Các đội đạt giải nhận phần thưởng |
Vừa qua, 122 đội robotics đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tham gia Ngày hội Robothon quốc tế lần 6 năm 2015 tại Nhà Thi đấu Phú Thọ (Q.11, TP.HCM).
Ngày hội trên do Sở GD-ĐT TP.HCM, Sở VH-TT và Hội Tin học TP phối hợp với Tổ chức Y.O.U, Công ty cổ phần DTT Eduspec tổ chức. Theo đó, Việt Nam tham dự 72 đội (31 đội đến từ Hà Nội, 17 đội Đà Nẵng và 24 đội TP.HCM), Malaysia có 25 đội, Indonesia có 19 đội và Philippines có 6 đội. Đây là sân chơi dành cho học sinh lứa tuổi tiểu học, trung học trong khu vực Đông Nam Á, mang đậm tính nhân văn và giải quyết các vấn đề hiện thực trong cuộc sống. Chủ đề của ngày hội năm nay là “Bảo tồn sinh thái” (EcoWatch) nhằm định hướng học sinh khám phá những ảnh hưởng của nạn phá rừng đến biến đổi khí hậu, chủng loài động thực vật cũng như các công nghệ đỉnh cao được ứng dụng để chống phá rừng – để mang lại sự sống cho những vùng đất đang bị khô kiệt. Theo đó, Ban tổ chức yêu cầu các “kỹ sư robot nhí” phải thiết lập giám sát thời gian thực; thu thập dữ liệu đất; thực hiện phân tích thí nghiệm; cấy hạt giống, thông qua thiết kế, xây dựng, lập trình những con robot có thể thực hiện nhiều tác vụ, thể hiện giải pháp giải quyết vấn đề. Thí sinh Lê Nguyễn Nhật Minh (học lớp 4/8 Trường Tiểu học Hoa Lư, Đà Nẵng) chia sẻ: “Em cảm thấy rất vui khi được tham gia Ngày hội robothon quốc tế lần này. Đây là nơi để chúng em thể hiện tài năng lập trình, tư duy toán học, sự khéo léo trong giải quyết tình huống điều khiển robot. Ngoài ra còn là nơi để chúng em giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các bạn học sinh nước ngoài. Qua đó rèn tính tự tin, nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh…”.
Thí sinh chuẩn bị trước khi tranh tài |
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao về môn học robotics cũng như ý nghĩa của Ngày hội Robothon quốc tế lần này. Ông cho rằng, qua môn học robotics, học sinh được tiếp thu một phương pháp học tập mới, trong đó có những kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Từ đây trang bị cho học sinh tư duy điện toán, kỹ năng lập trình. Ngoài ra, học qua thực hành đã thu hẹp khoảng cách hàn lâm – thực tiễn, hình thành cho học sinh khả năng tư duy, sáng tạo để có đủ năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường có tính sáng tạo cao thế kỷ 21.
Kiểm tra thông số kỹ thuật cho robot trước khi thi đấu
Chăm chú xem robot thi đấu |
Được biết, robotics là môn học trong chương trình giáo dục STEM, tích hợp các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, giúp trang bị những kiến thức về khoa học tự nhiên, các nguyên lý cơ bản của các loại hình robot trong thực tế cho người học. Những năm qua, môn học robotics đã được đưa vào hơn 50 trường học, đào tạo hơn 15.000 lượt học sinh tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của các em học sinh, phụ huynh và giáo viên trên cả nước.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Kết quả Ngày hội Robothon quốc tế lần 6 Hai giải nhất bậc sơ cấp, trung cấp của bảng NXT thuộc về 2 đội: Trường Tiểu học Hoa Lư (Đà Nẵng) và Câu lạc bộ Book Square (Hà Nội). Đội Trường Tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) đạt giải nhì bậc sơ cấp; đội Trường Tiểu học Trung Văn (Hà Nội) đạt giải ba bậc sơ cấp. Ở bảng NV3, đội Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đạt giải 3 (ở bảng này không có giải nhất, giải nhì). Trong khi đó, các đội đến từ Malaysia đạt 3 giải nhất, 4 giải nhì, 2 giải ba ở hai bảng. |
Bình luận (0)