Ngày 31-12 hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, những thuận lợi – khó khăn về chất lượng nguồn nhân lực… dần lộ diện. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Chúng ta có gì để hội nhập? Cái ta có như thế nào?…
Giờ học của sinh viên Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: L.Quang |
Thiếu lao động tay nghề cao
Các chuyên gia lo ngại, người lao động trực tiếp ngày càng ít đi, rồi đa số người lao động sẽ trở nên không chuyên nghiệp, phải làm trái ngành nghề và hệ quả tất yếu là thất nghiệp. Dẫn chứng được lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề đưa ra để nhận định về những lo ngại này là con số cử nhân thất nghiệp ngày một gia tăng: Năm 2013 là 166.000 người, năm 2014 lên 174.000 người và đến năm 2015 là 199.000 cử nhân. Trong khi tỷ lệ người lao động đi học nghề chỉ đạt 38,5%, đây chính là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động thấp.
TS. Đỗ Mạnh Cường – Viện Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) – cho rằng: Không phải do lao động người Việt “kém”, mà do cách đào tạo còn giáo điều, chưa sát với thực tiễn, môi trường trong nhà trường. Dẫn chứng thêm, TS. Vũ Xuân Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, (Tổng cục Dạy nghề) nhận định: “Những thách thức, hạn chế của nhân lực lao động Việt Nam đó là đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy: Năng suất của lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á – Thái Bình Dương và ở ASEAN, chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan”.
Đánh giá sát sườn với thực tế lao động có tay nghề ở Việt Nam, TS. Cường nhìn nhận: Nguyên nhân không phải do người Việt kém mà là do cách đào tạo còn yếu, chưa đạt! Vì môi trường trong nhà trường là môi trường giả định và rất khác với doanh nghiệp (DN). Bài dạy trong nhà trường là tư duy sáng tạo để giải bài tập, còn DN cần người sáng tạo ra giá trị cho DN. Kỷ luật nhà trường khác xa với kỷ luật của nơi sản xuất. HSSV không thể “sống” mãi trong nhà trường, mà phải “sống” trong DN, phải hiểu văn hóa và tư duy của DN. Chỉ đào tạo nghề không thôi thì chưa đủ, cần phải đào tạo cả thái độ nghề nghiệp, người học phải học lao động chứ không phải học vài động tác thực hành. Bên cạnh đó, giảng viên dạy nghề phải sống với cái điều người đó dạy mới có thể đem lại kiến thức, kinh nghiệm, năng lực, giá trị sống hữu ích cho người học.
Có nhiều thuận lợi nếu biết nắm bắt
SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thực tập tại xưởng cơ khí của Tập đoàn Bosch Việt Nam. Ảnh: L.Q |
Theo TS. Nguyễn Hồng Minh – Phó Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, giữa dạy nghề và đào tạo “thầy” đang không ăn nhập với nhau và đã được cảnh báo từ rất lâu. Để đón đầu hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020, đặc biệt là trước sự kiện Việt Nam tham gia hội nhập ASEAN, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với mục tiêu nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN.
TS. Vũ Xuân Hùng cũng đề xuất: Giải pháp giải quyết cụ thể những yếu kém này là Việt Nam cần ký kết các hiệp định công nhận văn bằng; chuyển đổi tín chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực dạy nghề; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN để hội nhập quốc tế; triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia…
GDNN của chúng ta lạc hậu, ai cũng biết, cũng hô hào thay đổi nhưng muốn thay đổi mạnh mẽ, cần phải có “khung trình độ chuẩn” trong nước, và ASEAN. GS.TS Nguyễn Lộc mong muốn: “Sự phát triển của một khung đảm bảo chất lượng ASEAN toàn diện vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Cho nên, cần có sự cam kết lâu dài của các nước tham gia và đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ trong và giữa các bộ ngành, các bên liên quan”.
Việc hình thành Cộng đồng ASEAN, GDNN cũng như nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam sẽ đương đầu với khó khăn, thách thức. Song cũng có nhiều cơ hội, thuận lợi để phát triển. “Đó là số việc làm cho lao động của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Việc lao động qua đào tạo được di chuyển tự do theo thỏa thuận trong Cộng đồng ASEAN ở 8 lĩnh vực ngành nghề là dịch vụ kỹ thuật; điều dưỡng; kiến trúc; khảo sát; y khoa; nha khoa; kế toán và du lịch. Đó là cơ hội giáo dục cho GDNN Việt Nam phát triển”, TS. Hùng cho biết thêm.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)