Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Mua bán quân phục: Biết sai vẫn làm

Tạp Chí Giáo Dục

Việc mua bán quân phục trái phép cần được kiểm tra chặt chẽ

Không khó để mua

Chỉ cần một bộ quân phục kèm theo công cụ hỗ trợ y như thật, kẻ xấu đã có thể ung dung đóng màn kịch do mình dựng lên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64 – Công an TP.HCM), gần đây, nhiều đối tượng giả danh lực lượng chức năng để uy hiếp, lừa gạt người nhẹ dạ. Nhiều nhất là giả danh lực lượng CSGT để chặn xe lấy tiền. Vừa qua, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng là Chu Ngọc Hải (36 tuổi, ngụ quận 1, đã có 1 tiền án tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) và Ngô Tấn Hoàng Anh (37 tuổi, ngụ quận 4) để làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hai đối tượng này đã thừa nhận mua quân phục, súng và roi điện tại chợ Dân Sinh (Q.1) để giả danh công an lừa các cửa hàng điện thoại di động. 

Từ lâu, khu vực chợ Dân Sinh nổi tiếng trong việc kinh doanh các mặt hàng kỷ vật chiến tranh, máy móc gia dụng, dụng cụ bảo hộ lao động. Ngoài ra, chợ Dân Sinh còn là điểm đến của những ai muốn tìm cho mình một bộ quân phục. Nhiều người vẫn truyền tai nhau rằng cứ đến chợ Dân Sinh là có thể mua quân phục dễ như… trở lòng bàn tay. Hiện nay, quân phục không được bày bán công khai tại các sạp ở chợ Dân Sinh như trước nữa để đề phòng sự kiểm tra gắt gao của các cơ quan chức năng. Muốn tìm mua quân phục ở đây cần phải có người quen giới thiệu hoặc mật mã mà chỉ riêng những người giao dịch với nhau mới biết. Trong vai một khách hàng cần mua quân phục để chuẩn bị cho đợt biểu diễn văn nghệ tại công ty, chúng tôi có mặt tại một sạp ở chợ Dân Sinh. Thoáng chút ngập ngừng, chủ sạp nhìn chúng tôi với ánh mắt dò hỏi rồi nói: “Trước đây tôi có bán nhưng giờ thì hết rồi. Ban quản lý chợ kiểm tra kỹ lắm, lơ mơ là bị đình chỉ hoạt động. Cũng nhiều sạp bán nhưng người ta để hàng ở nơi khác chứ không dám để ở sạp. Khi nào khách cần mua mới chạy đi lấy về giao cho khách”.

Hiện nay, nhiều kẻ xấu không cần đi đâu xa, chỉ cần ngồi tại chỗ và một cú click chuột là đã có thể mua quân phục và được giao hàng tại nhà. Tại một trang chuyên cung cấp các loại trang phục công an, những thông tin, giá cả quần áo, giày, tất, nón, thắt lưng, dây nịt… liên quan đến ngành công an đều được giới thiệu rất đẹp mắt. Một bộ quân trang có giá dao động từ 300.000 – 1 triệu đồng, tùy vào chất lượng vải, tùy vào hàng thật hay hàng nhái. Quân hàm có giá từ 150.000-250.000 đồng/chiếc…  Đi kèm theo là lời “khuyến cáo” rằng “sản phẩm trang phục công an chỉ cung cấp phục vụ cho phim ảnh, chụp hình. Không cung cấp cho khách hàng để lợi dụng vào vấn đề tế nhị”. Khuyến cáo là thế nhưng người bán cứ bán, người mua cứ mua và sử dụng vào mục đích gì thì nào ai biết. Gọi vào số điện thoại trong một trang bán quân phục qua mạng, chúng tôi được giới thiệu, hướng dẫn tận tình. Hai hình thức thanh toán là chuyển khoản trước thì sẽ nhận được hàng trong 2-3 ngày hoặc giao tiền khi nhận hàng.

Hành vi trái pháp luật

Ngày 25-9, Công an Q.2 tạm giữ hình sự hai đối tượng Bùi Văn Quyền (32 tuổi) và Nguyễn Thanh Tuấn (31 tuổi) để điều tra làm rõ hành vi “cưỡng đoạt tài sản”. Được biết, hai đối tượng này đã mua quân phục công an, còng số 8… ở “chợ trời” rồi xông vào tiệm massage, giả công an dọa kiểm tra để buộc chủ tiệm đưa tiền.

Chính việc mua bán quân phục trái pháp luật đã tạo kẽ hở cho nhiều người “muốn trở thành sĩ quan” để làm việc xấu. Theo luật sư Trần Hồng Quân, “Nghị định số 59/2006/CP của Chính phủ có quy định rõ: Quân trang, trang phục, công cụ hỗ trợ… thuộc lực lượng công an và quân đội là mặt hàng Nhà nước cấm lưu thông trên thị trường. Để được mua các công cụ hỗ trợ, các đơn vị này phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt (xin giấy phép, đăng ký sử dụng, mua ở đơn vị quy định…). Do đó, mọi hành vi mua bán các loại quân trang, quân phục trên thị trường đều là trái pháp luật”.

Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trong việc mua bán quân phục, quân trang trái phép như hiện nay thì sẽ còn nhiều vụ án liên quan đến những kẻ giả danh công an, cảnh sát… để lừa đảo những người nhẹ dạ, cả tin.

Bài, ảnh: Thục Quyên

“Theo quy định của pháp luật, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh, vận chuyển, giao nhận, tàng trữ quân trang, quân dụng (là hàng cấm) có thể bị phạt từ 500.000 – 1 triệu đồng. Phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt quy định vừa nêu đối với hành vi sản xuất hàng cấm. Thiết nghĩ, việc đẩy mạnh chế tài trong xử phạt hành chính là điều cần thiết để đẩy mạnh sức răn đe với những đối tượng có hành vi mua bán quân trang, quân phục”, luật sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh.

 

Bình luận (0)