Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bản làng Homestay trên đỉnh sừng trời Tây Bắc

Tạp Chí Giáo Dục

Vượt qua sừng trời Khau Phạ – một trong tứ đại đỉnh đèo lừng lẫy miền Tây Bắc – xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) dần hiện ra với những nếp nhà sàn của đồng bào H’Mông mờ ảo trong làn sương, chênh vênh bên những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Những thửa ruộng lúa vàng óng hay thửa hoa cải dâu cheo leo dốc núi bây giờ đã vượt ra ngoài câu chuyện ấm no, đó còn là nhịp cầu nối đôi miền xuôi ngược, đưa ánh sáng văn hóa, tri thức đến với người dân bên đỉnh sừng trời…

Những thửa ruộng bậc thang là điểm nhấn du lịch để cứu cánh đồng bào Mông ở La Pán Tẩn

1.Chủ tịch xã La Pán Tẩn, Hảng Xáy Chong vồn vã đón khách ngay chân cầu thang dẫn lối lên ngôi nhà sàn còn thơm mùi gỗ mới, day mặt về phía những triền ruộng bậc thang vào mùa lúa vàng óng ả: “Đây là nhà của mình mới làm để mở dịch vụ homestay cho khách du lịch lưu trú. Toàn xã hiện đã có vài chục nóc nhà làm dịch vụ níu chân du khách như thế. Nhờ du lịch, đời sống bà con đồng bào H’Mông khấm khá hơn!”. Câu chuyện bên tách chè xanh của ông Hảng Xáy Chong – người có ngót chục năm sâu sát với đời sống bà con đồng bào H’Mông ở La Pán Tẩn, từ phó chủ tịch cho đến chủ tịch UBND xã như thước phim tư liệu, đầy trăn trở. Hơn hai chục năm trước, nhắc đến La Pán Tẩn, nhiều người nghĩ ngay đến “thủ phủ” trồng cây anh túc và số người nghiện ma túy lớn. Những mái nhà lụp xụp cảnh khó nghèo, người phụ nữ quần quật sấp ngửa quanh năm trên mỏm đá, sườn núi kiếm cái ăn, những người đàn ông say sưa bên bàn đèn thuốc phiện, những đứa trẻ thất học, mới 12, 13 tuổi đã trở thành lao động chính và các bậc bố mẹ bắt đầu nghĩ đến chuyện dựng vợ, gả chồng… Không mấy ai nhận ra hệ lụy của loài cây gây nghiện dưới cái tên mỹ miều: Anh túc. Thậm chí nó còn được dùng làm sính lễ trong ngày cưới của những đôi uyên ương của người dân nơi đây… Hảng Xáy Chong nuốt ngụm chè xanh, trầm tư. Đôi mắt ông xoáy vào hõm núi, nơi đám mây bãng lãng quyện với làn khói bếp, ôm lấy bản làng: “Ngày đó cực lắm. Cái ăn không đủ no. Cây ngô cắm xuống đất phải mất vài tháng mới cho quả nhưng ngày nào cũng mong nó chóng lớn để có cái ăn ấm cái bụng mà lên núi, xuống suối”.

Rồi những năm 1990, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các chủ trương, chính sách hỗ trợ đã vực dậy một La Pán Tẩn vượt lên khó nghèo. “Tuy nhiên để làm được điều đó không phải chuyện dễ, cũng không phải ngày một ngày hai. Mọi thứ phải bắt đầu từ nội lực và nỗ lực!”, Hảng Xáy Chong nói. Mưa dầm thấm lâu! Với sự vào cuộc vận động của các ban ngành đoàn thể, nhiều bà con bắt đầu rời cái bàn đèn, chặt bỏ cây anh túc, be lại bờ thửa, lấy nước để gieo hạt lúa xuống những khoảnh ruộng bậc thang. Không phụ công người, chỉ sau ba tháng gieo trỉa, những triền ruộng bậc thang óng vàng màu lúa chín, đẹp như một bức tranh tuyệt mỹ. Bà con vui cái bụng, hối hả nhau thu hoạch để kịp xuống giống mùa sau. Cái nghèo được đẩy lùi một bước. “Năm 2006, con bê tông được đầu tư dẫn vào tận bản. Mọi khởi đầu từ con đường, chưa đầy năm sau, khách du lịch biết đến La Pán Tẩn. Ngày càng nhiều hơn, họ dừng chân lâu hơn để chinh phục những thang ruộng cheo leo sườn núi”, Hảng Xáy Chong phấn khởi kể.

Những người phụ nữ quanh năm quần quật với nương rẫy nay nông nhàn hơn nhờ dịch vụ cho thuê trang phục chụp ảnh ở điểm du lịch

2. Chuyện thoát nghèo, trẻ con được học cái chữ ngày càng nhiều hơn cũng nhờ vào sự phát triển du lịch. Nhiều đứa trẻ được đến trường, trở về gieo cái chữ cho con em đồng bào như các thầy cô giáo: Hảng A Zìn, Hảng Thị Chù, Thào A Chư, Lý A Zì… Các bậc cha mẹ ý thức hơn trong việc cho con tới trường, tỷ lệ bỏ học được hạn chế bớt. Thầy Thào A Chư – GV Trường TH-THCS La Pán Tẩn – bảo: “Trước đây để vận động học sinh đến trường là một bài toán nan giải. Nhưng vài năm nay, các em đã tự giác hơn. Thi thoảng vào mùa lúa chín, có vài học sinh nghỉ học giúp bố mẹ gặt lúa nhưng độ vài hôm là trở lại trường chứ không còn tình trạng nghỉ, bỏ hẳn. Đời sống cũng khấm khá hơn nên phụ huynh cũng mong con sáng cái chữ, học cái cách làm ăn của người Kinh để bớt vất vả hơn đời cha mẹ”. Dù rất ít bộc lộ trạng thái cảm xúc ra bên ngoài, nhưng trong đôi mắt thầy giáo trẻ, niềm tin cùng nỗ lực đem con chữ về bản làng của mình ngót gần chục năm nay với vỏn vẹn một câu ngắn gọn: “Mình yêu nghề giáo và yêu cả con em đồng bào H’Mông bên đỉnh sừng trời này lắm”, đã đủ nói lên khát vọng của thế hệ trẻ ở La Pán Tẩn trong hành trình đến gần hơn ánh sáng văn hóa, văn minh.

La Pán Tẩn có 770 hộ dân với khoảng gần 4.000 nhân khẩu, 99% dân tộc H’Mông. Trước đây xã 100% hộ nghèo thì nay giảm còn hơn 50%. Toàn xã có gần 200ha ruộng bậc thang trồng lúa nước. Hảng Xáy Chong bảo, từ khi khai thác du lịch, cánh phụ nữ đã biết dệt thêm các mặt hàng thổ cẩm lưu niệm, trang phục cho thuê chụp ảnh, một đội xe ôm dành cho khoảng 30 thanh niên trai tráng chở khách chinh phục những điểm tham quan hiểm trở nhưng tuyệt đẹp như đỉnh Mâm xôi… đời sống của đồng bào dần khởi sắc.

3. Đồng bào trên núi cao thường có nếp nghĩ, thấy hay mới làm theo. Hảng Xáy Chong hiểu điều đó hơn ai hết. Ông tiên phong đầu tư dịch vụ homestay. Tiếp đó, năm 2015, ông vận động bà con thử nghiệm 2ha hoa cải dâu nối vụ ngay sau mùa lúa chín để hút du khách. Thành công ngoài mong đợi. “Năm nay sẽ triển khai trồng hoa cải dâu trên toàn diện tích ruộng bậc thang. Mùa hoa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 11 kéo dài cho tới tháng 3 năm sau. Vào độ thu hoạch, bà con có thể thu hạt cải để bán làm dầu cải hoặc hạt giống”. Cách làm đó, Hảng Xáy Chong kỳ vọng sẽ hút khách du lịch nhiều hơn.

Hôm tiễn khách về xuôi, Hảng Xáy Chong bước thật chậm trên triền ruộng bậc thang. Dường như đắn đo lắm, thật lâu, ông bất chợt cất giọng trầm ấm trải lòng: “Mình đang sử dụng chính mảnh đất vườn để thử nghiệm trồng hoa tam giác mạch. Nếu thành công, cùng với lúa, hoa cải dâu, đào rừng thì mùa tam giác mạch nở trên triền ruộng La Pán Tẩn cũng hứa hẹn sẽ là nguồn thu hút khách du lịch, tăng phần nào thu nhập cho bà con”. Giây phút đó, tôi nhận ra rằng, những triền núi cao ngất ngưởng trên chốn đỉnh trời quanh năm mây phủ ấy, với địa hình trắc trở, bao năm qua có thể cách ngăn nhiều thứ nhưng trong đôi mắt Hảng Xáy Chong – người đứng mũi chịu sào ở La Pán Tẩn – ánh mắt và khát vọng thoát nghèo đã vượt qua những ngọn núi trở ngăn!

Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)