Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đại học tư thục nhìn từ kết quả tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2016, từ trường ĐH tốp đầu cho đến các trường địa phương đều phải khóc ròng vì tình trạng thí sinh (TS) ảo, dẫn đến phải hạ điểm chuẩn để xét tuyển đợt 2 với hy vọng vớt vát cho đủ chỉ tiêu. Nhưng bên cạnh đó, có không ít trường ĐH tư thục lại nổi lên như một hiện tượng vì kết quả tuyển sinh khá tốt. Vậy đâu là nguyên nhân để nhiều trường ĐH tư thục lại tạo được sức hút với người học như vậy?

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Trường tư thục nhập học gần 90%
Trong năm 2016, Trường ĐH Văn Lang có tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH là 2.700. Trường “chơi sốc” khi quyết định không xét học bạ THPT như tất cả các trường tư thục khác mà chỉ xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia 2016. Kết quả trong đợt 1, trường có đến gần 90% TS trúng tuyển nhập học. Đáng nói hơn, với TS trúng tuyển, trường không cấp giấy báo nhập học ngay mà tuân thủ theo đúng thời hạn quy định, đó là TS nộp giấy chứng nhận kết quả thi về trường, sau đó trường mới gửi giấy báo mời nhập học. Về mức học phí, trường thu học phí từ 18 – 30 triệu đồng/năm (các ngành năng khiếu).
Theo thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, kết quả tuyển sinh đợt 1 TS nhập học đạt hơn 60% trong tổng chỉ tiêu 5.200. Trường xét tuyển bằng 2 phương thức: Kết quả điểm thi THPT quốc gia và điểm học bạ THPT. So với những năm trước, kết quả tuyển sinh đợt 1 cao hơn hẳn (thường đợt 1 nhập học chỉ đạt khoảng 40% chỉ tiêu). Nếu những năm trước, điểm trúng tuyển tất cả các ngành chỉ bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục – Đào tạo thì năm nay, điểm một số ngành cao hơn từ 1 – 2 điểm so với điểm sàn. Trong khi đó, học phí của trường không hề thấp, bình quân khoảng 25 – 28 triệu đồng/năm (tùy theo ngành).
Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: Tổng chỉ tiêu năm nay của trường là 6.300, trong đó hệ CĐ 700 chỉ tiêu, hệ ĐH 5.600. Kết quả nhập học của TS đạt gần 70%. Học phí của trường trên 20 triệu đồng/năm. Riêng ngành dược khoảng 34 triệu đồng/năm. Trong năm nay, trường dành nhiều chính sách học bổng cho sinh viên, tất cả sinh viên khi trúng tuyển vào trường được nhận học bổng từ 1-3 triệu đồng. Riêng TS nữ học các ngành điện, điện tử được giảm 20% học phí.
Vì sao các trường có sức hút?
Các trường tư thục có sức hút với TS học phí không hề thấp, khoảng 18 – 40 triệu đồng/năm, không dễ để TS và gia đình chọn học. Tuy nhiên, thực tế qua kết quả tuyển sinh có thể thấy những trường này có sức hút thật sự với TS.
Thành công của Trường ĐH Văn Lang được xây dựng từ chủ trương đúng đắn của trường. So với nhiều trường tư thục khác, trường có lịch sử đến 22 năm thành lập nhưng chỉ tiêu chỉ bằng khoảng 1/3 so với đối thủ, trường không chạy theo số lượng, không có hệ CĐ và trung cấp. Thứ hai, chính sách học phí của trường được xây dựng theo cách “không đụng hàng”, đó là học phí giữ nguyên từ năm nhất đến năm cuối. Ngoài học phí, sinh viên không phải đóng thêm bất cứ một khoản phí nào từ tài liệu, giáo trình đến thực hành, thực tập. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Chủ trương của trường là làm sao để khi một sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ thu hút một sinh viên khác vào trường để học. Do đó, sinh viên khi học ở trường sẽ được quan tâm tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên học tập và ra trường có việc làm”. So với những trường khác, cơ sở này hầu như tốn rất ít chi phí cho truyền thông để quảng bá tuyển sinh nhưng lại đạt kết quả tuyển sinh cao nhất.
Với những trường như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Duy Tân…, dù học phí từ 22 – 40 triệu đồng/năm nhưng vẫn thu hút được người học. Điều dễ nhận thấy nhất, những cơ sở đào tạo này đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng xây dựng cơ sở, phòng học, phòng thí nghiệm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Do đó, nếu xét về cơ sở vật chất, nhiều trường công lập tại địa phương và ngay cả một số trường ĐH công lập tại TPHCM cũng không thể sánh bằng.
Tính khoảng 3 năm gần đây, Trường ĐH Công nghệ TPHCM đầu tư gần 1.000 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành. Trong đó, trường đầu tư khoảng 900 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Công nghệ cao và Trung tâm Đào tạo tại Khu Công nghệ cao TPHCM.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong 3 năm trở lại đây có một mức đầu tư khủng với hơn 1.500 tỷ đồng. Riêng về đầu tư cho cơ sở vật chất, tại quận 12 trường đã đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng khu học xá với 112 phòng học, phòng thực hành, thực tập. Tại quận 7, trường mới đưa vào hoạt động khu học xá 46 phòng học. Tại Khu Công nghệ cao của TPHCM, trường đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng xây dựng Viện Kỹ thuật công nghệ cao với nhiều hạng mục như khối giảng đường – hội thảo – quản lý – hành chính, Viện Khoa học sức khỏe, Viện Nghiên cứu y dược, Viện Công nghệ cao, Viện Quy hoạch kiến trúc xây dựng, Viện Khoa học môi trường – công nghệ sinh học, Viện Đào tạo quốc tế, Viện Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ… Dự án này nằm trong đề án phát triển trường đến năm 2020, đưa trường phát triển theo mô hình trường đại học trọng điểm, trở thành trường đại học phi lợi nhuận, định hướng nghiên cứu kết hợp ứng dụng, đào tạo đa ngành chất lượng cao…
Với bối cảnh khủng hoảng trong mùa tuyển sinh năm nay, việc nhiều trường ĐH tư thục tuyển sinh thành công có thể nói là một điểm sáng. Việc những trường tư thục học phí cao thu hút được người học càng khẳng định chủ trương xã hội hóa giáo dục ĐH của Chính phủ là đúng đắn.

THANH HÙNG (SGGP)

Bình luận (0)