Trăn trở với nỗi niềm học sinh quay lưng với môn Sử bởi cách dạy – cách học thiếu hấp dẫn, nhàm chán, thầy giáo Vũ Hoàng Sơn (Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, TPHCM) đã thiết kế phần mềm “Học Lịch sử lớp 4 trực tuyến”. Đây là một trong những sản phẩm dạy học sáng tạo được trưng bày tại triển lãm “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” cấp thành phố năm 2016.
Thầy Vũ Hoàng Sơn và một trang hiển thị trong phần mềm “Học Lịch sử lớp 4 trực tuyến”
Với tiêu chí “đơn giản – thân thiện – tiện dụng”, sản phẩm này thiết kế dựa theo ý tưởng một “gameshow”, phần mềm học Sử trực tuyến đã mang lại sự ngạc nhiên, thích thú cho học sinh lẫn giáo viên tiểu học. Không chỉ chứa đựng đầy đủ các bài học trong chương trình sách giáo khoa, học sinh còn được khám phá, mở mang kiến thức qua các trò chơi như điền vào chỗ trống, giải ô chữ… Đặc biệt hơn là phần mềm được xây dựng phù hợp với Thông tư 30 về đổi mới cách đánh giá học sinh theo năng lực cá thể. Khi các em làm đúng thì màn hình sẽ hiện ra dòng chữ cổ vũ “Hoan hô bạn trả lời đúng” cùng bông hoa biểu hiện khuôn mặt cười. Ngược lại, làm sai sẽ hiện ra lời nhắc nhở “Rất tiếc, bạn làm sai rồi” cùng bông hoa biểu hiện khuôn mặt buồn. Lướt qua màn hình và giới thiệu về những bài học Sử lớp 4 đầy sinh động, em Lê Minh Thư, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Bình Hòa, nói: “Nhờ phần mềm này chúng em cảm thấy học môn Sử thật nhẹ nhàng, dễ hiểu”.
Sự kết hợp hài hòa giữa chơi và học, học và chơi đã kích thích sự tò mò, thích thú của học sinh trong hành trình khám phá kiến thức – Sử Việt. Khi được xem những đoạn phim, nhạc, hình ảnh sinh động…, học sinh cảm thấy nhớ nội dung bài học nhanh hơn và yêu thích học môn Sử. Ngoài điểm nhấn ưu việt của phần mềm là học sinh có thể học bài ở bất kỳ nơi đâu miễn có trong tay một chiếc máy tính, phụ huynh cũng dễ dàng đồng hành – cùng học, cùng chơi với con em mình. Đặc biệt, phần mềm này cũng giúp các giáo viên tiểu học sử dụng để giảng dạy sinh động hơn. Thay vì phải mày mò tìm kiếm tư liệu, các bộ phim lịch sử, giáo viên đã có sẵn nguồn tư liệu quý giá để truyền tải kiến thức cho học sinh một cách hấp dẫn. Điều này tác động đến việc thay đổi cách dạy truyền thống từ lối truyền thụ kiến thức một chiều sang cách dạy học tích cực – “lấy học sinh làm trung tâm” và “thầy thiết kế – trò thi công” hiệu quả.
Thầy Vũ Hoàng Sơn bộc bạch: “Từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thiện phần mềm học Sử trực tuyến này, tôi mất cả năm trời thu thập tìm kiếm nguồn tư liệu chính thống từ phim, tài liệu lịch sử. Sản phẩm tâm huyết của tôi cũng chính là luận văn tốt nghiệp thạc sĩ và tôi muốn đưa những nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đổi mới giảng dạy theo hướng tích cực”. Không chỉ chia sẻ niềm hạnh phúc khi sản phẩm dạy học sáng tạo của mình có thể áp dụng rộng rãi trong trường học, thầy Vũ Hoàng Sơn mong muốn niềm đam mê yêu Sử Việt được nuôi dưỡng, lan tỏa trong học sinh tiểu học.
KHÁNH HÀ/ SGGP
Bình luận (0)