Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Học nghề, tìm kế hội nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Ban tư vấn chương trình tư vấn hướng nghiệp “ĐH không phải con đường duy nhất” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức trả lời các vấn đề học sinh quan tâm

Nhiều người muốn chọn học nghề nhưng đang lo lắng không chịu nổi sức ép cạnh tranh gay gắt của thị trường lao động thời hội nhập, nhất là sắp tới Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Theo các chuyên gia, bên cạnh tay nghề, việc trang bị tốt kỹ năng, ngoại ngữ, làm giàu vốn sống… là cách giúp người học tự tin.

Chương trình tư vấn hướng nghiệp “ĐH không phải con đường duy nhất” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Nai và Tây Ninh tổ chức đã giải tỏa phần nào tâm lý lo lắng của thí sinh, phụ huynh.

Doanh nghiệp cần người “làm được việc”

Các em học sinh đặt vấn đề, cử nhân ĐH còn kiếm việc trầy trật thì những người học nghề có rơi vào tình cảnh thất nghiệp triền miên không? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – cho rằng, nền kinh tế nước ta hiện bước vào giai đoạn hồi phục, tăng trưởng. Chưa kể chúng ta đang ở trong không khí đất nước chuẩn bị gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đây là những tín hiệu khả quan. Và dù có xu hướng thí sinh đều muốn đổ vào ĐH nhưng thực tế, trình độ ĐH chỉ chiếm 12-15% cơ cấu nhân lực của thị trường lao động. Còn lại là các bậc đào tạo khác. Ông Tuấn khẳng định, hiện còn khá nhiều nhu cầu lao động cho các trình độ TC, hệ nghề, nhất là khi hội nhập. Bởi việc hội nhập sẽ ở 2 tầng: Trình độ cao và trung. Tầng trung đang hút rất nhiều nhân lực. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần những người làm được việc, do đó, người học bên cạnh vững tay nghề còn phải thạo ngoại ngữ, kỹ năng.

Ông Nguyễn Hoàng Chương ­ Giám đốc đào tạo Trường CĐ Nghề Hoa Sen – cũng chung nhận định, thị trường lao động sắp tới sẽ rất mở, tính cạnh tranh cao, lao động phải làm được việc mới bám trụ được. Theo đó, để làm được việc, người học cần chọn cho mình ngành phù hợp, yêu thích và dốc sức đầu tư. Ông Chương dẫn chứng, trong quá trình đi tư vấn, nhiều học sinh quan tâm hỏi những ngành học lương cao. Trong khi đó, điều quan trọng không phải là ngành gì mà học tốt bất kỳ ngành nào cũng sẽ có cơ hội đạt thu nhập mong muốn. Thực tế có những học viên trường nghề có quá trình thực tập tốt đã được doanh nghiệp “bốc” về làm việc ngay.

Thái độ lao động nghiêm túc

ThS. Hoàng Quốc Long – Hiệu trưởng Trường TC Nguyễn Tất Thành – nhấn mạnh thêm yếu tố thái độ làm việc của người lao động. Ông Long cho rằng, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hay than phiền về việc lao động nước ta thiếu tính kỷ luật, dễ bỏ việc nhất là khi mâu thuẫn, xung đột xảy ra. Điều này sẽ bất lợi cho chính họ khi tham gia thị trường lao động thời hội nhập, nơi đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao.

Các em học sinh chăm chú nghe Ban tư vấn chia sẻ thông tin về các hướng lựa chọn ngành nghề, thị trường lao động

Ngoài ra, đa phần các công ty yêu cầu “có kinh nghiệm làm việc” khi tuyển dụng khiến những người học nghề lo ngại. Để tăng sức cạnh tranh, ThS. Trần Thị Thúy Hằng – Phó Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn – khuyến khích người học nghề tích cực trải nghiệm, làm thêm. “Sinh viên vừa học vừa làm có hai thuận lợi là tạo được thêm một phần thu nhập hàng tháng và rèn kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu “kinh nghiệm” của nhà tuyển dụng”, bà Hằng nói.

Nhiều ý kiến khác cùng đồng tình rằng, thời điểm nước ta gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, lao động được tự do di chuyển trong khu vực thì người lao động dù ở trình độ nào cũng cần phải “nâng cấp” mình. Bởi người tốt nghiệp ĐH nếu không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng hoặc môi trường làm việc đều có thể bị đánh bật ra. Và ngược lại, người học nghề, tốt nghiệp TC… hoàn toàn có được chỗ đứng một khi hội đủ kiến thức, kỹ năng, tay nghề mà thị trường lao động đòi hỏi.

Bài, ảnh: Mê tâm

Ông Phạm Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long, đánh giá cao hiệu quả thiết thực của chương trình tư vấn hướng nghiệp “ĐH không phải con đường duy nhất” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức. Theo ông Hồng, chương trình đã kịp thời cung cấp thông tin, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ học sinh làm hồ sơ  lựa chọn ngành nghề, đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ cũng như những thông tin cần thiết về nhu cầu nhân lực, yêu cầu của thị trường lao động… để các em nhanh chóng nắm bắt.

 

Bình luận (0)