'Để làm tốt một công việc nào đó, điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là mình phải thích. Nếu chọn một công việc mà mình không muốn thức dậy đi làm mỗi ngày thì có việc hay không cũng là thất nghiệp', Hoàng chia sẻ
Chỉ 2 năm sau khi tốt nghiệp đại học, Trần Việt Bảo Hoàng (sinh năm 1991, tại Nha Trang) đã đảm nhận chức vụ trưởng phòng PR và Marketing của một kênh truyền hình trẻ tại Sài Gòn. Để có được chỗ đứng đáng mơ ấy, từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Bảo Hoàng đã luôn tìm kiếm những cơ hội trải nghiệm để biết mình thực sự là ai, ở đâu và cần phải làm gì để thành công sau 4 năm đại học.
Cuối cấp 3, hầu hết bạn bè cùng lớp đều có một vài môn học thế mạnh để định hướng khối ngành phù hợp trong kỳ thi đại học, Bảo Hoàng nhận ra mình chính là tuýp người không có năng khiếu nào đặc biệt hay xuất sắc ở lĩnh vực gì cụ thể.
Câu nói của cô giáo: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” khiến Bảo Hoàng suy nghĩ thật nhiều trước khi đặt bút viết vào tờ đăng ký nguyện vọng tên ngành Quản trị kinh doanh thuộc một trường đại học nổi tiếng ở Sài Gòn.
“Nhiều người nói chọn ngành này tức là chưa có định hướng gì cụ thể trong tương lai, Hoàng nghĩ, nhận định đó trong trường hợp của mình là không sai. Nhưng không sao, coi như dành thêm 4 năm nữa để hỏi kỹ bản thân xem mình thực sự muốn gì và giỏi gì, còn trẻ không vội, chọn sai thì chọn lại, không sao”, Hoàng bộc bạch.
Chặng đường 4 năm đi tìm chính mình của Bảo Hoàng bắt đầu từ đó. Ngoài thời gian đến lớp, chàng trai trẻ nhận và làm khá nhiều việc không liên quan gì đến nhau từ PB (Promotion boy), MC hội chợ, gia sư, nhân viên bán hàng, cho đến thực tập sinh ở công ty về xuất nhập khẩu…
Hoàng từng là thành viên trong nhóm trẻ Việt tham gia cuộc thi Hult Prize (cuộc thi kinh tế lớn nhất thế giới dành cho hệ sinh viên và thạc sĩ, diễn ra tại Thượng Hải) và dành giải nhì khu vực châu Á. Ngoài ra, 9X còn đạt giải nhất toàn quốc trong cuộc thi Vietnam PR Concept, giải nhất cuộc thi tổ chức sự kiện của Freehugs Vietnam, giải ba nghiên cứu khoa học cùng kha khá những giải thưởng tập thể khác.
May mắn, nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp trong công ty, Bảo Hoàng đã làm tốt cả 2 việc cùng lúc. Tốt nghiệp ra trường, 9X là Á khoa ngành Quản trị kinh doanh của trường ĐH Ngoại Thương (TP.HCM), song song đó, anh dần chứng minh thực lực trong lĩnh vực truyền thông.
Bảo Hoàng tâm sự với Thanh Niên: “4 năm đại học với những gạch đầu dòng như thế giúp mình trở thành một người không biết sợ, bởi đâu còn gì để sợ nữa khi mình đã trải qua đủ mọi va vấp, thất bại để có được bấy nhiêu thành tích đó. Và chắc chắc trên con đường thành công sắp tới sẽ còn nhiều chông gai, va vấp chờ đợi mình. Nên đừng sợ, cứ đi thôi!”.
Thất nghiệp cũng như bị ế
Hoàng nghĩ vui rằng thất nghiệp cũng giống như bị ế trong chuyện tình cảm. Nhiều khi ế vì người ta thích thế hoặc cần một giai đoạn như thế. Chàng trai chia sẻ suy nghĩ về chuyện thất nghiệp: “Theo mình, để làm tốt một công việc nào đó, điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là mình phải thích, phải yêu, phải đam mê. Nếu chọn một công việc mà mình không thích, không vui, không muốn thức dậy đi làm mỗi ngày thì có việc hay không cũng là thất nghiệp”.
Sau 4 năm nhìn lại, Hoàng vẫn là người biết mỗi thứ một ít, vẫn học đều cả tự nhiên lẫn xã hội, ưu điểm thích ứng nhanh với các kỹ năng mềm, chỉ khác là bây giờ Hoàng đã biết mình thích gì, phù hợp với nghề gì.
Hoàng chia sẻ lựa chọn của mình với Thanh Niên: “Nếu có một nghề nghiệp mình vừa yêu thích lại vừa có thể bồi đắp thêm về mặt chuyên môn, thì truyền thông là một lựa chọn tốt. Trong nghề này, mình xuất phát muộn hơn nên cần tốc độ nhanh hơn, nói về tốc độ thì Hoàng tự tin đấy”. Và hiện tại, 9X đang giữ chức vụ trưởng phòng PR và Marketing của Kênh truyền hình dành cho gia đình trên VTC8.
Theo Bảo Hoàng, 4 điều quan trọng giúp bạn sớm xác định đúng công việc phù hợp với mình và không bị “ế” sau khi ra trường, đó là:
1. Hãy hỏi bản thân: Mình muốn ở đâu trong 5 năm tới, mình muốn là ai trong 10 năm tới? Cụm từ nào sẽ được đặt trước tên mình sau 20 năm nữa? Và môi trường nào, công việc nào có thể giúp mình đạt đến mục tiêu đó?
2. Bạn có gì trong tay? Các bạn mới ra trường hay lo lắng trước những vị trí yêu cầu 1-2 năm kinh nghiệm. Thật ra kinh nghiệm thì các nhà tuyển dụng có thể cho bạn “nợ”, nhưng đừng thiếu trải nghiệm.
3. Thể hiện bạn thật tuyệt vời vì bạn thật sự yêu thích công việc đó, sẵn sàng bù đắp sự thiếu sót kinh nghiệm bằng những trải nghiệm và có một thái độ cầu thị, ham học hỏi.
4. Hãy tập làm quen với những email mở đầu bằng: “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo…”, vì đó cũng là bài học thất bại cần có để bạn vững tinh thần và có thêm động lực để thực sự đạt được điều mình mong muốn.
Bạn là sinh viên chuẩn bị ra trường hay đã tốt nghiệp? Bạn đã có việc làm hay vẫn đang tìm việc? Bạn đang loay hoay với những khó khăn gì? Bạn có những 'độc chiêu' xin việc muốn chia sẻ?
Hãy kể câu chuyện và kinh nghiệm của bạn với chúng tôi. Xin email về địa chỉ: cong.phan@thanhnien.vn với Tiêu đề: [GIỚI TRẺ] [KHÔNG THẤT NGHIỆP SAU TỐT NGHIỆP] Bài viết trong khoảng 500 – 800 chữ.
|
Lê Ái (TNO)
Bình luận (0)