Chiều 25-12, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-12-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 28-5-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương phát biểu tại hội nghị
Theo Nghị quyết 55, cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm. Đã tích cực thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường, huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gua của nhiều thành phần kinh tế nòng cốt là các doanh nghiệp Nhà nước.
Tuy nhiên, ngành nằng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Hiệu quả khai thác sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong một số lĩnh vực còn thấp.
Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương – cho biết, theo quan điểm của Bộ Chính trị, từ nay đến năm 2030, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, xu thế hội nhập. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
Bên cạnh đó, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch… “Trong các giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành điện thời gian tới, sẽ ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời phù hợp với khả năng đảm bảo an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Qua đó xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện chiến lược biển Việt Nam”, ông Hoàng Tiến Dũng chia sẻ.
ông Hoàng Tiến Dũng chia sẻ thêm, trong các mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030 thì sẽ cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, năng lượng sơ cấp đạt khoảng 175 – 195 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đạt khoảng125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550-600 tỉ KWh. Tỉ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20%. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt mức 105-115 triệu TOE.
Đặc biệt, sẽ xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính. Phấn đấu đến năm 2030 độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Tại hội nghị, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã triển khai chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 28-5-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
N.Trinh
Bình luận (0)