo dài đến tháng 6, nên từ đầu tháng tư đến nay, em và các em trọ cùng lều chỉ ăn một bữa cơm trong ngày. Sông mím môi: “Dù đói, dù khó khăn, nhưng chúng em quyết bám trường, bám lớp học chữ, với mong ước sau này xua được cái đói, giảm dần cái nghèo cho gia đình".
Thầy cô giáo: cũng ở lều, ở tạm cùng học trò
Phạm Thị Nhợi (phó chủ tịch UBND xã Mường Lý) cho biết: "Hiện xã có gần 200 em học sinh dân tộc Mông, Mường, Thái đang phải trọ học tại 74 căn lều cạnh trường. Cuộc sống của các em đang gặp rất nhiều khó khăn, cái đói rình rập hàng ngày, bởi tỉ lệ hộ đói nghèo của Mường Lý còn tới hơn 75%.
Chính quyền xã, nhà trường đã có nhiều biện pháp như: gia đình cán bộ xã, các thầy cô giáo nhận đỡ đầu, chăm nuôi các em học sinh đặc biệt khó khăn. Nhưng do tỉ lệ các em học sinh thuộc diện đói nghèo trọ học ở đây khá cao, nên chúng tôi cũng chưa thể lo hết được cho các em.
Vì vậy, vẫn còn tình trạng học sinh đói đứt bữa; có em học sinh bị tử vong trên đường đi lấy nước sinh hoạt ở sông Mã – đó là em Giàng A Hồ- học sinh lớp 6A mất năm 2008".

Chỗ ở, sinh hoạt của các thầy cô nơi đây là trụ sở cũ của UBND xã Mường Lý được xây dựng cách đây gần 10 năm. Do nơi ở còn thiếu nên nhà trường phải dựng căn lều rộng chừng hơn 10m2 cạnh khu lều trọ học của học sinh để các thầy cô ở tạm.

Thầy Trần Văn Hào – hiệu trưởng Trường THCS Mường Lý – cho biết thêm: "Mường Lý là xã vùng sâu, vùng xa, chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chưa có sóng điện thoại di dộng, điện thoại cố định. Giá gạo, rau xanh, mì tôm, dầu hỏa, pin đèn, nến… thường đắt gấp đôi so với ở thị trấn Mường Lát (cách trường hơn 30 km) và đắt gấp hai lần rưỡi so với miền xuôi”.
Nước sinh hoạt của các thầy cô giáo, học sinh của trường đang thiếu trầm trọng và ô nhiễm nặng. Nguồn nước hiện nay thầy trò đang sử dụng được lấy ở mó nước dẫn từ các suối về, không qua lắng lọc. Nhiều hôm trời nắng, trâu bò, lợn của đồng bào tắm suối, phóng uế phân xuống nguồn nước này.
Một giáo viên nơi đây cho biết khi nấu cơm, canh bằng nguồn nước này xong, vừa mở nắp thì mùi phân gia súc xộc vào mũi. Vậy là hơn chục thầy cô đành bỏ bữa cơm trưa, ăn tạm mì tôm sống để lên lớp ca chiều.
Thiếu thực phẩm, rau xanh để dùng vì giá cả đắt đỏ, không có đất trồng, các thầy phải đi lấy trứng kiến ở rừng, bắt con nòng nọc ở suối, hái rau trên đồi dùng thôi.
“Tuy khó khăn, vất vả vậy, nhưng thầy trò nơi đây vẫn bám trường, bám lớp. Nhiều năm qua nhà trường luôn giữ vững sĩ số hơn 200 học sinh. Tỉ lệ học sinh bỏ học thấp" – thầy Hào xúc động nói về thầy trò trường mình.
Bài, ảnh: HÀ ĐỒNG / Tuổi Trẻ

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)