Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chuẩn bị cho trẻ vào mẫu giáo ngay từ hè

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là lời khuyên của những phụ huynh đã từng trải qua những ngày tháng khó khăn khi con đến tuổi vào mẫu giáo.

Ông bà đưa cháu đến trường mầm non để làm quen với môi trường mới trong hè

Cho trẻ làm quen với môi trường học đường

Theo kinh nghiệm của chị Trần Thị Út Hiền (ở quận Gò Vấp, TP.HCM), phụ huynh nên chủ động cho con làm quen với trường mầm non ngay từ những ngày hè trước khi bé vào học chính thức, nhằm chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho trẻ. Chị Hiền kể: “Tôi vẫn nhớ lần đưa con gái lớn nhập học ở một trường mầm non trên địa bàn quận, cháu sợ hãi ôm chặt cổ tôi, khóc thét và liên tục đòi về nhà. Sau một tuần đi học, cháu luôn có biểu hiện sợ sệt, sụt cân, mệt mỏi và thường khóc lóc đến độ cô giáo không thể dỗ nổi. Tôi đành cho cháu nghỉ ở nhà để chờ năm sau vào học”.

Theo lời khuyên của cô giáo, vợ chồng chị Hiền chủ động giúp con thích nghi dần với không khí của trường học bằng cách hay chở con ngang qua các trường mầm non. Song song đó chị Hiền còn cho con gái xem clip về các ngày hội vui nhộn ở trường mầm non trên mạng, hoặc nhờ cháu gái (đang học lớp lá) dạy cho bé hát, múa những bài cô giáo dạy ở trường… Và thật ngạc nhiên là khi vào học chính thức (năm sau – PV), con gái chị đã bắt đầu thay đổi thái độ mỗi khi đến trường. Bé hay khoe với cha mẹ là có nhiều bạn mới, thích kể chuyện và múa hát cho ông bà xem. Bây giờ đến lượt con trai nhỏ sắp vào mẫu giáo, chị Hiền không còn phải lo lắng nhiều như trước. Bởi bé vốn đã thích thú không khí ở trường mầm non do thường xuyên được đi đón chị Hai, được đến trường chị Hai tham dự các hoạt động vui nhộn vào dịp lễ, Tết…

Tương tự, từ kinh nghiệm cho hai con trai lớn làm quen với môi trường học đường trong những ngày hè, chị Phương Tâm (ở quận 10) lại tiếp tục cho con trai út vào học hè ở một trường mầm non trên địa bàn quận. Vì bé còn nhút nhát và hay lấy đủ lý do (bị ốm, trời mưa…) để xin được ở nhà với mẹ, nên chị Phương Tâm xin cho con học nửa buổi trong 2 tuần liền. Để phòng con quấy khóc quá mức mà cô giáo không thể can thiệp, chị đã cho số điện thoại để nhà trường tiện liên lạc trong trường hợp cần cho bé về. Mặt khác, để tập cho con quen dần nề nếp và kỷ luật, chị Phương Tâm còn nghĩ ra cách cho con đến trường với tâm lý nhẹ nhàng bằng cách chở đi chơi lòng vòng, rồi sau đó mới “rủ” con đến trường. Trong trường hợp con khóc, chị kiên quyết không nấn ná mà rời khỏi cổng trường để cô giáo dỗ dành con dễ dàng hơn.

Chuẩn bị kỹ “hành trang” cho trẻ

Theo kinh nghiệm của nhiều giáo viên Trường Mầm non tư thục Minh Đức (huyện Hóc Môn), phần lớn trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo (3 tuổi) đều có sự miễn cưỡng khi phải xa người thân để đến một môi trường mới lạ. Có trẻ sẽ thích ứng với môi trường mới rất nhanh, nhưng có trẻ phải mất cả tháng hoặc cả một học kỳ mới quen được. Nếu chuẩn bị không kỹ về tâm lý, trẻ sẽ bị sốc, dị ứng với việc đi học, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm sinh lý sau này.

Phụ huynh dạy con tự lập càng sớm càng tốt

Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Công ty TNHH Tâm lý trẻ), trẻ ở độ tuổi chuẩn bị vào mẫu giáo thường có hội chứng sợ trường lớp, sợ xa cách cha mẹ… Do đó, để trẻ hứng thú với việc đến trường, cha mẹ nên cho con đến thăm trường và khung cảnh lớp học để trẻ có cảm giác thân quen và tránh được tâm lý sợ hãi khi vào học chính thức. Bên cạnh đó, phụ huynh nên dạy con tự lập càng sớm càng tốt, đặc biệt là cách chăm sóc bản thân như ăn uống, đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh…, để khi vào môi trường mới, trẻ không quá hụt hẫng. Mặt khác, cha mẹ cũng cần làm quen với việc tách rời con mình, cho con làm quen với nhiều người, cho con đi chơi ở nhiều môi trường khác nhau…, giúp trẻ cảm thấy rằng ngoài môi trường của gia đình, thì những môi trường khác như trường học cũng thú vị và an toàn.

Thực tế những ngày đầu tiên ở trường mầm non, không ít trẻ bị tình trạng ho, sốt, ói, bứt rứt, chán ăn, sụt cân, dễ nhiễm bệnh. Bên cạnh những rối loạn về dinh dưỡng, trẻ mới đi học cũng có những biểu hiện rối loạn tâm sinh lý. Cụ thể, trẻ có thể kêu đau bụng, khóc nhiều, không chịu vào lớp hoặc trở nên nhút nhát lạ thường. Sợ xa cha mẹ cũng thể hiện qua những triệu chứng như rối loạn giấc ngủ, ngủ mơ, nói sảng, thậm chí rối loạn tiểu tiện (như đái dầm, nín tiểu)… Do không biết làm gì giúp con cải thiện tình trạng trên, nên có không ít phụ huynh đã cho con nghỉ học, hoặc có trường hợp dùng cách hù dọa để buộc trẻ phải đến trường. Tuy nhiên, khi con đã đến lớp, cũng có không ít phụ huynh lo lắng “không biết cô giáo có thương yêu con mình không, có cho con ăn uống đầy đủ không, con khóc cô giáo có dỗ dành không…”. Các nhà tâm lý học đã kết luận rằng chính sự bất ổn về tâm lý của cha mẹ là nguyên nhân gây nên sự sợ hãi của con trong những ngày đầu tiên đi học.

Do đó, trước khi cho trẻ đi học vài tháng, phụ huynh cần nói chuyện thường xuyên với con, hãy “vẽ” ra một bức tranh thú vị về ngôi trường mà trẻ sẽ đến học, với những điều hấp dẫn như “con sẽ cùng với bạn chơi trò bác sĩ, có cô giáo dạy con múa hát…”. Trong khi nói chuyện với con, cha mẹ hãy giải thích cho trẻ hiểu khi đi học thì cha mẹ, ông bà làm gì? và nên cho trẻ biết là chỉ ở trường ban ngày thôi, buổi chiều cha mẹ lại đón con về nhà. Một mẹo nhỏ nữa là phụ huynh hãy cùng con đếm ngược thời gian để tạo hứng thú cho ngày đầu đến trường của trẻ. Những lúc đưa con đến trường, cha mẹ hãy trò chuyện vui vẻ, thân mật với cô giáo trước mặt con. Điều này tưởng đơn giản nhưng lại rất quan trọng. Vì về mặt tâm lý, khi trẻ thấy cha mẹ tỏ ra thân thiết với cô giáo sẽ giúp trẻ  có cảm giác an tâm rằng cô giáo cũng yêu thương, gần gũi với mình.

Bài, ảnh: B.Vân

Bình luận (0)