Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xây bể ngầm chứa nước 
trong công viên

Tạp Chí Giáo Dục

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco) vừa có đề xuất xây dựng hàng loạt bể chứa nước ngầm trên địa bàn TP.HCM.

Xây bể ngầm chứa nước 
trong công viên 
Thủy đài trên đường 3 Tháng 2 dự kiến trong tháng 7 này sẽ được triển khai tháo dỡ để thực hiện bể chứa nước ngầm – Ảnh: HOÀI LINH

Kế hoạch trên được cho là một trong những biện pháp phục vụ cho chương trình cấp nước an toàn trước những biến động bất thường chất lượng nước sông trong tình trạng biến đổi khí hậu cũng như khắc phục những bất cập trên mạng lưới cấp nước…

Những bể chứa nước ngầm dự kiến được xây dựng tại vị trí các thủy đài (sau khi phá bỏ) và tại các công viên lớn rải đều ở các quận, huyện.

Từ vài ngàn đến vài chục ngàn mét khối

Các bể chứa nước ngầm dự kiến làm tại công viên Gia Định, Thảo cầm viên Sài Gòn, khu vực Q.7, công viên Phú Lâm, Nhà máy nước ngầm Tân Phú và công viên văn hóa Gò Vấp.

Kế hoạch xây dựng các bể chứa nước ngầm này dựa trên đề xuất trước đó của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong đó dự kiến có thể triển khai bể chứa nước ngầm tại công viên Gia Định trước với dung tích chứa 35.000 – 36.000m3 nước sạch.

Ngoài việc xây dựng các bể chứa nước ngầm quy mô lớn, Sawaco đang đề xuất tháo dỡ bảy đài nước hình nấm, đồng thời hợp tác đầu tư xây dựng các bể chứa nước ngầm quy mô nhỏ từ 1.000 – 8.000m3.

Theo Sawaco, dự kiến trong tháng 7 này sẽ triển khai thủ tục tháo dỡ trước đài nước trên đường 3 Tháng 2 để thực hiện bể chứa nước ngầm trước rồi đánh giá rút kinh nghiệm trước khi triển khai các bước tiếp theo.

Việc xây dựng các bể chứa nước sạch này cũng được “manh nha” từ thời điểm xảy ra sự cố lưới điện 500kV (ngày 22-5-2013) khiến 22 tỉnh thành phía Nam bị mất điện, trong đó có hàng loạt nhà máy cấp nước sạch tại các tỉnh phía Nam và trên địa bàn TP.HCM phải ngưng hoạt động.

Sau sự việc trên, tổng giám đốc Sawaco lúc đó là ông Trần Đình Phú đã đề xuất UBND TP cho phép nghiên cứu xây dựng một số bể chứa nước ngầm quy mô lớn đề phòng các sự cố trên hệ thống cấp nước.

Cũng theo ông Phú, việc xây dựng bể chứa nước ngầm đã thực hiện thành công ở một số nước trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản…

Đặc biệt đợt hạn mặn năm 2016 vừa qua, trạm bơm nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp (công suất 300.000m3/ngày) đã hàng chục lần ngưng lấy nước trên sông Sài Gòn do độ mặn trên sông vượt ngưỡng 250mg/lít. Tình hình mặn cũng xảy ra tại sông Đồng Nai buộc Nhà máy nước Bình An 100.000m3/ngày cũng phải nhiều lần ngưng bơm nước.

Hiện nay sông Sài Gòn và sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước chính cho người dân trên địa bàn TP.HCM. Vì vậy chất lượng nước các con sông này “có vấn đề” cũng sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn TP.

Với công nghệ cấp nước hiện nay, các nhà máy xử lý nước thô xong bơm vào bể chứa nước sạch, sau đó bơm vào hệ thống đường ống đến tận các hộ dân. Mặc dù một số nhà máy như Thủ Đức, Tân Hiệp có đầu tư thêm bể chứa nước sạch nhưng dung tích chứa khiêm tốn nên khó duy trì được lâu khi xảy ra sự cố về nguồn nước, nhà máy…

Để cụ thể hóa việc xây dựng các bể chứa nước ngầm tại các công viên, mới đây UBND TP đã yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp Sawaco tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học để làm rõ tính khả thi, nguồn vốn đầu tư, cơ chế và thời gian thực hiện các bể chứa nước ngầm trên.

Khắc phục bất cập 
mạng lưới cấp nước

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Thanh Giang, phó tổng giám đốc Sawaco, cho rằng việc xây dựng các bể chứa nước sạch còn có nhiệm vụ khắc phục một số bất cập trên mạng lưới cấp nước hiện nay.

Cụ thể hiện nay các nhà máy nước dọc sông Sài Gòn, Đồng Nai đặt tại các địa bàn như Thủ Đức, huyện Củ Chi cách xa khu vực cuối nguồn các huyện như Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh vài chục kilômet. Vì vậy áp lực nước giữa đầu nguồn và cuối nguồn không được đồng đều.

Ở khu vực đầu nguồn, áp lực nước quá mạnh (còn có nguy cơ gây xì bể ống), trong khi đó khu vực cuối nguồn nước chảy yếu. Tương tự, chất lượng nước tại khu vực đầu nguồn và cuối nguồn cũng không đồng đều khi nước đầu nguồn thừa hóa chất diệt khuẩn nhưng cuối nguồn lại thiếu.

Cũng theo ông Giang, các bể chứa nước ngầm này không chỉ là nơi dự trữ mà còn được sử dụng làm trạm bổ sung châm hóa chất diệt khuẩn và phân phối. Các bể chứa sẽ có hệ thống bơm, kết nối với hệ thống đường ống cấp nước hiện hữu.

Tuy nhiên, ông Giang cho biết việc xây dựng bể chứa nước ngầm tại các công viên mới dừng lại ở “ý tưởng”. Mặc dù các vị trí đã được xác định cụ thể nhưng quy mô đầu tư, hình thức đầu tư, nguồn vốn… vẫn đang được các đơn vị tiếp tục nghiên cứu.

Đặc biệt theo ông Giang, theo quy hoạch cấp nước TP.HCM đến năm 2025 được Chính phủ phê duyệt thì chưa có nội dung xây dựng các bể chứa nước ngầm quy mô này. Do đó để có cơ sở pháp lý triển khai, các cơ quan chức năng phải trình Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung quy 
hoạch trên.

Mỗi bể chứa nước phục vụ nhiều quận, huyện

Theo Sawaco, sáu bể chứa nước ngầm lớn phục vụ nhiều quận, huyện. Cụ thể, bể chứa nước ngầm tại Thảo cầm viên phục vụ cho khu vực trung tâm TP; bể chứa nước tại công viên Gia Định và công viên văn hóa Gò Vấp để cấp nước cho khu vực Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh; bể chứa khu vực đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) cấp nước cho Nhà Bè, Cần Giờ. Còn bể chứa nước khuôn viên Nhà máy nước ngầm Tân Phú, bể chứa nước ngầm công viên Phú Lâm phục vụ các khu vực khác như huyện Bình Chánh, khu vực dân cư phía tây và tây nam TP.

Ý kiến chuyên gia

GS.TSKH LÊ HUY BÁ 
(Viện môi trường, ĐH Công nghiệp TP.HCM):

Xây bể ngầm chứa nước 
trong công viên 
Ảnh: QUỐC THANH

Cần đánh giá kỹ khả năng biến đổi chất lượng nước

Nếu TP.HCM có chủ trương xây dựng các hồ chứa nước góp phần lưu giữ nước chống ngập trong mùa mưa, cấp nước trở lại cho mùa khô thì tôi rất đồng tình, ủng hộ.

Còn nếu TP xây các hồ ngầm để trữ nước đã xử lý (nước cấp), xem đây như cái kho dự trữ loại nước này thì tôi rất băn khoăn, phải tính toán rất kỹ lưỡng mọi khía cạnh kinh tế lẫn khả năng duy trì chất lượng nước.

Về lâu dài, khi trữ nước đã xử lý rồi (hiện tại đây là loại sản phẩm được sử dụng liên tục, ít có sản phẩm tồn kho một thời gian dài) thì phải tính toán, đánh giá rất kỹ lưỡng những khả năng biến đổi của chất lượng nước.

Nước trữ một thời gian, lượng chlorine sẽ bay hơi dần và khả năng diệt khuẩn sẽ bị giảm thiểu. Trong điều kiện thiếu oxy trao đổi, quá trình thiếu khí, rồi kỵ khí sẽ diễn ra một cách tự nhiên, ngoài mong muốn.

Đó là chưa kể khi trữ nước thì việc đảm bảo giữ gìn vệ sinh, chống các loại côn trùng, định kỳ phải làm vệ sinh bể…, tôi nghĩ vấn đề không phải đơn giản và có lẽ sẽ rất tốn kém.

Nói tóm lại, mọi việc cần phải cân nhắc, nghiên cứu sâu ở nhiều khía cạnh cả 
kinh tế lẫn các yếu tố khoa học, kết hợp với các dự báo về lâu dài, song cá nhân tôi cho rằng không nên đầu tư tốn kém các bể chứa nước khổng lồ chỉ làm một chức năng duy nhất là một cái kho trữ nước cấp.

Nhưng nếu trong các công viên mà xây dựng các hồ trữ nước mưa dư thừa mùa mưa, cấp cho mùa khô thiếu nước thì lại là một chuyện nên làm.

* TS VÕ KIM CƯƠNG (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):

Xây bể ngầm chứa nước 
trong công viên 
Ảnh: HỮU KHOA

Không nên dùng ngân sách đầu tư cho dự án loại này

Trong hoàn cảnh nợ công đã đến giới hạn như hiện nay, việc lựa chọn đầu tư vào đâu là rất khó khăn, rất cần thận trọng. Về kỹ thuật cũng cần lưu ý điều kiện địa chất thủy văn của thành phố. Hiện nay chưa có những khối tải trọng lớn tập trung như các bể nước khổng lồ đó, thành phố cũng đã đang lún khá nhanh.

Tuy nhiên, trong trường hợp có đầy đủ cơ sở khoa học và xác định việc cần thiết phải đầu tư loại công trình nói trên, về nguyên tắc khi người dân được dùng nước sạch thì người dân phải trả tiền. Công ty cấp nước huy động vốn đầu tư và thu tiền nước để thanh toán chi phí. Nhà nước kiểm soát giá nước theo nguyên tắc quản lý công ty độc quyền tự nhiên.

Như vậy, nguồn vốn là huy động từ xã hội, có thể hình thức trái phiếu công là khả thi nhất. Hình thức BOT là khả thi đối với các công trình giao thông, trong trường hợp cấp nước, nhà đầu tư BOT phải tính được phương án hoàn vốn mới biết có khả thi hay không.

Nhà nước có thể tạm ứng vốn (nếu có sẵn) hay chỉ hỗ trợ phần nào khi cần thiết thôi. Không nên dùng ngân sách đầu tư cho dự án loại này.

GIÁNG HƯƠNG ghi

 

QUANG KHẢI/TTO

 

Bình luận (0)