Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hiệu trưởng trường THPT trong thời kỳ hội nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Để mở rộng tiếng nói về vai trò của người hiệu trưởng (HT) trường THPT trong thời kỳ hội nhập, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn Trường THCS, THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ, TP.HCM) xung quanh các vấn đề liên quan đến lý luận, kinh nghiệm quản lý trước những đòi hỏi cấp bách của nhà trường và xã hội.

Người hiệu trưởng phải là nguồn cảm hứng trong việc khơi gợi lòng yêu nghề của giáo viên, xây dựng cho nhà trường đời sống văn hóa học đường tốt. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: T.Tri

– TS. Huỳnh Công Minh nói: Trước hết cần nhận thức rõ đặc điểm của trường THPT – nơi đội ngũ giáo viên có trình độ và tâm huyết, ở đó HT là người quản lý và định hướng, tổ chức điều hành nhằm thúc đẩy đội ngũ làm việc và phát huy năng lực tốt nhất. Ở cấp học này không đòi hỏi HT bao biện làm thay, không làm theo thói quen, kinh nghiệm vốn có mà phải có tư duy trí tuệ để định hướng đúng đắn, tạo quỹ đạo tốt để mọi thành viên trong trường chủ động và sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, HT còn là người không ngừng học tập, tiếp nhận thông tin, nhất là trong thời đại ngày nay để mở rộng tầm nhìn, đủ sức chỉ đạo về tư tưởng và chuyên môn cho đội ngũ. Thời đại CNTT là điều kiện thuận lợi cho HT, nhưng đây cũng chính là khó khăn, nếu chúng ta không chịu học tập, nắm bắt thì sẽ thụt lùi, tụt hậu trước sự phát triển của xã hội nói chung và của giáo viên, của cả học sinh nói riêng. Đặc biệt, HT phải chọn cho mình cách sống văn minh, chân thật, gần gũi. Sống văn minh thì ắt sẽ có những suy nghĩ và cảm xúc văn minh. Thật khó có suy nghĩ và cảm xúc trong sáng trong một cuộc sống thiếu lành mạnh, văn minh. Thầy cô giáo và học sinh trung học là những người không dễ tiếp nhận chúng ta bằng lời nói mà họ có năng lực nhận thức để lượng giá và nể phục những gì chúng ta sống và làm việc. Cũng là HT với nhau, nhưng ở trường này thì giáo viên làm việc toàn tâm toàn ý, họ cùng vui với những thành công của đồng nghiệp, cùng chia sẻ những khó khăn; còn ở trường kia thì luôn kèn cựa, tranh giành, tính toán thiệt hơn… Tất cả đó là ảnh hưởng sâu sắc từ cuộc sống của thủ trưởng của họ. HT là nguồn cảm hứng, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc khơi gợi lòng yêu nghề, đức hy sinh và ý chí vượt khó cho đội ngũ.

Về quản lý, chúng ta đã qua thời kỳ tổ chức kiểm điểm phê phán lẫn nhau mà đến lúc phải xây dựng cho nhà trường đời sống văn hóa học đường, ở đó mọi người được tôn trọng, mọi giá trị đều được thống nhất tôn vinh trong sâu kín tâm hồn của mỗi thành viên nhà trường, mọi người đều lấy đó làm giá trị sống, không đối phó hình thức giả tạo.

Thưa ông, trong thực tế có một số HT có năng lực, nhiệt tình và trách nhiệm, nhưng quản lý không thành công. Vậy đâu là nguyên nhân?

– Quản lý là phải tổ chức toàn đơn vị làm việc, thực hiện nhiệm vụ chung theo từng lĩnh vực được phân công. Muốn vậy người quản lý phải định hướng đúng đắn, đề ra yêu cầu thiết thực cụ thể, phân công phân nhiệm hợp lý và động viên mọi thành viên thông hiểu, tích cực tham gia. Năng lực người quản lý bao gồm cả việc thuyết phục mọi người cùng làm. Nếu anh em chưa thông, chưa biến thành cảm xúc của cộng sự thì năng lực HT chưa hoàn thiện. HT phải đứng ở nhiều góc độ để có cái nhìn toàn diện, là người định hướng chiến lược xây dựng kế hoạch nhà trường, đồng thời đóng vai trò giáo viên để chia sẻ với kế hoạch đề ra. Phải hiểu rằng thành quả có được là của toàn đơn vị thì mới thành công. Nhiệt tình, tích cực nhưng ôm đồm bao biện không phải là cách làm của một HT giỏi.

Đến một số trường học, chúng tôi thấy có HT làm việc rảnh rang nhưng có người vô cùng bận rộn với một núi công việc, làm hoài không xong! Tại sao lại có tình trạng trái ngược đó, thưa ông?

– Như trên đã nói, HT phải có bộ máy giúp việc, nếu không sẽ rất lúng túng, khó khăn! Để có bộ máy, HT phải xác định từng lĩnh vực công việc một cách toàn diện, rồi chọn người bố trí vào các vị trí của bộ máy trước khi hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thành viên chưa biết làm. Một số HT cho rằng trường không có người để bố trí vào bộ máy! Đây là một khó khăn, nhưng bắt buộc phải chọn người để bố trí, dù sao thì cũng phải có người phụ trách, cử người rồi hướng dẫn họ ở buổi ban đầu. Sau một thời gian, nhà trường sẽ có bộ máy hoàn chỉnh. Nếu chờ có người hợp ý để bố trí thì sự trống vắng, không đồng bộ kéo dài, trở ngại công việc của nhà trường.

Một khó khăn khác là nếu người mình muốn bố trí vào vị trí nhưng họ không đồng ý thì sao? Tất nhiên đây là vấn đề cần thuyết phục của HT, giúp đỡ và cùng làm để tạo niềm tin cho đương sự, khơi gợi lòng tự hào và vinh dự khi nhận một trọng trách ý nghĩa cho sự phát triển nhà trường. Thật ra, xây dựng bộ máy giúp việc để HT rảnh rang thì không phải, mà đó là cơ hội để trả HT về với chức năng chính của mình: quán xuyến, quan sát, lắng nghe, sau khi lập kế hoạch, triển khai và bồi dưỡng đội ngũ hoạt động, giải phóng người HT ra khỏi những hoạt động sự vụ mà đúng ra HT không cần phải làm.

HT là người đứng đầu, vậy mối quan hệ giữa HT với các bộ phận khác như thế nào, thưa ông?

– Quy chế nhà trường xác định HT quản lý Nhà nước theo chế độ thủ trưởng: Chi bộ lãnh đạo theo chế độ tập thể; Công đoàn đại diện cho lực lượng giáo viên, nhân viên; Đoàn Thanh niên đại diện cho thanh niên trong nhà trường; các phó HT giúp việc cho HT. Tất cả các lực lượng ấy tồn tại để giúp nhau tổ chức và động viên thúc đẩy quá trình hoàn thành nhiệm vụ trong đơn vị. Như vậy, HT quan hệ tham mưu với lãnh đạo, quan hệ lắng nghe với đại diện. Còn đối với những người giúp việc thì phải tổ chức phân công rõ ràng, tạo điều kiện tốt để từng thành viên phát huy tối đa sở trường trong nhiệm vụ được phân công. Không đùn đẩy công việc, không đổ lỗi cho nhau và phải thực hiện thật tốt chế độ sinh hoạt định kỳ theo quy định. Có sinh hoạt định kỳ một cách dân chủ và trách nhiệm, mọi vướng mắc được giải quyết thỏa đáng minh bạch và công khai, các mối quan hệ được phát triển tốt đẹp.

“HT phải đứng ở nhiều góc độ để có cái nhìn toàn diện, là người định hướng chiến lược xây dựng kế hoạch nhà trường, đồng thời đóng vai trò giáo viên để chia sẻ với kế hoạch đề ra. Phải hiểu rằng thành quả có được là của toàn đơn vị thì mới thành công. Nhiệt tình, tích cực nhưng ôm đồm bao biện không phải là cách làm của một HT giỏi”, TS. Huỳnh Công Minh nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố quyết định của sự thành công trong công tác quản lý của người HT là sự đoàn kết. Với kinh nghiệm người quản lý lâu năm, ông thấy như thế nào về vấn đề này?

– Người ta thường nói HT là hạt nhân đoàn kết của đơn vị! Đúng vậy, vì HT là người phụ trách về công tác tư tưởng chính trị của đơn vị; là người nhận được lượng thông tin toàn diện nhất trong trường, nắm bắt đầy đủ mọi mối quan hệ giữa các thành viên nhà trường; là người có quyền lực nhất trong việc tổ chức, điều phối công việc cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của từng thành viên nhà trường.

Vì vậy, người HT hơn ai hết phải thấy hết giá trị của sự đoàn kết và phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Bác Hồ đã nói: “Phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ con ngươi của mắt mình” vì “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết; Thành công, Thành công, Đại thành công”, phải luôn vun xới tinh thần đoàn kết, phải kịp thời giải quyết những vướng mắc với nhau một cách trí tuệ và nhân văn để ngăn chặn từ trong trứng nước những mầm móng của sự bất đồng làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết của đơn vị.

Kinh nghiệm cho thấy các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao và du lịch, tham quan học tập… là những hoạt động góp phần nâng cao tình đoàn kết đơn vị bên cạnh mối quan hệ công bằng, khách quan của lãnh đạo với từng thành viên trong nhà trường.

Một số HT thích thực chất nhưng có người lại muốn chạy theo thành tích. Vậy đâu là ranh giới đúng của vấn đề này, thưa ông?

– Người HT giỏi, chân chính và khôn ngoan nhất là phải làm việc bài bản, khoa học và chuyên nghiệp để có thành tích thật, không đối phó giả tạo, hão huyền! Vì chính cái giả tạo sẽ làm mất thanh danh của mình và của tập thể, phá vỡ hệ thống giá trị chúng ta đang phải dày công vượt khó để xây dựng, là một sự tổn thất lớn khó có thể bù đắp được! Mặt khác giả tạo, đối phó vẫn phải cần công sức, nhưng rất phí công và vô nghĩa! Kết quả giả tạo sẽ bị phơi bày trước xã hội và cộng đồng của ngành trong thời đại thông tin ngày nay.

Thành tích và kết quả thật đạt được là không ranh giới, là một thể thống nhất đối với những HT chân chính và tài năng.

Xin cảm ơn ông!

Phan Ngọc Quang (thực hiện)

Bình luận (0)