Từ ý nghĩ tận dụng giấy báo, chai lọ không còn sử dụng đem bán kiếm tiền giúp các bạn đồng trang lứa, một nhóm tình nguyện với tên gọi trìu mến “Ve chai sinh viên” đã ra đời cách đây hơn ba năm.
Hai thành viên CLB Kết nối phân loại ve chai cho vào bao – Ảnh: K.N. |
Cứ đều đặn sáng chủ nhật hằng tuần, hơn 50 thành viên CLB Kết nối (Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội) lại “ra quân” thu gom giấy vụn, sách báo cũ và cả chai lọ từ những phòng trọ trong ký túc xá các trường đại học. Một đội khác lân la ở các xóm trọ, khu dân cư ở thị trấn Châu Quỳ (Gia Lâm) – nơi trường đóng quân – để xin người dân ve chai.
Ngày cuối tuần ý nghĩa
Những điều ý nghĩa
Quỹ ve chai đã dùng tiền thu được để tổ chức những bữa cơm cho trẻ em lang thang cơ nhỡ và tặng quà những cụ già neo đơn. Nhóm cũng đã tổ chức các đợt thu gom quần áo cũ để tặng trẻ em vùng cao tránh rét, hay bữa tiệc rước đèn ông sao trong đêm trung thu cho trẻ em trong khu phố.
|
“Những ngày chủ nhật thời gian gần đây của tôi có ý nghĩa hơn so với trước kia chỉ ngủ nướng hay đi chơi đâu đó” – Bùi Thị Thanh Hải, sinh viên năm 1 khoa tài nguyên môi trường, thành viên CLB Kết nối, nói.
Thanh Hải đến với CLB là một sự tình cờ khi ngày nọ có nhóm bạn đồng trang lứa đến gõ cửa xin ve chai. Thấy lạ cô làm quen, tìm hiểu và đăng ký thành viên ngay, để rồi những ngày cuối tuần sau đó lại lân la các khu dân cư gần trường vận động bà con tặng những thứ không dùng đến.
Ngày đầu xách bao đi xin ve chai, Hải đỏ ửng cả mặt khi gặp mấy chàng trai trong khu ký túc xá cứ ghẹo. Có lúc cô sinh viên năm 1 tưởng chừng không vượt qua được, nhưng rồi khi thấy niềm vui của những đứa trẻ mình giúp, niềm hạnh phúc của những người bạn đồng trang lứa có tiền đóng học phí đã giúp Hải gắn bó với nhóm hơn nửa năm nay. Hải không còn những ngày chủ nhật vui chơi cho bản thân, nhưng ngược lại cô nói mình có một môi trường mới với công việc thật ý nghĩa.
Nguyễn Văn Nhất, chủ nhiệm CLB, kể: “Trong nhóm có một bạn nam từng bị một cái tát từ một chú đứng tuổi vì cho rằng “mày đi ăn trộm nhà ông chứ xin xỏ gì”. Cả nhóm hôm đó ai cũng buồn nhưng rồi cố động viên nhau “chắc người ta hiểu lầm”. Vì đâu đó vẫn còn những bác lớn tuổi lúc nào cũng để sẵn một đống thùng giấy chờ các bạn sinh viên đến lấy. Hay có bác lâu ngày mình không đến lại trách yêu: “Sao lâu quá không thấy làm bác chờ mãi”, lại thấy lòng nhẹ nhõm và thêm động lực”. Mỗi tuần số tiền thu được khoảng 400.000 đồng – một con số không thật lớn nhưng niềm vui nó mang đến cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp ý nghĩa hơn nhiều.
Kế hoạch nhỏ giúp bạn
Cách đây hơn ba năm, Trịnh Đức Hạnh (người đưa ra ý tưởng thành lập CLB) bỗng dưng nghĩ đến chuyện thu gom ve chai giúp những người bạn trong ký túc xá trong một lần dọn nhà. Thấy đống giấy vụn nhiều nên Hạnh tiếc, giữ lại không nỡ vứt đi, “mỗi người thì ít nhưng nếu nhiều nhà góp lại sẽ được nhiều”.
Ý nghĩ đó chỉ chợt thoáng qua trong chàng trai trẻ, nhưng nó thật sự thôi thúc khi anh biết được trường hợp một bạn nữ trong ký túc xá đang có nguy cơ nghỉ học vì gia đình không có tiền gửi đóng học phí. Hạnh về thuật lại câu chuyện và cả ý tưởng cho nhóm bạn cùng khu ký túc xá và nhận được nhiều lời tán đồng.
Bảy thành viên đầu tiên của nhóm Ve chai sinh viên (trước khi đổi tên thành CLB Kết nối) bắt đầu lân la khắp ký túc xá xin giấy vụn, sách báo cũ hay đơn giản là chai nước ngọt đã sử dụng. Những hộ dân sống gần đó cũng là điểm đến của nhóm, nhưng không phải ai cũng tin tưởng “một đám trẻ đi làm chuyện bao đồng” – lời một bác lớn tuổi phán khi nghe nhóm trình bày chuyện xin ve chai.
Cũng vài cái liếc mắt, dăm ba tiếng chửi đổng, những ánh mắt dò xét, nhưng bù lại ngày hội thu có thể có được vài chục ký ve chai, bán tròm trèm hơn 70.000 đồng. Rồi mấy cô cậu sinh viên lại lân la tìm đến chỗ bạn bè thân quen vừa mời gọi, vừa thuyết phục để rồi những ngày hội thu sau đó cũng kiếm đủ 200.000 đồng/ngày.
Loan, cô sinh viên nhận được số tiền chứa đựng nhiều tình cảm của những người bạn cùng trang lứa đã không cầm được nước mắt. Loan nói: “Có thể không phải số tiền đó mà chính tình cảm của các bạn đã tiếp thêm động lực để tôi có thể vượt qua được nghịch cảnh lúc đó”. Bây giờ đã ra trường rồi đi làm, cứ mỗi khi có dịp Loan lại tìm đến CLB để ủng hộ một phần tiền lương của mình giúp đỡ các bạn sinh viên khó khăn như cách mình từng nhận được.
PHI LONG / Tuoi Tre
Bình luận (0)