Các vấn đề tự chủ đại học dù đã được đề cập trong Luật Giáo dục, các văn bản, nghị định, quy định, song qua 10 năm thực hiện, mới chỉ 14 trường thực hiện thí điểm tự chủ; có trường còn chưa có hội đồng trường, hoặc chỉ “cho có” chứ chưa trường nào phát huy được hoạt động này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD – ĐT) Bùi Văn Ga cho biết, Hội đồng trường trong các trường đại học công lập có quyền lực rất lớn (theo tự chủ đại học) nhưng thực tế lại không hoạt động hiệu quả. Quyền lực vẫn tập trung vào hiệu trưởng hoặc lãnh đạo trường đại học. Với tư duy này, vấn đề tự chủ đại học vẫn chưa thể phát triển được.
Hoạt động như tổ chức tư vấn
TS Lê Viết Khuyến, Hiệp Hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, theo Luật Giáo dục 2005, Hội đồng trường là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng xã hội để thực hiện mục tiêu giáo dục. Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện chủ sở hữu của nhà trường. Do nhà nước luôn là chủ sở hữu của các trường công lập, nên ở các trường công lập cả Hiệu trưởng lẫn Hội đồng trường đều cùng là đại diện cho nhà nước. Vì có sự chồng lấn về chức năng giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường như vậy, nên phần lớn hiệu trưởng không muốn tiếp nhận cơ chế Hội đồng trường. Nếu phải chấp nhận thành lập Hội đồng trường thì chỉ xem như là một tổ chức tư vấn của mình. Chính việc thành lập các Hội đồng trường là nguyên nhân chủ yếu gây khó khăn cho Nhà nước khi muốn trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Ngày 6/10, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép ĐH Bách khoa Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình tự chủ toàn diện. Mọi vướng mắc về cơ chế sẽ được gỡ bỏ tối đa. |
Theo TS Lê Viết Khuyến, những xung đột xảy ra khá phổ biến trong nội bộ các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong thời gian qua chủ yếu là do sự tranh giành quyền lực giữa các nhóm lợi ích trong trường, giữa Hội đồng quản trị với ban giám hiệu, giữa các cổ đông với nhau.
Đồng ý với quan điểm này, TS Nguyễn Thanh Sơn (ĐH Yersin Đà Lạt) cho biết, thực tế Hội đồng trường trong các ĐH công lập được giao quyền lực rất lớn, nhưng không có quyền bầu và miễn nhiệm Hiệu trưởng (đây là quyền của cơ quan chủ quản). Vì vậy, Hiệu trưởng không phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường. Bên cạnh đó, Đảng ủy trường là cơ quan lãnh đạo trực tiếp, toàn diện các hoạt động của trường và chưa có quy định về mối quan hệ cụ thể với Hội đồng trường. Do đó, Hội đồng trường chỉ là hình thức.
Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới, việc giao quyền tự chủ cho các trường chính là sự hoạt động hiệu quả của Hội đồng trường. GS Phạm Phụ (ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Ở nhiều nước trên thế giới, giao tự chủ ĐH và trách nhiệm xã hội cho Hội đồng trường, chứ không giao cho Hiệu trưởng hay trường ĐH nói chung. Chức năng của Hội đồng trường là quản trị và tạo ra sự thay đổi; còn chức năng của Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu là bảo đảm những chính sách đó được thực thi. Việc làm rõ chức năng và phương thức làm việc giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thành công tự chủ ĐH”.
Cùng quan điểm này, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam khẳng định, Hội đồng trường phải là một hội đồng quyền lực thực sự, quyết định mọi chính sách của nhà trường, có quyền chọn lựa Hiệu trưởng và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của nhà trường. Thành phần của Hội đồng trường phụ thuộc loại hình sở hữu của trường. Phải từng bước tiến tới xóa Bộ chủ quản để đảm bảo cho hội đồng trường hoạt động hữu hiệu.
Bài học mô hình công ty
Theo Ths Nguyễn Ngọc Thảo Trang, ĐH Tài chính Marketing, tuy giáo dục giữa Nhật Bản và Việt Nam có một khoảng cách khá xa nhưng xuất phát điểm tại Nhật Bản tương tự tình hình nước ta hiện nay. Do đó, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ cải cách giáo dục đại học ở Nhật Bản có thể xem là một giải pháp.
“Trước đây, các trường đại học quốc gia ở Nhật về cơ bản được xem như là một tổ chức của nhà nước. Mỗi lần tái tổ chức, thuyên chuyển nhân sự, nhà trường phải xin ý kiến Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Kỹ thuật (MEXT). Do vậy, cuộc cải cách mạnh mẽ với việc chuyển đổi ĐH quốc gia thành công ty quản trị độc lập, diễn ra vào năm 1999, được coi là "vụ nổ Big Bang" với các trường ĐH quốc gia. Theo Luật Công ty đại học quốc gia của Nhật Bản được thực thi từ năm 1999, việc quản lý trường ĐH tuân theo mô hình quản lý như ngành kinh tế tư nhân. Chỉ 5 năm sau, tất cả các trường ĐH quốc gia ở Nhật đều chuyển đổi thành công ty ĐH quốc gia. Thay đổi lớn nhất về nhân sự là tập thể nhân viên không còn là công chức nữa và không còn lệ thuộc vào nhà nước”, Ths Nguyễn Ngọc Thảo Trang nói.
Ths Nguyễn Ngọc Thảo Trang cho biết, nhà nước có chức năng đánh giá chất lượng, thành lập hay đóng cửa trường ĐH và cung cấp nguồn ngân sách cần thiết cho mỗi công ty ĐH quốc gia, dựa vào đánh giá của bên thứ ba. Mỗi trường phải soạn dự thảo các mục tiêu và kế hoạch hoạt động trong 6 năm để nộp cho MEXT. Ủy ban đánh giá công ty ĐH quốc gia sẽ đánh giá dự thảo này. Dựa vào đó, nhà nước sẽ quyết định phân cấp ngân sách trọn gói cho hoạt động 6 năm tới của công ty ĐH. Thay đổi lớn nhất về quản lý nội bộ là các công ty ĐH quốc gia có hội đồng quản trị, hội đồng nghiên cứu và giáo dục.
Mô hình hoạt động theo kiểu công ty đã giúp cho các ĐH quốc gia cải thiện năng lực hoạt động. Năm 2005, có 87 trường ĐH quốc gia chuyển đổi thành công ty đã thành công trong việc giảm tổng số tiền lương được 13,7 tỷ yên và thu được 11,8 tỷ yên từ bản quyền sáng chế. Trong đó, ĐH Tokyo đã được xếp hạng mức tín dụng cao nhất năm 2006, ngang hàng với Tập đoàn Toyota. ĐH này cũng được xếp hạng thứ 16 trong thứ hạng các trường ĐH có chất lượng trên thế giới – theo đánh giá của Tạp chí Newsweek vào năm 2006.
Từ đó, Ths Nguyễn Ngọc Thảo Trang kết luận, bài học kinh nghiệm của Nhật Bản cũng như các nước có nền giáo dục tiên tiến cho thấy, muốn quản trị hiệu quả và nâng cao tính tự chủ, trường ĐH có thể được quản lý như mô hình một công ty. Việc tuyển dụng giảng viên không nhất thiết phải theo chuẩn chung cho cả nước, mà cần phù hợp với mục tiêu đào tạo đặc trưng của trường.
Do đó, theo đánh giá của GS Phạm Phụ thì quá trình thực hiện tự chủ ĐH thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực, lâu nay phần lớn tập trung ở bộ chủ quản và hiệu trưởng, sang hội đồng trường. Nếu không “thể chế hóa” chức năng và các mối quan hệ thì khó lòng thực hiện tự chủ ĐH một cách hiệu quả.
Bình luận (0)